ClockChủ Nhật, 19/11/2017 07:13

Thủ tướng trực tiếp trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội Khóa X

Chốt lại phần chất vấn của Quốc hội đối với các thành viên Chính phủ, bắt đầu từ 14 giờ chiều 18/11, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đăng đàn, trực tiếp trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội Khóa XIV. Đây là lần thứ hai, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trả lời chất vấn trước Quốc hội khóa XIV.

Đại biểu chất vấn xét xử các vụ 'đại án' tham nhũng

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN

Khác với các phiên chất vấn trước đây, tại Kỳ họp thứ 4 này, Quốc hội dành gần trọn một buổi làm việc để Thủ tướng Chính phủ trả lời các chất vấn của đại biểu Quốc hội, tức là thời gian chất vấn Thủ tướng dài hơn tại Kỳ họp trước đây với khoảng 2,5 giờ làm việc chính thức.

Việc kéo dài thời gian trả lời chất vấn của Thủ tướng theo đánh giá của nhiều đại biểu là đã đáp ứng mong đợi của cử tri bởi chỉ có Thủ tướng trên cương vị của mình mới có thể trả lời thỏa đáng những vấn đề hệ trọng mang tầm cỡ quốc gia.

Đúng như kỳ vọng của đại biểu và cử tri về hình ảnh của một vị Thủ tướng gần gũi với người dân và doanh nghiệp, trong suốt 2,5 giờ trả lời chất vấn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã hết sức thẳng thắn, khách quan và trả lời thẳng vào trọng tâm câu hỏi của cử tri với tinh thần hết sức cầu thị và không né tránh trách nhiệm của Chính phủ.

Hoàn thành toàn diện các chỉ tiêu kinh tế-xã hội

Mở đầu phiên chất vấn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thay mặt Chính phủ báo cáo giải trình làm rõ các vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm trong số 76 phiếu chất vấn đại biểu Quốc hội gửi đến các thành viên Chính phủ, có 6 phiếu chất vấn Thủ tướng.

Báo cáo giải trình thêm về tình hình kinh tế​-xã hội của đất nước, Thủ tướng nêu rõ, các lĩnh vực đều chuyển biến tích cực, kết quả đạt được là toàn diện. Đa số các ý kiến đều đánh giá cao kết quả đã đạt được về kinh tế-xã hội trong năm 2017 với 13/13 chỉ tiêu đều đạt và vượt chỉ tiêu được giao.

Thủ tướng cũng báo cáo thêm với Quốc hội về kết quả công tác ứng phó, hỗ trợ, khắc phục hậu quả thiên tai trong năm 2017, chỉ ra những bất cập và nêu các giải pháp cần thực hiện về phòng chống thiên tai, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu trong thời gian tới...

Về kết quả cải cách hành chính, Thủ tướng cũng cho biết, Chính phủ đã ban hành 14 nghị quyết về vấn đề này, đồng thời triển khai nhiều giải pháp như cấp số định danh cá nhân, tiến tới bỏ sổ hộ khẩu giấy, xây dựng cổng thông tin tiếp nhận phản ánh kiến nghị của doanh nghiệp, người dân...

Thực hiện tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo tinh thần Nghị quyết của Bộ Chính trị, từ năm 2015 đến nay đã tinh giản được trên 30 nghìn người.

Thủ tướng cũng nêu quyết tâm từ nay đến năm 2021, mỗi năm giảm ít nhất 2,5% biên chế trong cả hệ thống chính trị... hướng tới xây dựng bộ máy hành chính hiện đại, công khai, minh bạch, hoạt động hiệu lực, hiệu quả...

Báo cáo của Thủ tướng cũng nhấn mạnh đến những kết quả, hạn chế trong việc thực hiện chủ trương giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số; đồng thời nêu bật thành tựu trong công tác đối ngoại, hợp tác quốc tế của đất nước năm 2017.

Đồng bộ các giải pháp để giảm khoảng cách giàu nghèo

Là người đầu tiên chất vấn Thủ tướng, đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) đề nghị Thủ tướng cho biết chủ trương của Chính phủ để kéo giảm tình trạng chênh lệch giàu nghèo, phân hóa xã hội giữa thành thị với nông thôn, đồng bằng với miền núi.

