ClockThứ Ba, 31/05/2016 09:48

Thúc đẩy tăng gấp đôi kim ngạch thương mại Việt-Nhật đến năm 2020

TTH.VN - Tại cuộc gặp ông Hayashi Motoo, Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản kiêm Chánh Văn phòng Liên minh nghị sĩ hữu nghị Nhật Bản-Việt Nam, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã đề cập đến một số giải pháp mà hai bên cần phối hợp thực hiện nhằm tăng gấp đôi kim ngạch thương mại song phương đến năm 2020.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng và Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản kiêm Chánh Văn phòng Liên minh nghị sĩ hữu nghị Nhật Bản-Việt Nam Hayashi Motoo.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng vui mừng được gặp lại ông Hayashi Motoo nhân dịp tham dự Hội nghị Tương lai châu Á tại Nhật Bản lần này. Phó Thủ tướng cảm ơn và đánh giá cao những nỗ lực và đóng góp tích cực của Bộ trưởng Hayashi Motoo trong việc tăng cường và củng cố quan hệ Việt Nam-Nhật Bản.

Phó Thủ tướng cho biết, trong chuyến thăm lần này, ngoài việc tham dự Hội nghị Tương lai châu Á, ông còn muốn trao đổi với lãnh đạo Chính phủ, doanh nghiệp Nhật Bản các biện pháp nhằm thúc đẩy hợp tác kinh tế giữa hai nước, đặc biệt là trong các lĩnh vực đầu tư, thương mại, năng lượng.

Để tăng cường hơn nữa hợp tác kinh tế trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị Nhật Bản phối hợp triển khai các biện pháp nhằm thúc đẩy tăng gấp đôi kim ngạch thương mại song phương đến năm 2020, trong đó có việc hỗ trợ tháo gỡ khó khăn và rào cản thương mại đối với hàng nông thuỷ sản Việt Nam.

Phó Thủ tướng đề nghị Nhật Bản tiếp tục tích cực hợp tác, bao gồm cả việc cung cấp hỗ trợ kỹ thuật, giúp Việt Nam triển khai kế hoạch hành động của 6 ngành công nghiệp được lựa chọn trong “Chiến lược công nghiệp hoá của Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác Việt-Nhật” nhằm phát triển công nghiệp hỗ trợ, giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Hai bên sớm thảo luận các biện pháp hợp tác cụ thể nhằm phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam; giới thiệu doanh nghiệp Nhật Bản có năng lực liên kết sản xuất với doanh nghiệp Việt Nam để xây dựng, vận hành các khu công nghiệp chuyên sâu tại Hải Phòng, Bà Rịa-Vũng Tàu.

Bên cạnh đó, theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, hai bên cũng cần tăng cường hợp tác trong các liên kết kinh tế quốc tế, như Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). Do Việt Nam là nước có trình độ phát triển tương đối thấp, đề nghị Nhật Bản thúc đẩy và sớm triển khai chương trình hỗ trợ kỹ thuật, chia sẻ kinh nghiệp để thực thi hiệu quả Hiệp định TPP, đồng thời phối hợp với Việt Nam để sớm hoàn tất đàm phán RCEP trong năm 2016.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tiếp Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Route Inn Katsutoshi Nagayama.

Phát biểu tại buổi tiếp, Bộ trưởng Hayashi Motoo đồng tình với những đề xuất của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhằm thúc đẩy hợp tác trong mọi lĩnh vực, đặc biệt là kinh tế, thương mại, công nghiệp. Theo Bộ trưởng Hayashi Motoo, Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương mà Việt Nam và Nhật Bản cùng là thành viên đã mở ra cơ hội hợp tác lớn cho mỗi nước. Do đó, Nhật Bản luôn mong muốn có thêm nhiều mối quan hệ hợp tác với Việt Nam trên mọi lĩnh vực.

Bộ trưởng Hayashi Motoo đề nghị Phó Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương của Việt Nam tích cực làm việc với nhau để sớm cụ thể hoá những thoả thuận của lãnh đạo cấp cao Chính phủ hai nước.

