ClockThứ Hai, 10/08/2015 14:48

Tình nguyện xanh ở thôn Đập Góc

TTH - Thôn Đập Góc, xã Phú Mỹ, huyện Phú Vang những ngày gần đây ngập tràn sắc màu áo xanh của các tình nguyện viên đến từ nhóm Người Việt Trẻ miền Trung. Với chủ đề “Hành trình Tam Giang”, gần 50 tình nguyện viên đã đến “ốc đảo” này giúp người dân sửa nhà, sửa trường học, vệ sinh môi trường ở đầm phá, dạy các kỹ năng cho trẻ em…

Để thực hiện chương trình tình nguyện mùa hè xanh ở thôn Đập Góc, nhóm Người Việt Trẻ miền Trung đã lên kế hoạch từ những ngày đầu tháng sáu, kêu gọi sự ủng hộ của các mạnh thường quân, đồng thời nhận bán vé số và phát tờ rơi để có thêm quỹ để hoạt động, tổng kinh phí hoạt động chương trình lên đến 45 triệu đồng. Trần Văn Minh, Trưởng nhóm Người Việt Trẻ miền Trung (sinh viên năm 3, Trường đại học Y Dược Huế) cho biết: “Khi về tìm hiểu đời sống của bà con thôn Đập Góc, điều làm chúng em trăn trở nhất đó là trẻ em vùng đầm phá còn nhiều thiệt thòi, khó khăn. Bên cạnh đó, vấn đề ô nhiễm môi trường trầm trọng, rác thải sinh hoạt vứt bừa bãi, những con mương tù đọng chứa toàn rác… nên cả nhóm quyết định chọn thôn Đập Góc là điểm đến thứ bảy của “Hành trình Tam Giang” trong mùa hè xanh năm 2015”.

Ban “Vệ sinh” đang dọn dẹp rác thải tại khu dân sinh
Nhóm chia ra nhiều ban khác nhau thực hiện công việc. Ban “Vệ sinh” gồm 15 bạn thu gom rác ở các con mương, rạch và quanh đầm phá. Khu vực Trường tiểu học số 2 xã Phú Mỹ nhiều mảnh vỡ của tường và những cánh cửa đã bị bong được sửa chữa lại. Những cánh cửa sổ hư hỏng không những được thay bằng tấm tôn mới mà các “họa sĩ nghiệp dư” đã vẽ lên thành những bức tranh sống động, vui nhộn. Cách đó không xa, ban “Sửa chữa” đang giúp người dân lợp lại mái tôn, gia cố chắc chắn nhà cửa bằng những bao cát khi mùa mưa đang sắp về. Tại nhà mệ Lê Thị Mơ (77 tuổi) các tình nguyện viên đang miệt mài sửa chữa đường dây điện.
Nhóm tổ chức hoạt động xã hội Người Việt Trẻ được thành lập năm 2006 ở ba miền Bắc, Trung, Nam từ diễn đàn Olympia, với khẩu hiệu “Chung tay vì mầm xanh Việt” gồm các hoạt động quyên góp, làm từ thiện và đào tạo kỹ năng, hỗ trợ cho các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn. Nhóm Người Việt Trẻ miền Trung đã tích cực tham gia nhiều hoạt động xã hội có ý nghĩa: như “Nắng ấm mùa xuân” trên vùng cao A Lưới, Nam Đông, “Tình nguyện mùa hè xanh” về các vùng sông nước dọc phá Tam Giang”.
Ban “Giáo dục” đang dạy học cho gần 30 em nhỏ trong thôn. Những tiết học “đặc biệt” trong dịp hè là kỹ năng sống, câu chuyện hay được các anh chị tình nguyện viên “soạn” riêng cho trẻ em thôn Đập Góc. Những tiết mục văn nghệ được các em nhỏ cùng các bạn tình nguyện viên say sưa luyện tập để biểu diễn trong “Đêm hội của em”. Hồ Thị Thanh Nga (24 tuổi, giáo viên Trường mần non Âu Lạc) chia sẻ: “Em tham gia nhóm đã 5 năm, từ khi đang còn là sinh viên. Mỗi lần đi với em là một trải nghiệm mới. Nghe trên báo đài ai cũng biết thôn Đập Góc khó khăn, nhưng về tận nơi em mới nhìn thấy, hiểu rõ vì sao họ nghèo. Trẻ em cứ biết đọc, biết viết là bỏ học theo ba mẹ ra phá bỏ lừ, một số em theo anh chị vào Nam làm nghề may, làm ở xưởng gỗ…”.
Một trong những điều mong đợi nhất trong chuyến tình nguyện mùa hè xanh lần này là dự án “Sân chơi cho em”. Những chiếc đu quay, bập bênh do các tình nguyện viên tự chế bằng gỗ rất sáng tạo và chắc chắn để trẻ em thôn Đập Góc vui chơi thỏa thích trong những ngày hè. Cũng trong dịp này, nhóm Người Việt Trẻ miền Trung đã kết hợp với đoàn thanh niên xã Phú Mỹ tiến hành vệ sinh môi trường, nhổ cỏ trồng hoa và tham gia chương trình “Thắp lửa tri ân” nhân ngày Thương binh Liệt sĩ (27-7) tại Nghĩa trang Liệt sĩ xã Phú Mỹ.
Kết thúc “Hành trình Tam Giang” tại thôn Đập Góc với bảy ngày (từ 23/7 đến 29/7), nhóm Người Việt Trẻ miền Trung đã có buổi giao lưu văn nghệ ấm áp cùng với người dân thôn Đập Góc. Tại buổi giao lưu, nhóm đã trao 22 suất quà, mỗi suất trị giá 200 ngàn đồng và tặng ba chiếc xe đạp (800 ngàn đồng/xe) cho học sinh nghèo hiếu học, cùng với 6 suất quà cho người nghèo, neo đơn (700 ngàn đồng/suất).
Bài, ảnh: Nhật Hạ
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tinh gọn bộ máy thành phố trực thuộc Trung ương

Chủ tịch UBND tỉnh vừa có Kế hoạch về việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy các sở, ngành cấp tỉnh; trong đó yêu cầu đơn vị liên quan chuẩn bị đầy đủ điều kiện cần thiết để sắp xếp tổ chức bộ máy, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động (CBCCVC-NLĐ) khi có quyết định của cấp có thẩm quyền.

Tinh gọn bộ máy thành phố trực thuộc Trung ương
Không phải “gồng mình” thưởng tết

Những tín hiệu khả quan trong hoạt động kinh doanh từ đầu năm giúp nhiều doanh nghiệp (DN) dệt may không phải “gồng mình” để thưởng tết cho người lao động như từng xảy ra ở một số năm trước.

Không phải “gồng mình” thưởng tết
Hành trình trở thành thành phố trực thuộc Trung ương

Với sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân, Huế đã trở thành thành phố trực thuộc Trung ương sau hành trình gần 30 năm; trong đó 5 năm quyết liệt triển khai Nghị quyết (NQ) số 54 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường và thông minh.

Hành trình trở thành thành phố trực thuộc Trung ương
Chậm đóng bảo hiểm: Công khai danh sách các đơn vị kéo dài

11 tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh có 1.654/4.107 doanh nghiệp (DN) chậm đóng các loại hình bảo hiểm với tổng số tiền chậm lên đến 335.141 triệu đồng, tăng 44.334 triệu đồng so với tháng trước. Xung quanh vấn đề này, phóng viên Báo Thừa Thiên Huế đã có cuộc trao đổi với Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh, bà Bùi Thị Thu Lý.

Chậm đóng bảo hiểm Công khai danh sách các đơn vị kéo dài
Return to top