Trả lời câu hỏi này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh đến mục tiêu xây dựng và phát triển đất nước của Đảng, Nhà nước là dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh và khẳng định trên thực tế, đất nước đã đạt được nhiều kết quả rất đáng trân trọng từ đồng bằng đến miền núi.

Tuy nhiên, Thủ tướng nhận định, tỷ lệ người nghèo ở vùng sâu, xa, biên giới hải đảo vẫn còn tồn tại. Thu nhập của người dân ở nông thôn chưa bằng 1/2 so với thành thị, nhất là ở vùng núi chỉ đạt 44%.

Đưa ra những giải pháp khắc phục, Thủ tướng cho biết, việc phân phối của cải xã hội hợp lý là chủ trương ưu tiên và làm liên tục. Do vậy, Chính phủ sẽ đẩy mạnh ổn định tái cơ cấu kinh tế, tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả để mang lại lợi ích nhiều hơn.

Ngoài ra, việc đào tạo việc làm cho người dân vùng sâu vùng xa, điều tiết thu nhập qua thuế cũng cần phải thực hiện tốt hơn, an sinh xã hội với nhiều trụ cột phải tiến hành mạnh mẽ hơn.

Về chính trị, phải ổn định, dân chủ công khai để người dân vươn lên, tạo điều kiện người dân làm chủ để giảm chênh lệch. “Giải quyết đồng bộ các vấn đề này sẽ làm giảm khoảng cách giàu nghèo,” Thủ tướng nói.

Nhân dịp này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trân trọng cảm ơn mọi tầng lớp nhân dân và kiều bào ta ở trong và ngoài nước đã chung tay ủng hộ, hỗ trợ đồng bào bị thiệt hại do thiên tai, lũ lụt thời gian qua.

Doanh nghiệp trong nước và FDI phải “cùng có lợi”

Cũng trả lời đại biểu Tô Văn Tám về giải pháp của Chính phủ trong việc phát huy vai trò và sự đóng góp của khối kinh tế tư nhân theo Nghị quyết Trung ương 5, khóa XII, Thủ tướng thông tin, trong năm nay, cả nước có thể có thêm 115 ngàn doanh nghiệp tư nhân, trong đó 93% có hoạt động tốt.

Về các giải pháp thúc đẩy hoạt động của khối doanh nghiệp này, Thủ tướng nhấn mạnh đến nhiệm vụ cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh trên cơ sở bám sát mục tiêu hàng đầu là ổn định kinh tế vĩ mô, công khai, minh bạch, đặc biệt là bình đẳng trong tiếp cận nguồn lực, đơn giản hóa thủ tục phá sản; tránh kiểm tra chồng chéo…

Để góp phần giảm chi phí doanh nghiệp, Thủ tướng đề nghị các doanh nghiệp tư nhân “nói không với việc đưa hối lộ hay chi phí không chính thức.” Cùng với đó là cần tạo không gian cho kinh tế tư nhân phát triển, đẩy mạnh hợp tác liên kết giữa doanh nghiệp Việt Nam với các doanh nghiệp FDI để thúc đẩy sản xuất.

Thủ tướng cũng mong muốn các doanh nghiệp tư nhân nâng cao đạo đức kinh doanh, tránh tình trạng sớm rời khỏi thị trường. “Doanh nghiệp tư nhân Việt Nam cần vươn lên, dám nghĩ, dám làm” cùng với sự cổ vũ, động viên, tạo điều kiện của chính quyền địa phương, Thủ tướng bày tỏ mong muốn.

Trả lời chất vấn của đại biểu Bùi Sỹ Lợi (Thanh Hóa) về thực trạng doanh nghiệp FDI hiện nay, Thủ tướng cho rằng “cần phát triển mạnh mẽ trên cơ sở tái cơ cấu lại FDI” đồng thời khẳng định, FDI đóng vai trò quan trọng cho xuất khẩu, giải quyết lao động, chuyển giao công nghệ và quản lý, đặc biệt góp phần thúc đẩy kinh tế của đất nước.

