ClockThứ Năm, 03/03/2022 10:25

Thu hút đầu tư & đẩy nhanh tiến độ các dự án

TTH - Quyết định thành lập 4 Tổ công tác (TCT) liên ngành đặc biệt về xúc tiến và hỗ trợ đầu tư của tỉnh cho thấy quyết tâm cao trong việc đẩy nhanh tiến độ các dự án (DA), thúc đẩy, thu hút các nhà đầu tư. Xung quanh vấn đề này, Thừa Thiên Huế Cuối tuần có cuộc trao đổi với Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương.

Thu hút đầu tư trực tuyếnTập đoàn Takatsu Engineering, Nhật Bản thăm HuếTạo điều kiện tốt nhất cho nhà đầu tư tại các khu kinh tế, công nghiệp

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương

Thưa ông, việc thành lập 4 TCT  liên ngành đặc biệt về xúc tiến và hỗ trợ đầu tư phải chăng chúng ta đang có nhiều DA chậm tiến độ?

Thời gian vừa qua, hầu hết các DA trong và ngoài ngân sách trên địa bàn tỉnh đều chậm tiến độ. Đối với các DA ngoài ngân sách, nguyên nhân của việc chậm tiến độ là do sự phối hợp giữa các sở, ngành chưa đồng bộ, thiếu sự chặt chẽ dẫn đến việc doanh nghiệp (DN) khó tiếp cận đất đai, kéo dài thời gian tiếp cận đất đai của DN. Đối với các DA đầu tư công, do thủ tục đầu tư xây dựng còn phức tạp, vướng mắc và thời gian thực hiện công tác giải phóng mặt bằng kéo dài, bàn giao mặt bằng chậm trễ là một số nguyên nhân làm chậm quá trình giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh.

Thừa Thiên Huế sẽ tập trung tháo gỡ vướng mắc những DA trọng điểm nào?

Chúng tôi đã thành lập 4 TCT liên ngành với 4 lãnh đạo tỉnh làm tổ trưởng, mỗi tổ công tác sẽ gồm danh mục các DA đi kèm để tổ trưởng trực tiếp chỉ đạo. Chúng tôi sẽ không phân biệt DA trọng điểm và không trọng điểm, không có khái niệm DA lớn, nhỏ. Tất cả các DA trong 4 danh mục này đều sẽ được ứng xử như nhau theo mục tiêu chung là sớm đưa vào hoạt động đối với các DA đã cấp phép đầu tư; sớm hoàn thành thủ tục kêu gọi đầu tư, lựa chọn nhà đầu tư để tiếp tục triển khai thủ tục khác nhằm đưa vào hoạt động để phục hồi kinh tế, tạo đà tăng trưởng cho các năm tiếp theo.

Mục tiêu cuối cùng của việc thành lập 4 TCT đặc biệt này ra sao?

Đó là xử lý dứt điểm vướng mắc các DA trong và ngoài ngân sách đang gặp phải để đẩy nhanh tiến độ, với mục tiêu cao nhất là sớm đưa các DA đi vào hoạt động để thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương.

Khu Kinh tế Chân Mây - Lăng Cô thu hút được nhiều doanh nghiệp đến đầu tư, sản xuất, kinh doanh. Ảnh: THÁI BÌNH

Đối với các DA ngoài ngân sách, đúng là tỉnh mong muốn thúc đẩy mạnh hơn thủ tục đầu tư, từng bước khôi phục kinh tế; tuy nhiên, quan điểm của tỉnh giai đoạn này khi thành lập 4 TCT là nhằm thúc đẩy mạnh hơn thủ tục đầu tư phục vụ công tác “hỗ trợ đầu tư”. Công tác xúc tiến đầu tư thời gian qua đã làm khá tốt, đã có nhiều nhà đầu tư lớn đến Huế với rất nhiều DA đủ các lĩnh vực. Do đó, tạm thời giai đoạn này tỉnh sẽ tập trung chỉ đạo cao nhất cho công tác hỗ trợ đầu tư đối với các DA hiện hữu (bao gồm hai nhóm chính là nhóm DA đã hoàn thành cấp phép đầu tư và nhóm DA đang triển khai thủ tục kêu gọi đầu tư) để đẩy nhanh thủ tục, cải thiện hình ảnh về môi trường đầu tư của tỉnh và nhất là sớm đưa các DA đã cấp phép đi vào hoạt động; sớm hoàn thành thủ tục lựa chọn nhà đầu tư đối với các DA đang kêu gọi đầu tư để khôi phục kinh tế và tạo đà phát triển cho các năm tiếp theo.

Vậy, cách thực hiện sẽ như thế nào để có thể tháo gỡ và hỗ trợ đầu tư có hiệu quả?

