ClockChủ Nhật, 22/05/2022 08:59

Tính chất dễ lung lạc của đồng tiền

TTH - Qua vụ Việt Á, chúng ta thấy lộ ra nhiều điều về phẩm chất cán bộ có chức, có quyền và một cơ chế rất dễ bị lũng đoạn bởi đồng tiền.

Hai điều quan trọng trong mua sắm côngThủ tướng yêu cầu đẩy nhanh tiến độ điều tra, mở rộng vụ án xảy ra tại Công ty Việt Á

Theo nhiều thông tin cho biết, từ khi vụ Việt Á bị phanh phui đến nay đã có hơn 30 người bị khởi tố và bắt giam, trong đó có nhiều giám đốc CDC các tỉnh. Và có vẻ như con số này chưa dừng lại ở đây.

Tuổi Trẻ Online dẫn lời Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quốc Hùng: “Những người đưa và nhận hối lộ tại Công ty Việt Á rất nhiều nên cơ quan điều tra đang tiếp tục đấu tranh, mở rộng vụ án”. Có thể hiểu có thể không ít người... sẽ bị “dính” vòng lao lý nữa !?

Theo dõi vụ việc chúng ta thấy có các đặc điểm nổi bật đó là: Sai phạm mang tính hệ thống, tức là không phải một người mà nhiều người trong hệ thống cùng tham gia. Thứ đến là sức hấp dẫn, tính chất dễ lung lạc của sức mạnh đồng tiền đối với cán bộ có chức, có quyền. Thứ ba là phẩm chất đạo đức của cán bộ. Có thể còn nhiều đặc điểm khác, nhưng bài viết này thử mổ xẻ 3 đặc điểm nổi bật trên và lý giải những động lực của hành vi.

Về tính hệ thống thì chúng ta có thể dễ dàng nhận ra. Tức là sai phạm từ trên xuống dưới. Sự câu kết thông đồng thì quá rõ, nhưng một đặc điểm nữa cần nhận diện đó là có thể có một sự chỉ đạo nào đó từ cấp trên không!? Có vẻ như trong vụ án này là có !? Bởi, mới chỉ 8 CDC các tỉnh bị khởi tố thì có nhiều tỉnh khi giám đốc bị bắt thì kéo theo là kế toán trưởng hoặc một nhân viên của một bộ phận nào đó ở cấp dưới. Rất có khả năng ở đây có sự chỉ đạo ở cấp giám đốc cho cấp dưới thực hiện. Thường giám đốc chỉ đạo thực hiện một việc gì đó sai trái thì cấp dưới buộc phải thực hiện, nhưng có quyền bảo lưu ý kiến phản bác. Trong trường hợp ở đây chúng ta không thấy điều này. Cũng có thể hiểu là cấp dưới tuyệt đối phục tùng cấp trên, mặc dù biết đó là điều sai trái. Vậy là sai phạm mang tính hệ thống đã trở nên phổ biến. Để giải quyết vấn đề cần tìm ra một cơ chế giám sát hiệu quả của hoạt động hệ thống.

Về tính chất dễ lung lạc của sức mạnh đồng tiền. Thực ra nhiều người nói rằng “đồng tiền chỉ là phương tiện chứ không phải là mục đích”. Về lý thuyết điều này không sai vì có nhiều tiền nhưng chi tiêu không đúng, không tốt, không khoa học, không đạo đức… thì nó chẳng giúp ích gì cho sự phát triển bền vững của xã hội và chính bản thân người sử dụng đồng tiền, thậm chí là gây nguy hại. Nhưng thực tế, sức mạnh của đồng tiền là ghê gớm. Động lực để kiếm được tiền, thậm chí nhiều tiền trở thành động lực chính để thúc đẩy cả 2 dạng - kiếm tiền chính đáng hay không chính đáng.

Kiếm tiền chính đáng thì dễ hiểu rồi. Một người buôn bán bình thường cũng mong muốn có lợi nhuận. Một doanh nghiệp cũng vậy. Nhưng đó là từ tư duy, từ cách thức tổ chức, từ sức lao động, từ nguồn vốn họ bỏ ra…mà họ làm ra. Nếu họ không có động lực kiếm tiền thì họ cũng chẳng làm ra tiền.

Điều đáng nói là ở hành vi kiếm tiền không chính đáng. Cả Việt Á và những CDC đều mong muốn kiếm tiền và thật nhiều tiền, nhưng cái mà họ bỏ ra rất ít, thậm chí là không bỏ gì. Bài học rút ra ở đây chính là sự nhận biết tính dễ lung lạc bởi đồng tiền. Nếu ai đối diện với nó phải hết sức cảnh giác để xem xét rồi quyết định hành vi. Càng dễ kiếm tiền thì càng dễ đối diện với rủi ro. Kiếm tiền không chính đáng thì càng đối diện với rủi ro rất cao. Rủi ro của giám đốc các CDC và đồng sự là tù tội. Đặc biệt những người có chức, có quyền luôn luôn phải cảnh giác với cơ chế này - tính chất dễ lung lạc bởi đồng tiền.

Vấn đề thứ ba. Không thể nói cán bộ của chúng ta thiếu phẩm chất đạo đức, nhưng những vụ việc sai phạm bị phát hiện phần lớn dính dáng đến những người có chức, có quyền trong bộ máy Nhà nước. Ai bảo họ không có phẩm chất đạo đức tốt, trừ khi có những vụ việc xảy ra. Quá nhiều vụ án được phanh phui trong thời gian gần đây liên quan đến cán bộ cho chúng ta thấy - đạo đức của cán bộ là có vấn đề. Cũng không ngăn được sự nghi ngờ về phẩm chất cán bộ của người dân khi một thực tế đã bày ra như vậy.

Có người nói hài hước: “Kính thưa các đồng chí chưa bị lộ”. Chúng ta phải tìm ra một cơ chế thật tốt trong công tác cán bộ và giám sát hoạt động của cán bộ. Chúng ta không thiếu cơ chế này, nhưng có vẻ như nó vận hành không hiệu quả. Phải tìm biện pháp cho nó vận hành hiệu quả hơn.

NGUYÊN LÊ

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

118 trường hợp điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV

Ngày 7/11, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh cho biết, đến nay đã điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP) cho 118 ca (110 nam, 8 nữ). Trong số này có 99 đồng tính nam (MSM), 12 bạn tình bị nhiễm, 5 người nghiện ma túy, 2 khách hàng thuộc đối tượng khác.

118 trường hợp điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV
Return to top