Riêng xuất khẩu FDI chiếm 60% tổng xuất khẩu kim ngạch của đất nước, giải quyết 3 triệu việc làm. Một số mô hình quản lý cũng rất tốt và bước đầu đã kết hợp FDI với doanh nghiệp trong nước. Rất nhiều tấm gương tốt ở FDI đã phát triển ở Việt Nam, Thủ tướng cho biết thêm.

“Chúng ta không nói một chiều rằng FDI không hay mà chính FDI đã đóng góp cho nền kinh tế Việt Nam và là một thành phần của nền kinh tế Việt Nam,” Thủ tướng nói và chỉ rõ, bên cạnh những tiến bộ, FDI còn một số tồn tại phải xử lý.

Đó là công nghệ còn ở mức trung bình, có tình trạng chuyển giá, trốn thuế, vi phạm môi trường trong một số doanh nghiệp FDI. Quan điểm là “chúng ta phải xử lý nghiêm,” Thủ tướng chỉ đạo.

“Cần cái gì thì kêu gọi đầu tư, nhưng không phải kêu gọi đầu tư mọi thứ và không phải đầu tư bằng bất cứ giá nào,” Thủ tướng bày tỏ quan điểm và đề nghị các bộ, ngành, địa phương cần triển khai mạnh mẽ hơn tinh thần này, đồng thời đẩy mạnh sự kết hợp giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước để hai chủ thể “cùng phát triển, cùng có lợi.”

Chất lượng tăng trưởng được cải thiện rõ rệt

Trả lời chất vấn của đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Lạng Sơn) về chất lượng tăng trưởng của Việt Nam, Thủ tướng khẳng định, chất lượng tăng trưởng của Việt Nam có cải thiện rõ rệt với tốc độ khá trong thời gian dài và cơ cấu tích cực: Giảm nông nghiệp, tăng công nghiệp. Đặc biệt, theo Thủ tướng việc năng suất lao động tăng lên là điều rất đáng mừng trong kinh tế Việt Nam.

Thủ tướng cũng cho biết thêm, kim ngạch xuất khẩu năm nay có thể đạt 210 tỷ USD, tăng gấp 3 lần kế hoạch được giao là 21% (so với 7% kế hoạch đề ra). Chỉ số năng lực cạnh tranh của Việt Nam tăng 5 bậc. Chỉ số xã hội, chỉ số phát triển con người của Việt Nam đều thăng hạng. Tuổi thọ người Việt Nam lên mức 73,7 tuổi, năm 2010 là 72,9 tuổi - là nước có tuổi thọ cao ở khu vực châu Á.

Thủ tướng cho biết, Chính phủ sẽ tiếp tục tạo ra một môi trường kinh doanh tốt hơn hướng tới tiêu chuẩn nhóm OECD đảm bảo các yếu tố bình đẳng, công bằng, minh bạch hướng tới kinh tế số.

Chính phủ kiến tạo, nói đi đôi với làm

Băn khoăn về nhiều cách hiểu khác nhau đối với Thông điệp Chính phủ kiến tạo -một thông điệp có sức lay động ở trong nước và quốc tế, đại biểu Vũ Tiến Lộc (Thái Bình) đề nghị Thủ tướng làm rõ quan điểm về vấn đề này.

Về câu hỏi này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phân tích, nội hàm của Chính phủ kiến tạo trước hết là chủ động thiết kế chính sách, pháp luật để đất nước phát triển. “Nhà nước không làm thay thị trường và nhân dân, cái gì nhân dân làm tốt thì để nhân dân, xã hội làm,” Thủ tướng nói và khẳng định quyết tâm của Chính phủ trong việc kiến thiết môi trường kinh doanh thuận lợi để “môi trường kinh doanh của nước ta không chỉ dẫn đầu khu vực ASEAN, mà còn vươn lên nhóm các quốc gia phát triển.”

Cùng với đó, theo Thủ tướng Chính phủ kiến tạo còn phải không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục, y tế để phục vụ người dân.

“Chính phủ kiến tạo là Chính phủ hành động, nói đi đôi với làm, đề cao trách nhiệm cá nhân, thiết lập kỷ cương, đặc biệt phải thay ngay theo thẩm quyền khi cán bộ không đáp ứng yêu cầu,” Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng cũng phân biệt sự khác nhau giữa Chính phủ kiến tạo và Chính phủ điều hành, theo đó, Chính phủ kiến tạo có sự chủ động hơn về chính sách, pháp luật, để tạo môi trường kinh doanh thuận lợi hơn. Chính phủ điều hành là Chính phủ chỉ thực hiện trên chính sách, pháp luật.