Cách làm của tỉnh là 1 DA đều tương ứng 1 kế hoạch do tỉnh ban hành. Mỗi kế hoạch sẽ bao gồm các bước chính về trình tự thủ tục, mỗi bước gắn với đơn vị chủ trì tham mưu và mốc thời gian tương ứng để hoàn thành nội dung công việc. Kế hoạch này do cơ quan đầu mối về đầu tư tham mưu (chủ yếu là Sở Kế hoạch và Đầu tư, đối với các DA nằm ở địa bàn quản lý của Ban quản lý Khu Kinh tế, công nghiệp (KKT CN) tỉnh thì Ban sẽ tham mưu). Các kế hoạch đều có lấy ý kiến đủ tất cả các đơn vị liên quan để đảm bảo đồng thuận và khả thi trước khi trình UBND tỉnh ban hành làm cơ sở theo dõi, đôn đốc thực hiện.

Thành phần của TCT ngoài tổ trưởng là các lãnh đạo tỉnh, tổ viên bao gồm tất cả trưởng đầu ngành của các cơ quan liên quan hoạt động theo chế độ kiêm nhiệm; được sử dụng cán bộ, công chức thuộc thẩm quyền quản lý để thực hiện nhiệm vụ của TCT.

Ông có thể chia sẻ về trọng tâm thu hút đầu tư của Thừa Thiên Huế trong năm 2022?

Từ khóa của năm 2022 và các năm tiếp theo là Nghị quyết 54, phấn đấu đưa tỉnh Thừa Thiên Huế sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Theo đó, năm 2022 sẽ là năm bản lề để tiếp tục phát triển trong những năm tới.

Thừa Thiên Huế sẽ tập trung đẩy nhanh thủ tục đầu tư các DA phát triển đô thị ở khu vực Đô thị mới (ĐTM) An Vân Dương, các khu ĐTM trên địa bàn thành phố, thị xã Hương Thủy; các khu ĐTM, các khu phức hợp đô thị du lịch ở huyện Phong Điền để sớm đưa huyện Phong Điền lên thị xã; các khu phức hợp dân cư kết hợp du lịch ven biển ở Hải Dương, TP. Huế, ở xã Vinh An, Vinh Xuân, Vinh Thanh và Phú Diên thuộc huyện Phú Vang; ở Quảng Công, huyện Quảng Điền; ở Vinh Hiền, Giang Hải, huyện Phú Lộc để sớm hình thành các khu đô thị du lịch ven biển. Du lịch ven đầm phá cũng là trọng tâm thu hút đầu tư.

Việc hỗ trợ thu hút đầu tư sẽ giúp tăng tỷ lệ lấp đầy tại các KCN

Các DA xã hội hóa trong lĩnh vực văn hóa như các khu văn hóa đa năng ở ĐTM An Vân Dương, cầu Lim và bãi bồi Lương Quán thuộc địa bàn TP. Huế, độn Sầm ở Hương Thủy; thí điểm xã hội hóa quyền khai thác di sản, di tích Cố đô Huế để tăng thu ngân sách và góp phần quản lý bền vững di sản cũng là những nội dung quan trọng trong thu hút đầu tư của năm 2022.

Công nghệ thông tin, công nghiệp 4.0, nông nghiệp công nghệ cao cũng là những lĩnh vực trọng tâm để tập trung thu hút. DA phát triển cảng biển Điền Lộc, huyện Phong Điền để sớm hình thành trung tâm logistics ở phía bắc tỉnh Thừa Thiên Huế; phát triển các DA nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao để hình thành khu vực chuyên biệt về sản phẩm đặc sản nông nghiệp ở khu vực Phong Điền, Phú Lộc cũng là những trọng tâm trong công tác xúc tiến đầu tư của năm 2022.

Ngoài ra, tập trung tăng tỷ lệ lấp đầy ở các KCN tỉnh, KKT Chân Mây - Lăng Cô bằng việc thu hút các DA sản xuất công nghiệp như khu liên hợp sản xuất công nghiệp kính, DA sản xuất tấm nền sillicon, chíp bán dẫn, sản xuất hydrogen, nhà máy sản xuất dược phẩm; nhà máy sản xuất men frit; nhà máy gia công thạch anh Chân Mây; DA trung tâm logistics Chân Mây…

Xin cảm ơn ông!

LÊ THỌ - NGỌC MINH (Thực hiện)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đẩy nhanh tiến độ đối chiếu sinh trắc học

Để đảm bảo đến ngày 1/1/2025, các tài khoản thanh toán cá nhân qua ngân hàng số đều thực hiện đăng ký sinh trắc học, Ngân hàng Nhà nước tỉnh yêu cầu các ngân hàng trên địa bàn đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, hỗ trợ người dân đăng ký xác thực sinh trắc học.

Đẩy nhanh tiến độ đối chiếu sinh trắc học
Dành quỹ đất phát triển nhà ở xã hội

Dự báo đến năm 2025, nhà ở xã hội (NOXH) trên địa bàn tỉnh phát triển thêm khoảng 1.016.205m2 sàn với nhu cầu vốn khoảng 12.861 tỷ đồng và đến năm 2030 phát triển thêm khoảng 951.562m2 sàn với nhu cầu vốn khoảng 12.224 tỷ đồng.

Dành quỹ đất phát triển nhà ở xã hội

TIN MỚI

Masteri Grand Avenue Masterigrandavenues.vn Masteri Grand Avenue Masterigrandavenues.vn Thang máy fuji
Return to top