Tinh giản biên chế nhằm nâng cao hiệu quả, hiệu lực ở bộ máy nhà nước (Trong ảnh: Giao dịch tại trụ sở UBND xã Hương Giang, huyện Nam Đông)
Như vậy, năm 2020 tỉnh phải tinh giản ít nhất 1,67% công chức và 1,56% đối với người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập
Giảm trên 130 cấp trưởng, cấp phó
Thực hiện Nghị quyết số 18 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII "Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả", đến nay, tỉnh đã hoàn thành sắp xếp tổ chức bộ máy, việc sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế (TGBC) được triển khai đồng bộ.
Cụ thể, tỉnh hiện có 705 đơn vị sự nghiệp công lập, giảm 75 đơn vị so với năm 2015 (giảm 9%); qua sắp xếp đã giảm 107 phòng, bộ phận cấp sở, huyện và giảm 131 cấp trưởng, phó (75 trưởng, 56 phó). Về biên chế, giảm được 139 chỉ tiêu biên chế công chức, 1.544 biên chế viên chức. Ngoài ra, từ 2015 đến nay, tỉnh đã tinh giản biên chế cho 370 người.
Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ kiểm tra cơ sở vật chất dạy học. Theo ông Phan Ngọc Thọ, cần ưu tiên tuyển dụng đặc cách đối với giáo viên đã có hợp đồng lao động và đóng BHXH từ năm 2015 trở về trước
Theo Sở Nội vụ, về số lượng cán bộ giảm sau sắp xếp, ban đầu sắp xếp chỉ là phép cộng các đơn vị lại với nhau. Tuy nhiên, sau khi sáp nhập các đơn vị, các sở, ngành đã hướng dẫn, rà soát theo vị trí việc làm, từng bước TGBC. Thực tế, các cơ quan, đơn vị đã xây dựng đề án TGBC và đề ra lộ trình thực hiện trong giai đoạn 2015 -2021 và từng năm. Trong đó, xác định tỷ lệ TGBC đến năm 2021 tối thiểu là 10% so với biên chế được giao năm 2015.
Ông Hoàng Minh Trí, Trưởng phòng Tổ chức - Biên chế, Sở Nội vụ cho biết, trong quá trình sắp xếp bộ máy, UBND tỉnh đã quán triệt các bước rất chặt chẽ, dân chủ, công khai; chú trọng hướng dẫn, kiểm tra, giám sát các đơn vị sau khi sắp xếp, kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để các đơn vị hoạt động hiệu quả hơn. Đồng thời, sắp xếp các vị trí cấp trưởng, cấp phó, chuyên viên vào đúng vị trí việc làm, từ đó ổn định đội ngũ cán bộ, công chức, phát huy hiệu lực, hiệu quả của bộ máy. Việc TGBC ban đầu có ảnh hưởng trực tiếp đến việc làm, quyền lợi của nhiều người, gây tâm tư, lo lắng cho cán bộ.
Quá trình thực hiện công tác bổ nhiệm, bổ nhiệm lại cán bộ được các đơn vị thực hiện công khai, đúng quy định, khách quan nên mang lại hiệu quả, tạo được sự đồng thuận cao. Nhờ làm tốt công tác tư tưởng nên cán bộ, công chức, viên chức trong diện tinh giản đều đồng tình, chưa xảy ra khiếu kiện hay phản đối về việc này.
Giám đốc Sở Nội vụ Bạch Chơn Đông chia sẻ, việc TGBC thì tâm tư là khó tránh khỏi nên cách làm là phải bảo đảm công khai, dân chủ. “Các trường hợp trưởng phải xuống phó, phó phải xuống chuyên viên, ít nhiều đều có tâm tư. Tuy nhiên, nhờ bảo đảm các nguyên tắc trên mà sau đó tư tưởng của cán bộ hoàn toàn thông suốt, trong quá trình thực hiện không có đơn thư" - ông Bạch Chơn Đông khẳng định.
Đánh giá về công tác TGBC và cơ cấu lại bộ máy theo Nghị quyết số 18, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ cho rằng, việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy phải đi vào thực chất, tránh tình trạng cơ học, cộng gộp mà không giảm về biên chế. “Giảm đầu mối, giảm cấp trưởng, phó phòng là việc cần thiết để bộ máy tinh gọn, đi vào chất lượng cán bộ, nâng cao hiệu quả hoạt động. Để làm được việc này, cần sự quyết tâm rất cao của các sở, ban, ngành, địa phương, đặc biệt là người đứng đầu, không ngại khó, không ngại đụng chạm”- ông Phan Ngọc Thọ nói.
Khắc phục tình trạng “thừa thiếu cục bộ”
Biên chế công chức năm 2015 là 2.269 biên chế; năm 2018 là 2.176 biên chế; năm 2019 là 2.130 biên chế và năm 2020 là 2.016 biên chế.
|
Dù vậy, theo lãnh đạo Sở Nội vụ, chưa thể triển khai việc sắp xếp các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện do Chính phủ chưa ban hành nghị định thay thế quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh và các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện, thuộc tỉnh. Bộ Nội vụ cũng đã có công văn yêu cầu tạm dừng việc sắp xếp các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện. Ngoài ra, hệ thống pháp luật chưa đồng bộ, một số quy định không còn phù hợp với thực tiễn; việc chuyển các đơn vị sự nghiệp sang tự chủ nhưng chưa được hướng dẫn cụ thể của các bộ, ngành.
Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ đã yêu cầu tiếp tục rà soát, kiểm tra và có biện pháp đôn đốc các địa phương, đơn vị thực hiện theo đúng lộ trình, đảm bảo tỷ lệ tinh giản. “Một số ngành đặc thù cần nghiên cứu các giải pháp khắc phục tình trạng “thừa thiếu cục bộ” trong nội bộ từng ngành, nhất là ngành giáo dục cần ưu tiên tuyển dụng đặc cách đối với giáo viên đã có hợp đồng lao động và đóng BHXH từ năm 2015 trở về trước theo chỉ đạo của Bộ Nội vụ”- Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo.
Đến nay, UBND tỉnh đã phê duyệt Đề án vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức cho 22/22 cơ quan hành chính cấp tỉnh, 9/9 cơ quan cấp huyện; đồng thời, phê duyệt danh mục vị trí việc làm cho 50/50 đơn vị sự nghiệp công lập. Trên cơ sở này, các cơ quan, đơn vị tiếp tục hoàn thiện bảng mô tả công việc và khung năng lực cho từng vị trí việc làm gắn với số người làm việc cụ thể theo danh mục vị trí việc làm được phê duyệt. |
Bài, ảnh: Thái Bình