Chưa hài lòng trong điều hành kinh tế-xã hội

Chất vấn Thủ tướng về kết quả quản lý, điều hành, đại biểu Lê Thanh Vân (Cà Mau) đặt câu hỏi​ liệu Thủ tướng có hài lòng với kết quả điều hành của Chính phủ về kinh tế​-xã hội không và trăn trở, điều lo lắng của Thủ tướng là gì?

Trả lời đại biểu Vân, Thủ tướng nêu rõ, có được kết quả hôm nay, chúng ta đã vượt nhiều khó khăn, đạt được kết quả bước đầu quan trọng là hoàn thành toàn diện 13 chỉ tiêu kinh tế-xã hội.

Tuy nhiên, Thủ tướng đánh giá đây vẫn là kết quả bước đầu, nền kinh tế quy mô vẫn còn nhỏ, thiên tai, lũ lụt liên tục xảy ra, nguồn nhân lực của đất nước chưa đáp ứng yêu cầu cho phát triển.

“Chưa được hài lòng trong điều hành đất nước,” Thủ tướng thẳng thắn chia sẻ và khẳng định cần làm tốt hơn nữa, trách nhiệm hơn nữa và đồng bộ hơn nữa thì kết quả tốt hơn.

Chia sẻ với đại biểu về nỗi lo của mình, Thủ tướng cho biết đó là những vấn đề đã được Đảng nhận định như tụt hậu, diễn biến hòa bình, tham nhũng, suy thoái.

Thủ tướng cũng bày tỏ lo lắng trước hiện tượng “trên nóng, dưới lạnh,” một bộ phận cán bộ còn nhũng nhiễu, sách nhiễu, chưa sát dân, chưa gần dân, chưa kịp thời giải quyết các nguyện vọng chính đáng của người dân. “Xa dân, quan liêu là điểm phải lo lắng nếu có ở bộ máy của ta,” Thủ tướng nói.

Do đó, phải tiếp tục thực hiện kiến tạo, liêm chính, hành động vì nhân dân. Cả bộ máy phải đồng lòng vì nhân dân, để dân tin, Thủ tướng nói và nhấn mạnh gút lại vấn đề, việc quan trọng trong điều hành hiện nay là giải quyết các “điểm nghẽn” về hạ tầng, nguồn nhân lực, thể chế, chính sách; phải phát huy mạnh mẽ tiềm năng đất nước.

Không để “chìm xuồng” các vụ án tham nhũng

Trả lời câu hỏi của đại biểu Lê Thanh Vân liệu có tình trạng “chìm xuồng” trong quá trình xử lý những vụ án liên quan đến tham nhũng, Thủ tướng khẳng định không có vùng cấm trong xử lý tham nhũng.

“Tôi xin khẳng định Đảng và Nhà nước không cho phép chìm xuồng các vụ án tham nhũng lớn mà nhân dân dư luận bức xúc,” Thủ tướng khẳng định và nhấn mạnh, các hệ thống hành pháp, tư pháp sẽ phối hợp làm tốt hơn để nhân dân yên tâm hơn, công khai kết quả trước Quốc hội các vụ án đã được phát hiện.

Tiếp tục câu hỏi về chủ đề này, tại phiên chất vấn, đại biểu Thích Thanh Quyết (Quảng Ninh) cho rằng, chống tham nhũng là vấn đề mang tính phổ biến trên thế giới.

Thời gian qua, các cơ quan Trung ương đã quyết liệt chỉ đạo, được nhân dân cả nước đánh giá cao. Nhưng đó chỉ là phần ở nổi. Ở phần ngầm, họ hoạt động theo kiểu mới, gây bức xúc cho dân.

Từ đó, đại biểu đặt câu hỏi cho Thủ tướng về giải pháp mang tính đột biến để chống lại nạn tham nhũng đang đe dọa đến tồn vong của chế độ.

