ClockThứ Bảy, 21/05/2022 13:45

“Tiến sĩ giấy”, chiến dịch đốt lò & tiêu chuẩn đề bạt cán bộ

TTH - Mối hoài nghi về luận án “tiến sĩ cầu lông” vẫn chưa có câu trả lời vì phải chờ kết quả thẩm định của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) thì dư luận lại “nóng” trở lại sau khi người ta “khai quật” ra hàng loạt luận án mà giới khoa học gọi là “tiến sĩ salami”, như cây xúc xích salami (một loại nem chua ở phương Tây) được cắt ra thành nhiều lát mỏng giống nhau y hệt.

Dựa vào dân để hoàn thành tốt nhiệm vụBắt đầu từ công tác cán bộCần một cơ chế kiểm tra chéo

Gần đây, một số đề tài luận án tiến sĩ gây tranh cãi (Ảnh minh họa)

Mở đầu tuần này, báo chí lại phát hiện thêm một luận án tiến sĩ về ẩm thực mà theo đánh giá của chuyên gia là miêu tả, liệt kê nhiều hơn là phân tích, nghiên cứu; tư liệu chủ yếu chép trên từ điển mở Wikipedia; và sai đến 766 lỗi chính tả. Trả lời báo chí, tác giả luận án vẫn chỉ một lập luận: hội đồng đánh giá luận án đã nhất trí thông qua, có nghĩa là luận án không có gì sai, kể cả những lỗi chính tả (!?).

16 năm trước đã từng rộ lên câu chuyện bi hài “tiến sĩ tắm giặt” khiến cho dư luận cả nước sửng sốt. Câu chuyện này phải dẫn lại ngọn nguồn thì người ta mới không nghĩ là chuyện bịa. Tại hội nghị hiệu trưởng các trường đại học miền Trung - Tây Nguyên diễn ra tại Đà Nẵng ngày 26/8/2006, Vụ trưởng Vụ Đại học & sau ĐH lúc bấy giờ là bà Trần Thị Hà, kể rằng đã có luận án tiến sĩ với đề tài “Tắm giặt tập trung cho các quân đoàn đóng quân phía Bắc”. Bộ GD&ĐT không chấp nhận, nhưng đơn vị đào tạo vẫn khăng khăng bảo vệ. Cho đến khi lãnh đạo Bộ GD&ĐT “dọa” nếu đề tài này được làm luận án tiến sĩ thì sẽ gặp phản ứng mạnh mẽ của các nhà khoa học và dư luận xã hội sẽ không chấp nhận, họ mới chịu rút lui. Chuyện bi hài “tiến sĩ tắm giặt” đã tạo nên một diễn đàn đầy bức xúc về đào tạo tiến sĩ, với những lời cảnh báo nghiêm khắc. 

16 năm sau, tệ nạn “tiến sĩ giấy” vẫn tiếp tục diễn ra với quy mô còn lớn hơn, như một căn bệnh nan y gây nhức nhối cả xã hội. Sai phạm của các “lò ấp tiến sĩ” không còn đơn giản chỉ là sai sót trong đào tạo, mà đã trở thành sai phạm hình sự. Bởi vì, nạn mua bán bằng cấp hiện nay, nhất là bằng tiến sĩ, đã là một kiểu hối lộ, tham nhũng. Tệ nạn đã trở thành đại nạn. Vì vậy, rất cần phải đưa “lò chống tham nhũng” đến những nơi này. Chỉ cần một vài vị đứng đầu cơ sở đào tạo tiến sĩ, và những người được giao trọng trách đánh giá luận án tiến sĩ, mà phạm pháp bị đưa vào lò, thì diễn biến nhức nhối của căn bệnh sẽ giảm ngay tức khắc.

