Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp bà Nena Stoiljkovic, Phó Chủ tịch Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) phụ trách khu vực châu Á-Thái Bình Dương
Cho rằng chuyến thăm Việt Nam lần này của bà Nena Stoiljkovic sẽ làm sâu sắc hơn mối quan hệ hợp tác lâu dài giữa IFC và Chính phủ Việt Nam, Thủ tướng khẳng định, Việt Nam luôn coi khu vực kinh tế tư nhân (KTTN) là khu vực quan trọng. Điều này đã được thể hiện qua nhiều chủ trương, chính sách của Đảng và Chính phủ, trong đó coi trọng sự bình đẳng cho khu vực KTTN, coi trọng phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ. Phấn đấu tăng tỉ trọng đóng góp của khu vực KTTN trong GDP so với hiện nay.
Thủ tướng cho biết, Việt Nam không chỉ có những tập đoàn KTTN lớn, hoạt động thành công, có tài sản lớn, mà còn doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng ngày càng phát triển.
Thủ tướng nêu rõ, Chính phủ Việt Nam đã đặt ra quyết tâm xây dựng Chính phủ kiến tạo và phục vụ, trong đó coi phát triển KTTN trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Thủ tướng Chính phủ thường xuyên tổ chức các hội nghị, gặp gỡ, đối thoại để lắng nghe ý kiến đóng góp của các doanh nghiệp tư nhân nhằm hoàn thiện thể chế, chính sách.
Thủ tướng nêu rõ, hiện nay, nhu cầu đầu tư phát triển của toàn bộ nền kinh tế rất lớn. Trong bối cảnh nguồn vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ cho Việt Nam đang giảm dần và nguồn lực trong nước hạn chế, Chính phủ rất quan tâm, khuyến khích đầu tư của các nhà đầu tư nước ngoài vào khu vực KTTN. Trong quá trình đó, Việt Nam đánh giá cao sự hỗ trợ của IFC đối với Việt Nam để có nguồn lực mới, nhất là liên quan khu vực KTTN. Hoạt động của IFC là hoàn toàn phù hợp chủ trương phát triển của Việt Nam. Chính phủ mong muốn thời gian tới, IFC tiếp tục là người bạn đồng hành của Việt Nam trên con đường phát triển.
Chính phủ ủng hộ chủ trương IFC hợp tác với chính quyền địa phương về phát triển cơ sở hạ tầng và luôn hỗ trợ để hoạt động của IFC tại Việt Nam được thuận lợi nhất.
Thủ tướng chia sẻ, hiện nay, Chính phủ Việt Nam đã phát động chương trình khởi nghiệp sáng tạo quốc gia, tuy nhiên quá trình này gặp khó khăn về nguồn vốn, do đó, Thủ tướng mong IFC hỗ trợ quá trình này, cũng như hỗ trợ phát triển nguồn năng lượng tái tạo ở Việt Nam.
Thủ tướng mong IFC với kinh nghiệm của mình, sẽ tham gia quá trình đầu tư vào các ngân hàng Việt Nam. Trong quá trình phát triển, Việt Nam rất mong muốn nhận được thêm nguồn vốn hỗ trợ của IFC.
Phó Chủ tịch IFC chúc mừng những thành tựu phát triển kinh tế-xã hội, nhất là ổn định kinh tế vĩ mô của Chính phủ Việt Nam; điều này đồng nghĩa việc tạo thuận lợi, góp phần cùng IFC trong việc hỗ trợ phát triển KTTN ở Việt Nam. IFC mong được tiếp tục hợp tác để phát triển KTTN, nhất là hỗ trợ khu vực KTTN.
Vừa qua, Ngân hàng Thế giới (WB) đã đưa ra chiến lược tối ưu hoá cho phát triển, trong đó Việt Nam và Indonesia được WB lựa chọn để thực hiện chiến lược này; hy vọng IFC sẽ hỗ trợ, xây dựng chính sách cho phát triển khu vực tư nhân. Bà cũng cảm ơn Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ủng hộ IFC suốt thời gian qua.
Bà nêu rõ, IFC có chiến lược mới về mở cửa và tạo lập thị trường, thu hút đầu tư nước ngoài và hy vọng, Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong chiến lược này để khai mở những lĩnh vực, ngành nghề mới. Do đó, bà mong Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ủng hộ đề xuất này.
Bà đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong việc phát triển KTTN. Điều đó thể hiện hai bên có điểm chung rất lớn. Chính phủ Việt Nam tạo môi trường thuận lợi và IFC sẽ nỗ lực tìm kiếm nguồn vốn.
IFC cũng quan tâm đến chương trình khởi nghiệp, hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp phát triển, hỗ trợ phát triển thành phố thông minh, hoạt động đổi mới sáng tạo...
Theo VPCP