Trả lời câu hỏi này, Thủ tướng nêu rõ, quan điểm của Đảng, Nhà nước coi phòng chống tham nhũng là nhiệm vụ quan trọng, chính vì vậy Bộ Chính trị đã thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng mà đồng chí Tổng Bí thư là Trưởng Ban Chỉ đạo.

Vừa qua chúng ta đã làm được nhiều việc, từ xây dựng thể chế, điều tra những vụ việc cụ thể để xử lý nghiêm. Chính phủ đang tiếp thu các ý kiến của Quốc hội để hoàn thiện Luật Phòng chống tham nhũng sửa đổi, với tinh thần là "không thể, không nên và không có tham nhũng."

Bên cạnh đó là giám sát việc thực hiện xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm; tăng cường giáo dục cán bộ, công chức.

"Chúng tôi đã báo cáo với Quốc hội, Trung ương về vấn đề cần phải tính toán để xem xét nâng lương cho cán bộ, công chức. Đây là biện pháp cần thiết để hạn chế tình trạng tham nhũng vặt đang diễn ra," Thủ tướng cho biết.

Đi liền với đó là tiếp tục hoàn thiện thể chế, tiếp tục đẩy mạnh công khai minh bạch, xây dựng Chính phủ điện tử, tăng cường kiểm soát quyền lực... để thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng chống tham nhũng.

"Những giải pháp phải ứng dụng công nghệ thông tin góp phần hạn chế tham nhũng rất cần thiết," Thủ tướng đề nghị cấp ủy chính quyền phải các cấp phải đẩy mạnh công tác này, ngăn chặn có hiệu quả tham nhũng trong từng bộ, từng ngành, từng cơ quan, đáp ứng nhu cầu của nhân dân, của Quốc hội.

Giải đáp quan ngại của đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương (Ninh Thuận) đặt ra về thực trạng một bộ phận cán bộ, công chức chậm trễ trong giải quyết thủ tục hành chính đối với người dân và doanh nghiệp, Thủ tướng chỉ ra 4 nguyên nhân quan trọng dẫn đến thực trạng này.

Đó là trách nhiệm của người cán bộ, công chức; bên cạnh đó là hạn chế về năng lực, hiểu biết của cán bộ; thực trạng sợ mất chức, mất quyền nên không giải quyết công việc được giao; tiếp đó là tình trạng quan liêu, tham nhũng xảy ra trong một bộ phận cán bộ, công chức.

“Nếu có cán bộ nào, nhất là tại các đơn vị giải quyết thủ tục hành chính cho dân, doanh nghiệp mà chậm chễ, nhũng nhiễu kéo dài thì phải thay thế ngay,” Thủ tướng trả lời đại biểu Hương và cho biết sẽ tiếp tục chỉ đạo kiểm tra, đôn đốc công tác cải cách hành chính.

Thủ tướng cũng đề cập đến việc phát huy vai trò của các mô hình trung tâm hành chính công tại các địa phương để giảm áp lực thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN

Văn hóa đi cùng với phát triển kinh tế

Trả lời đại biểu Nguyễn Quốc Hưng (Hà Nội) về đầu tư cho văn hóa và cơ hội lớn trong hội nhập của Việt Nam sau thành công của APEC 2017, Thủ tướng cho biết, Trung ương đã có những chủ trương, chính sách quan trọng như Nghị quyết 29-NQ/TW năm 2013 về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục đào tạo hội nhập quốc tế, Nghị quyết 33-NQ/TW 2014 về xây dựng phát triển văn hóa con người Việt Nam.

"Trong đó định hướng là phải quan tâm đến văn hóa cùng với phát triển kinh tế, chứ không phải văn hóa đi sau kinh tế. Đây là chủ trương quan trọng sẽ được thực hiện quyết liệt, cụ thể. Chính phủ đã có chương trình hành động về vấn đề này, Chính phủ đã giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ tổ chức hội nghị để kiểm tra việc triển khai Nghị quyết 33 của Trung ương, từ đó khắc phục những tồn tại hiện nay" - Thủ tướng cho biết.

Về vấn đề phát triển văn hóa trong hội nhập quốc tế, Thủ tướng cho rằng, chúng ta triển khai tốt Nghị quyết 33 của Trung ương thì sẽ làm tốt trong hội nhập.

