ClockChủ Nhật, 15/10/2017 11:03

Thủ tướng: Xử lý nghiêm trách nhiệm người đứng đầu để xảy ra phá rừng

TTH.VN - Ngày 14/10, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về “Tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng và các giải pháp thực hiện trong thời gian tới”

Tại Hội nghị, đánh giá một cách tổng quát, Thủ tướng cho rằng, mặt nổi trội vẫn nhiều hơn hạn chế, bức tranh tổng thể về công tác quản lý, bảo vệ rừng là tích cực

Tham dự tại đầu cầu trụ sở Chính phủ còn có Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, lãnh đạo các bộ, ban, ngành. Lãnh đạo các địa phương dự tại các đầu cầu truyền hình trực tuyến ở 63 tỉnh, thành phố.

Hội nghị đã nghe báo cáo của Bộ NN&PTNT và nhiều ý kiến tâm huyết, trách nhiệm của các đại biểu, nhất là từ các địa phương. Các bộ, ngành cũng đã báo cáo giải trình, bổ sung thêm về một số vấn đề liên quan.

Kết luận Hội nghị, Thủ tướng nhìn nhận công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng thời gian qua đã có những chuyển biến rõ nét với sự tham gia tích cực của toàn xã hội. Chủ trương xã hội hóa nghề rừng đã dần được hiện thực hóa, nâng cao thu nhập, cải thiện sinh kế cho người làm nghề rừng. Hiện nay, đối với một số địa phương, rừng đã trở thành thế mạnh.

“Vừa rồi, tôi có đi lên Tây Bắc bằng máy bay, đi Đồng bằng sông Cửu Long, thấy màu xanh thì mừng lắm”, Thủ tướng bày tỏ vui mừng khi diện tích rừng cả nước tiếp tục tăng lên. Năm 2016 tăng 315.826 ha, độ che phủ rừng tăng 0,35% so với năm 2015. Giá trị xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản năm 2016 đạt 7,3 tỷ USD, xuất siêu 5,4 tỷ USD.

“Có người nói phá rừng nhiều thì độ che phủ sao lại cao thế. Nhưng tôi nói lại là, không phải, anh chỉ nhìn vào một số vụ nổi lên thôi chứ tổng thể thì giảm”, Thủ tướng chia sẻ và cho rằng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về dừng khai thác rừng tự nhiên được các cấp, các ngành nghiêm túc thực hiện. Việc thực hiện đóng cửa rừng tự nhiên có tác động tích cực trong việc tăng giá gỗ rừng trồng. Tạo động lực cho đầu tư, phát triển rừng trồng để thay thế gỗ rừng tự nhiên. Đánh giá một cách tổng quát, Thủ tướng cho rằng, mặt nổi trội vẫn nhiều hơn hạn chế, bức tranh tổng thể về công tác quản lý, bảo vệ rừng là tích cực.

Thủ tướng cũng nêu một số tồn tại như diện tích rừng khu vực Tây Nguyên tiếp tục giảm. Tình trạng phá rừng trái pháp luật chậm được ngăn chặn tại một số địa phương. Còn một số địa phương vẫn cho chuyển mục đích sử dụng rừng với diện tích lớn nhưng không tuân thủ quy định của pháp luật. Thậm chí có công trình thủy điện phát triển chưa được cấp phép đã phá rừng, ảnh hưởng đến sinh thái.

Tình trạng này có nhiều nguyên nhân mà theo Thủ tướng, là do nhận thức, chủ rừng buông lỏng, năng lực quản lý Nhà nước, sự phối hợp giữa các cấp các ngành. Địa phương thiếu cương quyết trong xử lý. “Cây gỗ chứ có phải cây kim đâu mà không phát hiện được, liệu có tiêu cực trong vấn đề này không?”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Tại Hội nghị, Thủ tướng nhấn mạnh 3 chủ trương lớn cần thực hiện nghiêm trên toàn quốc.

Thứ nhất, tiếp tục thực hiện nghiêm việc đóng cửa rừng, không khai thác gỗ rừng tự nhiên. Các bộ, ngành, các địa phương phải quán triệt, phổ biến, giải thích để các tổ chức, cá nhân được giao rừng tự nhiên hiểu rõ chủ trương dừng khai thác gỗ rừng tự nhiên, tạo hành động nhất quán các cấp, các ngành.

Thứ hai, kiểm soát chặt chẽ các dự án chuyển mục đích sử dụng rừng theo đúng tinh thần Chỉ thị số 13-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Nghị quyết số 71/NQ-CP của Chính phủ. Tạm dừng chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên nghèo sang trồng cây công nghiệp, cây nông nghiệp, xây dựng thủy điện nhỏ, kể cả các dự án đã được phê duyệt nhưng chưa thực hiện.

Thứ ba, không cải tạo rừng khộp nghèo, nghèo kiệt khi chưa có đánh giá, khảo nghiệm khoa học. Không chuyển mục đích sử dụng rừng ven biển. Không chuyển rừng đặc dụng sang rừng phòng hộ, rừng sản xuất.