Bộ trưởng Hayashi Motoo cũng cho biết, Thủ tướng Shinzo Abe đã quyết định sẽ dành một quỹ khoảng 200 tỷ USD trong 5 năm tới cho phát triển hạ tầng trọng yếu tại các quốc gia trong khu vực. Do đó, đây là điều kiện rất thuận lợi để Nhật Bản hỗ trợ Việt Nam phát triển cơ sở hạ tầng quan trọng như mong muốn của lãnh đạo cấp cao hai nước.

Cũng trong chiều nay, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã tiếp ông Katsutoshi Nagayama – Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Route Inn. Đây là tập đoàn đang sở hữu gần 300 khách sạn tại Nhật Bản và hiện rất quan tâm phát triển hệ thống khách sạn, dịch vụ du lịch cao cấp tại Việt Nam.

Tại buổi tiếp, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng khẳng định Việt Nam luôn chào đón các nhà đầu tư Nhật Bản đến tìm kiếm cơ hội hợp tác kinh doanh. Chính phủ Việt Nam đang nỗ lực để cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp trong nước và quốc tế cùng phát triển.

Theo VPCP

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thúc đẩy liên kết phát triển dược liệu bền vững

Đó là chủ đề tại hội thảo khoa học do Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tổ chức vào ngày 22/11, với sự tham gia của các sở, ban, ngành liên quan, nhà khoa học, doanh nghiệp, chính quyền địa phương để cùng nhau bàn luận các giải pháp, tháo gỡ vướng mắc trong phát triển dược liệu, nhất là vấn đề liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ các sản phẩm từ dược liệu.

Thúc đẩy liên kết phát triển dược liệu bền vững
COP29: Công nghệ kỹ thuật số và AI có thể thúc đẩy hành động khí hậu

Cuối tuần qua, các nhà lãnh đạo trong lĩnh vực công nghệ và môi trường tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu COP29 của Liên hợp quốc (LHQ) đang diễn ra ở Baku (Azerbaijan) đã thông qua một tuyên bố cam kết sử dụng công nghệ số để đẩy nhanh hành động vì khí hậu. Đồng thời, tuyên bố cũng cam kết nỗ lực giảm lượng khí thải carbon và ô nhiễm từ các hoạt động sản xuất công nghệ và giải quyết vấn đề rác thải điện tử đang ngày càng gia tăng.

COP29 Công nghệ kỹ thuật số và AI có thể thúc đẩy hành động khí hậu
Giới lãnh đạo doanh nghiệp APEC kêu gọi hành động để thúc đẩy tăng trưởng bền vững

Trước thềm cuộc đối thoại thường niên giữa các thành viên Hội đồng Tư vấn doanh nghiệp APEC (ABAC) với các nhà lãnh đạo APEC sẽ diễn ra ở Peru vào cuối tuần này, giới lãnh đạo doanh nghiệp từ khắp khu vực châu Á - Thái Bình Dương kêu gọi các nhà lãnh đạo APEC có hành động quyết đoán hơn để thúc đẩy tăng trưởng bền vững và toàn diện giữa những thách thức xuyên biên giới hiện nay.

Giới lãnh đạo doanh nghiệp APEC kêu gọi hành động để thúc đẩy tăng trưởng bền vững
Thương mại của Trung Quốc với APEC đạt kỷ lục mới trong 10 tháng đầu năm 2024

Ghi nhận trong 10 tháng đầu năm 2024, thương mại của Trung Quốc đạt được với các nền kinh tế thành viên của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) chạm mốc cao kỷ lục, vượt 21 nghìn tỷ NDT (2,91 nghìn tỷ USD). Kết quả này đã nhấn mạnh sự hội nhập kinh tế sâu rộng và kết nối thương mại mạnh mẽ giữa các bên.

Thương mại của Trung Quốc với APEC đạt kỷ lục mới trong 10 tháng đầu năm 2024

TIN MỚI

Return to top