ClockThứ Hai, 19/08/2019 20:55
KỲ HỌP BẤT THƯỜNG LẦN THỨ 4, HĐND TỈNH KHÓA VII:

Thông qua các nghị quyết giảm chi lương, điều chỉnh vé tham quan di tích

TTH - Ngày 19/8, Thường trực HĐND tỉnh tổ chức kỳ họp bất thường lần thứ 4, HĐND tỉnh khóa VII nhằm xem xét, thảo luận thông qua một số nghị quyết quan trọng. Tham dự kỳ họp có UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Trường Lưu; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bùi Thanh Hà; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Phan Ngọc Thọ.

Khai mạc kỳ họp bất thường lần thứ 4, HĐND tỉnh khóa VII

HĐND tỉnh biểu quyết thông qua nghị quyết của kỳ họp

Ngân sách giảm chi lương và phụ cấp hơn 21 tỷ đồng/năm

Theo tờ trình về quy định chế độ chính sách cho đội ngũ cán bộ, công chức (CB, CC) và người lao động dôi dư của các cơ quan, đơn vị do sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã, tổng số CB, CC và người hoạt động không chuyên trách (HĐKCT) trên địa bàn tỉnh hiện có 3.360 CB, CC và 2.405 người HĐKCT. Tại 14 xã thuộc diện sắp xếp có 307 CB, CC và 220 HĐKCT; tại 138 xã, phường, thị trấn còn lại có 3.050 CB, CC và 2.185 HĐKCT. Số lượng CB, CC dôi dư do sắp xếp cấp xã có 159 người và HĐKCT dôi dư 128 người.

Như vậy, do thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính và thực hiện Nghị định 34 của Chính phủ, trên địa bàn toàn tỉnh được bố trí tối đa 3.078 CB, CC và 1.918 HĐKCT ở cấp xã. Theo tờ trình, nếu giải quyết chế độ cho số lượng CB, CC dôi dư này, hàng năm ngân sách giảm chi lương và phụ cấp khoảng hơn 21 tỷ đồng. Trong khi đó, tổng số kinh phí tỉnh hỗ trợ cho CB, CC và NHĐKCT cấp xã hơn 12,8 tỷ đồng.

Báo cáo thẩm tra của HĐND tỉnh cho rằng, việc quy định chính sách hỗ trợ thêm 6 tháng tiền lương và phụ cấp hiện hưởng cho CB, CC do sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã là hợp lý, nhằm tạo điều kiện để giải quyết cho những người dôi dư tăng đột biến sau sáp nhập. Đối với NHĐKCT dôi dư do sắp xếp theo Nghị định 34 của Chính phủ, UBND tỉnh đề nghị hỗ trợ 3 tháng tiền phụ cấp hiện hưởng để tìm việc làm và trợ cấp 1,5 tháng tiền phụ cấp hiện hưởng cho mỗi năm công tác là hợp lý, phù hợp với khả năng điều tiết của ngân sách địa phương. 

Điều chỉnh phí tham quan di tích

Theo Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế - Võ Lê Nhật, mục tiêu của việc điều chỉnh phí tham quan nhằm phấn đấu tăng trưởng nguồn thu từ bán vé tham quan di tích Huế giai đoạn 2020 - 2022 đạt 5-10%. Đồng thời, giảm gánh nặng đầu tư từ nguồn ngân sách Trung ương, tăng cường nguồn đầu tư ngân sách địa phương từ việc phát huy giá trị di tích phục vụ cho sự nghiệp bảo tồn, trùng tu và tôn tạo, trả lại giá trị nguyên vẹn các công trình kiến trúc; mở rộng quy mô phục vụ, tạo thêm điểm nhấn mới…

Vé tham quan di tích được điều chỉnh tăng

Tại kỳ họp, HĐND tỉnh xem xét thông qua nghị quyết về: sắp xếp, sáp nhập và đổi tên gọi các thôn, tổ dân phố; sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã, giai đoạn 2019-2021; quy định chính sách hỗ trợ đối với CB, CC, viên chức và NHĐKCT ở cấp xã dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính và thực hiện Nghị định 34 của Chính phủ; quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý, sử dụng phí tham quan di tích lịch sử văn hóa Huế thuộc Quần thể di tích Cố đô Huế và kiện toàn nhân sự Ủy viên UBND tỉnh, nhiệm kỳ 2016 – 2021.

Theo đó, mức điều chỉnh tăng phân chia theo 4 khu vực tham quan (chủ yếu áp dụng cho khách quốc tế và khách nội địa): nhóm 1 quần thể di tích Hoàng Cung Huế tăng từ 150.000 đồng lên 200.000 đồng; nhóm 2 quần thể các lăng vua Tự Đức, Khải Định, Minh Mạng tăng từ 100.000 đồng lên 150.000 đồng; nhóm 3 quần thể các lăng vua Gia Long, Thiệu Trị, Đồng Khánh tăng 40.000 đồng lên 50.000 đồng. Giá vé gộp tất cả điểm tham quan cao nhất 580.000 đồng. Ngoài ra, còn có một số chính sách miễn giảm đối với trẻ em, người Huế và các đối tượng ưu tiên theo quy định. Dự kiến, sau 3 năm thực hiện điều chỉnh giá vé theo mức trên, doanh thu cho cả giai đoạn 2020 - 2022 ước đạt trên 1.450 tỷ đồng.

Báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh cho rằng, mức điều chỉnh giá vé như vậy là phù hợp, không tác động lớn đến du khách, nhất là khách quốc tế; đối với khách nội địa cần có kích cầu để thu hút thêm du khách. Vấn đề này, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Trường Lưu cũng đề nghị ngành du lịch, đơn vị quản lý di tích cần đẩy mạnh công tác xã hội hóa, phối hợp với các đơn vị lữ hành tăng cường hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch, xem xét, cân đối nguồn kinh phí, tạo thêm nhiều dịch vụ mới lạ hơn nữa để thu hút khách du lịch.

Phát biểu bế mạc kỳ họp, UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Trường Lưu nhấn mạnh, các nghị quyết vừa được HĐND tỉnh thông qua đã kịp thời thể chế hóa các quy định của Trung ương, phù hợp với tình hình, điều kiện thực tế của địa phương, tạo cơ sở pháp lý cho các cấp, các ngành triển khai thực hiện. “Để thực hiện tốt các nghị quyết của HĐND tỉnh, ngay sau kỳ họp này, tôi đề nghị UBND tỉnh khẩn trương ban hành các quyết định cụ thể để triển khai thực hiện. Đề nghị Thường trực, các Ban HĐND, các đại biểu HĐND tỉnh theo chức năng, nhiệm vụ được giao phối hợp với Ủy ban MTTQ các cấp tăng cường các hoạt động giám sát việc tổ chức thực hiện các nghị quyết để các nghị quyết này sớm đi vào cuộc sống”- Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Trường Lưu nhấn mạnh.

Bài, ảnh: Thái Bình

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Kỳ họp thứ 8, HĐND tỉnh khoá VIII:
Tạo động lực bứt phá trong 6 tháng cuối năm

Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, sáng 17/6, HĐND tỉnh thảo luận tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH), an ninh quốc phòng (ANQP) 6 tháng đầu năm và phương hướng nhiệm vụ 6 tháng cuối năm.

Tạo động lực bứt phá trong 6 tháng cuối năm

TIN MỚI

Return to top