Từ đó xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện; môi trường văn hóa lành mạnh; xây dựng văn hóa trong chính trị, kinh tế; nâng cao chất lượng các hoạt động văn hóa, các ngành công nghiệp dịch vụ về văn hóa; đồng thời chủ động hội nhập quốc tế về văn hóa, phát huy tinh hoa văn hóa dân tộc.

"Kinh tế, du lịch là mũi nhọn phát triển, đồng thời phải gắn văn hóa với kinh tế, du lịch trong chính sách phát triển. Đây là yêu cầu rất lớn, trong đó cần phát huy các giá trị đặc sắc của văn hóa Việt Nam. APEC vừa qua, các quan khách và bạn bè quốc tế cũng rất ấn tượng với văn hóa Việt Nam" - Thủ tướng cho biết.

"Trọng cung” để thúc đẩy sản xuất

Tán thành với quan điểm được đại biểu Phạm Tất Thắng (Vĩnh Long) nêu ra về chủ trương “trọng cung,” Thủ tướng xác nhận đây đúng là chủ trương được Chính phủ đưa ra trong nhiệm kỳ này, nhất quán chiến lược theo hướng này để nâng cao sản lượng nền kinh tế, tăng các yếu tố sản xuất, nâng cao sức cạnh tranh.

Trước băn khoăn của đại biểu Phạm Tất Thắng liệu có tình trạng bỏ giấy phép con sẽ xuất hiện một giấy phép con khác tinh vi hơn, Thủ tướng giải đáp, Chính phủ sắp ban hành một nghị định riêng về việc kiểm soát bãi bỏ thủ tục kinh doanh, để ngăn chặn tình trạng bãi bỏ điều kiện này lại ban hành điều kiện kinh doanh khác.

Thủ tướng cho biết, hiện còn 243 ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Mới đây, Chính phủ ban hành nghị quyết yêu cầu các ngành bãi bỏ ít nhất từ 1/3 đến 1/2 số điều kiện kinh doanh.

Thủ tướng cũng dẫn chứng một số bộ ngành làm tốt nhiệm vụ này như Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường…

Chúng ta phải rà soát tốt, tránh tình trạng bỏ điều kiện kinh doanh này lại mọc ra giấy phép kinh doanh khác. “Nếu bộ nào cản trở việc cắt bỏ điều kiện kinh doanh sẽ xử lý nghiêm,” Thủ tướng nêu rõ.

Thủ tướng cũng đề nghị đại biểu Quốc hội tiếp tục giám sát vấn đề này trong thời gian tới.

Cũng trong phần trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 4 chiều nay, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã giải đáp thêm các câu hỏi của các đại biểu liên quan đến nhiều lĩnh vực như chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số, vấn đề tam nông, cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước, việc thực hiện các giải pháp gì để giữ rừng tốt hơn…

Một số ý kiến chất vấn sẽ được Thủ tướng trả lời các đại biểu Quốc hội bằng văn bản.

Theo Vietnam+

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Kỳ họp thứ 9, HĐND tỉnh khoá VIII, nhiệm kỳ 2021 – 2026:
Chất vấn lãnh đạo đầu ngành các vấn đề y tế, nội vụ

Sáng 11/12, trong khuôn khổ Kỳ họp thứ 9, HĐND tỉnh khoá VIII, nhiệm kỳ 2021 – 2026, HĐND tỉnh tiến hành chất vấn lãnh đạo đầu ngành liên quan đến lĩnh vực y tế, nội vụ.

Chất vấn lãnh đạo đầu ngành các vấn đề y tế, nội vụ
Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị tổng kết công tác đầu tư xây dựng các Dự án Đường dây 500kV mạch 3

Sáng 8/12, tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị tổng kết công tác đầu tư xây dựng các Dự án Đường dây 500kV mạch 3 từ Quảng Trạch (Quảng Bình) đến Phố Nối (Hưng Yên). Cùng dự có đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương. Buổi lễ được truyền trực tuyến tới điểm cầu trụ sở Ủy ban nhân dân 9 tỉnh có Dự án đi qua.

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị tổng kết công tác đầu tư xây dựng các Dự án Đường dây 500kV mạch 3
Return to top