Thủ tướng chia sẻ qua chuyến khảo sát tại Hà Lan cũng như Đồng bằng sông Cửu Long gần đây thì biện pháp rừng ven biển vô cùng quan trọng trong việc giữ đất, giữ nước, chống sạt lở. “Chúng ta cần thiết phát triển du lịch nhưng việc chuyển mục đích phải được xem xét rất kỹ, được duyệt hết sức chặt chẽ, chứ không phải có dự án du lịch vào làm sân golf, chúng ta phá hết rừng trồng bao đời nay”, Thủ tướng nói.

Nhấn mạnh việc bảo vệ rừng chủ yếu là các địa phương, Thủ tướng yêu cầu các địa phương chỉ đạo công tác thanh tra, kiểm tra, rà soát các tụ điểm phá rừng. Điều tra, xử lý nghiêm các vụ vi phạm theo quy định của pháp luật. Công khai kết quả xử lý để toàn xã hội tham gia, giám sát.

Kiểm điểm, xử lý nghiêm chủ rừng, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm quản lý bảo vệ rừng và người đứng đầu thiếu trách nhiệm, không phát hiện ngăn chặn kịp thời để tổ chức ngăn chặn hành vi phá rừng. Kiên quyết loại phần tử thoái hóa, biến chất ra khỏi cơ quan công quyền.

Kiểm điểm làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân để xảy ra tình trạng phá rừng, chuyển mục đích sử dụng rừng không đúng quy định, nhất là đối với một số địa phương đã có kết luận thanh tra, kiểm tra trong thời gian qua. Phân công, phân cấp trách nhiệm quản lý Nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp cho chính quyền cơ sở, chứ không để tình trạng “cha chung không ai khóc”.

Các địa phương tiếp tục giải quyết tình trạng di dân tự do, không để người dân phá rừng lấy đất sản xuất. Triển khai có hiệu quả chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng và bán quyền phát thải các bon, tăng thu nhập cho người làm nghề rừng, giảm áp lực khai thác rừng tự nhiên. Từng bước khôi phục, phát triển diện tích, chất lượng rừng, nhất là phòng hộ đầu nguồn, ven biển.

Khẩn trương rà soát để giao, cho thuê  đối với diện tích rừng và đất lâm nghiệp do UBND cấp xã đang quản lý, hoàn thành vào năm 2020 với tinh thần “rừng, đất rừng phải có chủ, có người chịu trách nhiệm”.

Đối với các bộ, ngành, Thủ tướng yêu cầu kiện toàn các tổ chức có liên quan, nhất là lực lượng kiểm lâm. Chấm dứt tình trạng hợp thức hóa giao quyền sử dụng đất do phá rừng trái pháp luật. “Bộ TN&MT phải chú ý đến vấn đề hợp thức hóa những "khu vực đất vàng" có rừng ở xung quanh những đô thị lớn”, Thủ tướng nói.

Các lực lượng kiểm lâm, công an, quân đội phải có sự phân công, xác định trách nhiệm cụ thể.

Bộ Công Thương chỉ đạo rà soát quy hoạch hệ thống thủy điện trên toàn quốc. Dừng cấp phép đầu tư các công trình thủy điện nhỏ có chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên. Trường hợp đặc biệt, cấp thiết phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định. Kiên quyết thu hồi giấy phép, dừng hoạt động đối với những dự án không chấp hành trồng rừng thay thế và nghĩa vụ chi trả dịch vụ môi trường rừng, nhất là khu vực Tây Nguyên.

Thủ tướng đề nghị tăng cường công tác thông tin truyền thông, tuyên truyền về gương điển hình trong quản lý, bảo vệ rừng, phản ánh trung thực, tạo nhận thức và hành động thống nhất để đấu tranh, phòng ngừa đối với các hành vi vi phạm.

Theo VPCP

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị tổng kết công tác đầu tư xây dựng các Dự án Đường dây 500kV mạch 3

Sáng 8/12, tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị tổng kết công tác đầu tư xây dựng các Dự án Đường dây 500kV mạch 3 từ Quảng Trạch (Quảng Bình) đến Phố Nối (Hưng Yên). Cùng dự có đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương. Buổi lễ được truyền trực tuyến tới điểm cầu trụ sở Ủy ban nhân dân 9 tỉnh có Dự án đi qua.

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị tổng kết công tác đầu tư xây dựng các Dự án Đường dây 500kV mạch 3
Tinh gọn bộ máy gắn với tinh giản biên chế, lựa chọn cán bộ “đúng, trúng”, trách nhiệm

Sáng 4/12, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị của Chính phủ quán triệt, triển khai về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII "Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả".

Tinh gọn bộ máy gắn với tinh giản biên chế, lựa chọn cán bộ “đúng, trúng”, trách nhiệm
Quy định mới về trình tự xử lý "phạt nguội" vi phạm giao thông

Quy định mới về trình tự xử lý "phạt nguội" phương tiện vi phạm trật tự, an toàn giao thông đường bộ được quy định trong Thông tư số 73/2024/TT-BCA, ngày 15/11/2024, quy định công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ của Cảnh sát giao thông (sau đây gọi tắt là Thông tư 73/2024/TT-BCA).

Quy định mới về trình tự xử lý phạt nguội vi phạm giao thông
Return to top