“Các dự án (DA) hoàn thành không sử dụng được hoặc có vi phạm pháp luật bị đình chỉ, hủy bỏ là 78.285 DA” - thông tin được nêu ra từ cuộc giám sát tối cao của Quốc hội, vừa công bố. Về số tiền sai phạm (các dạng) thì được tính đến cả hàng ngàn tỷ đồng.
|
|
Dự án Nhà máy xi măng Thanh Sơn bỏ hoang từ năm 2010 đến nay đang bị xử lý theo hướng thu hồi (Ảnh minh họa) |
Một bức tranh tổng thể về quản lý và sử dụng ngân sách nhà nước (NSNN) quả là không lấy gì làm vui. Hàng chục ngàn DA có sai phạm cho chúng ta thấy ít nhất hai điều. Thứ nhất là tính chất phổ biến của sự lãng phí và thất thoát ngân sách. Thứ hai là tính hiệu quả của hệ thống giám sát chi tiêu ngân sách. Ai sử dụng ngân sách mà để nhiều lãng phí, thất thoát như vậy? Không ai khác chính là các cơ quan, ban ngành, địa phương.
Về tính chất phổ biến thì đã rõ. Nó nằm ở chỗ quá lớn về quy mô và quá phức tạp về tính chất. Và sự lãng phí, thất thoát nói trên cũng cho thấy một vấn đề nữa, dường như hệ thống kiểm tra giám sát ở cấp dưới Quốc hội, phần nào đó không phát huy tốt hiệu quả. Nếu từ cấp dưới kiểm tra, giám sát tốt thì đã không diễn ra tình trạng phổ biến của lãng phí, thất thoát. Nhìn ở một góc độ khác, NSNN phải chịu hai lần thất thoát. Lần thứ nhất là đầu tư. Và lần thứ hai là phải nuôi một bộ máy hùng hậu để thực thi việc giám sát sử dụng ngân sách nhưng bộ phận này đã không làm tròn nhiệm vụ như mong đợi. Nói nôm na là Nhà nước thiệt đơn thiệt kép.
Để hạn chế, hoặc chặn đứng tình trạng phổ biến về lãng phí quả là không hề dễ. Đơn giản một điều là nó quá lớn về quy mô và phức tạp về tính chất. Có thể, tìm được câu trả lời cho câu hỏi này, chúng ta sẽ tìm ra được một trong nhiều giải pháp để chống lãng phí, thất thoát - đó là nâng cao hiệu quả hoạt động và tính chịu trách nhiệm của bộ máy giám sát cấp dưới. Chúng ta có một hệ thống giám sát hùng hậu (dưới Quốc hội), nhưng tại sao đợi đến cuộc giám sát tối cao của Quốc hội mới chỉ ra bức tranh lãng phí, thất thoát lớn đến vậy. Tức là bộ máy giám sát có nhưng hoạt động không hiệu quả. Giờ phải nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy này.
Người sử dụng ngân sách để xảy ra thất thoát, lãng phí phải chịu trách nhiệm trước pháp luật đã đành, nhưng bộ phận được phân công giám sát việc sử dụng ngân sách sao cho có hiệu quả cũng không thể thoái thác trách nhiệm liên đới của mình, nếu để người sử dụng ngân sách sai phạm quá nhiều. Hình dung nó giống như là người được phân công gác cổng. Đã gác cổng nhưng người vào người ra anh không biết, thế thì còn gì là gác cổng. Nhiệm vụ cho người gác cổng thì đã có, giờ anh không làm tốt thì anh cũng phải chịu trách nhiệm như thế nào trong chức năng, nhiệm vụ, chức trách phận sự của mình. Phải xây dựng và có được cơ chế quy trách nhiệm.
Chúng ta thường nói về việc đề cao trách nhiệm của người đứng đầu. Người đứng đầu trong sử dụng ngân sách đó là - cơ quan, ban ngành, địa phương. Ở đây được hiểu là người trực tiếp sử dụng, chi tiêu ngân sách. Tính phổ biến của sự lãng phí, thất thoát ngân sách như nêu trên cho thấy việc mong muốn chi tiêu ngân sách không hiệu quả gần như là “đặc tính” của người sử dụng ngân sách. Sự lãng phí thường đi cùng với tham nhũng, tức là thông qua việc chi tiêu ngân sách để thu vén lợi ích vật chất cho riêng mình. Đây chính là động lực để họ sử dụng ngân sách không hiệu quả.
Giờ để sự lãng phí, thất thoát không hoặc ít xảy ra thì tìm giải pháp để chặn cho được động lực tham nhũng. Chúng ta thường nói đến việc phải xây dựng và thực thi tốt những quy định để con người ta: không muốn tham nhũng, không dám tham nhũng và cũng không thể tham nhũng được. Đến giờ, những quy định để đảm bảo những điều như vậy đã làm đến đâu?