Ở Thừa Thiên Huế chưa thấy con số thống kê, song theo gói hỗ trợ ảnh hưởng dịch (trong gói 62.000 tỷ đồng của Chính phủ) lên đến hơn 1.000 tỷ đồng thì chúng ta thấy, số người ảnh hưởng là không hề nhỏ.
Nhìn ở góc độ tăng trưởng kinh tế, chúng ta sẽ thấy rõ hơn mức độ ảnh hưởng. 6 tháng đầu năm 2019, tăng trưởng kinh tế đạt 6,87% thì 6 tháng đầu năm 2020 chỉ đạt 0,38%. Nhiều lĩnh vực giảm rất sâu, như doanh thu từ du lịch giảm đến 41,2%... Tình hình dịch bệnh còn diễn biến khó lường, nên chúng ta chưa thể biết mức độ ảnh hưởng từ nay đến cuối năm sẽ như thế nào.
Chúng ta thử xem xét khu vực nào là bị ảnh hưởng nhiều nhất. Tất nhiên “nước lụt thì lút cả làng”, song có vẻ như người giàu là ít bị ảnh hưởng nhất. Khu vực ảnh hưởng nhiều là khu vực doanh nghiệp ngoài quốc doanh vì đây là khu vực chủ chốt của nền kinh tế, cũng là khu vực giải quyết nhiều lao động nhất, từ công nghiệp – xây dựng đến du lịch dịch vụ. Kế đến là những người lao động tự do, mà thuật ngữ trong lĩnh vực lao động có tên gọi là khu vực lao động phi chính thức.
Bao giờ cũng vậy, trong mọi cơn biến động, những người thu nhập thấp, ít tích lũy nhất thì sẽ bị ảnh hưởng ngay tức thì. Nó đánh ngay lên mức sống. Gặp bất kỳ người lao động tự do nào, thử nêu câu hỏi: “Dạo này làm ăn có được không?”. Và nhận được câu trả lời phổ biến: "Rất khó khăn”.
Trong tình cảnh chung như vậy, thì những người có thu nhập cao có vẻ như không bị ảnh hưởng nhiều. Theo số liệu thống kê, 6 tháng đầu năm 2020, trong khi các lĩnh vực thu thuế đều giảm sâu thì thuế thu nhập cá nhân vẫn thu được khá tốt, không bị giảm bao nhiêu. Con số cụ thể được nêu ra là thu được 198 tỷ đồng, đạt 51%. Nghĩa là những người có thu nhập chịu thuế không giảm bao nhiêu. Nói chính xác là giảm 2% so với cùng kỳ.
Khi thực hiện gói hỗ trợ cho những đối tượng gặp khó khăn, ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, dự kiến tỉnh ta thực hiện gói hỗ trợ khoảng 1.200 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương tài trợ 50%, 50% là từ ngân sách tỉnh. Chủ tịch UBND tỉnh cũng cho biết, quỹ dự phòng của tỉnh chỉ đáp ứng được khoảng 70%, tức là 30% còn lại phải “xoay xở”!?
Trong những tình cảnh khó khăn như thế này, rất cần sự chung tay hỗ trợ của cộng đồng, theo cách “lá lành đùm lá rách, lá rách ít đùm lá rách nhiều”. Chủ trương chung của Chính phủ đã làm điều này. Ngoài gói hỗ trợ trực tiếp 62.000 tỷ đồng, Chính phủ đã buộc các đơn vị hưởng lương tiết kiệm 10% chi thường xuyên. Cùng với đó là lùi lại lộ trình tăng lương cơ bản. Nếu có một cuộc huy động hỗ trợ nào đó, như Mặt trận hay Liên đoàn Lao động kêu gọi thì thiết nghĩ, những người có thu nhập cao, hoặc chưa cao nhưng ở mức đóng thuế thu nhập cá nhân là đối tượng cần chung tay. Hơn lúc nào hết, truyền thống tương thân tương ái của dân tộc Việt cần thiết được khơi gợi vào lúc này!
NGUYÊN LÊ