Tất nhiên, việc lâu dài là phải trị tận gốc căn bệnh “tiến sĩ giấy”. Nguyên nhân của căn bệnh trầm kha này đã được chuyên gia xác định từ nhiều phía: từ lịch sử, từ hiện tại, từ Nhà nước, từ cộng đồng, từ các cơ sở đào tạo, từ những người cầm cân nảy mực phản biện và chấm luận án, và đương nhiên phải từ chính người làm “luận án tiến sĩ”. Tâm lý sính bằng cấp, thậm chí mê bằng cấp, của cộng đồng, khiến cho gia đình nào cũng khuyên con tốt nghiệp cử nhân thì phải kiếm thêm cái bằng thạc sĩ, có thạc sĩ rồi thì “gắng mần luôn cái tiến sĩ”. Người đậu tiến sĩ mặc nhiên được xã hội xem như là người tài giỏi xuất chúng, mà không cần quan tâm tiến sĩ ấy đã giúp ích gì cho xã hội. Tâm lý này bắt nguồn từ nền giáo dục khoa bảng của nho giáo thời phong kiến, Nhà nước lấy kết quả đỗ đạt để bổ nhiệm quan chức, nên người dân lấy việc đỗ đạt làm mục đích học hành. Nền giáo dục theo lối “hư học” ấy đã làm bại hoại xã hội suốt một thời.

Trong khi đó, cơ chế tuyển dụng nhân sự, bổ nhiệm cán bộ của Nhà nước chúng ta hiện nay vẫn lấy bằng cấp làm trọng. Ai muốn tăng lương, thăng chức thì phải có bằng cấp cao. Tấm bằng tiến sĩ được xem như điều kiện lý tưởng để thăng tiến. Đề bạt lên chức vụ cao hơn, quyền lực nhiều hơn thì lương tiền, lợi lộc cũng tăng lên. Thế nên mới có câu: “Cầm vàng còn sợ vàng rơi/Cầm bằng tiến sĩ đời đời ấm no”. Vì vậy mới có tình trạng công chức, viên chức, cán bộ trong các cơ quan công quyền đua nhau kiếm tấm bằng thạc sĩ, tiến sĩ. Theo thống kê của Bộ Khoa học và Công nghệ, vào thời điểm năm 2017, cả nước có hơn 24.000 tiến sĩ; trong đó, 16.500 tiến sĩ đang công tác trong các trường đại học, cao đẳng. Số còn lại là 7.500 tiến sĩ, chiếm gần 32% tổng số tiến sĩ cả nước, đang làm việc ở các viện nghiên cứu và trong các cơ quan công quyền. “Loạn tiến sĩ” xảy ra chính là do tiến sĩ đặt không đúng chỗ. 

Nếu việc bổ nhiệm cán bộ đặt nặng tiêu chí về năng lực thực tế, thể hiện qua kết quả cụ thể thực thi công vụ, và không nhấn mạnh vào bằng cấp, thì liệu công chức, cán bộ ở các cơ quan công quyền có đua nhau đi học thạc sĩ, tiến sĩ hay không? Câu hỏi đó cũng là câu trả lời.

Bài: MINH TỰ - Ảnh: TL

ĐÁNH GIÁ
5
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Triệu bước chân nhân ái – Tiếp nối trang sử vàng”

Ngày 7/12, Hội Chữ thập đỏ (HCTĐ) tỉnh tổ chức phát động chương trình “Triệu bước chân nhân ái – Tiếp nối trang sử vàng” gây quỹ nhân đạo. Chiến dịch được được Trung ương HCTĐ Việt Nam phát động, diễn ra từ ngày 23/11/2024 đến 28/4/2025.

“Triệu bước chân nhân ái – Tiếp nối trang sử vàng”
KỶ NIỆM 60 NĂM CHIẾN THẮNG BÌNH GIÃ (2/12/1964 – 2/12/2024)
Mãi mãi là mốc son

Cùng với thắng lợi của các chiến dịch Ba Gia, Đồng Xoài trong Đông Xuân 1964-1965, chiến thắng Bình Giã đã giúp quân và dân ta củng cố phương châm “tìm Mỹ mà đánh, tìm ngụy mà diệt”, tạo thế và lực vươn lên giành thắng lợi cuối cùng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước vào mùa Xuân lịch sử 1975.

Mãi mãi là mốc son
Điều động, bổ nhiệm lãnh đạo các sở

Sáng 28/11, UBND tỉnh tổ chức Lễ công bố Quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh về bổ nhiệm Phó Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Phó Giám đốc Sở Nội vụ; Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT); Phó Giám đốc Sở Y tế và Phó Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin (CNTT) tỉnh.

Điều động, bổ nhiệm lãnh đạo các sở

TIN MỚI

Return to top