ClockThứ Ba, 12/03/2024 12:14

Tổ chức bộ máy tinh gọn, nhưng phải hiệu quả

TTH - Qua đợt giám sát liên quan đến “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập (SNCL) giai đoạn 2018 - 2023” của Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh, nhiều khó khăn, hạn chế đã được chỉ rõ.

Thành lập thành phố trực thuộc Trung ương đạt tiêu chí đô thị loại một là nội dung vô cùng quan trọngGắn việc sắp xếp, tổ chức bộ máy với tinh giản biên chế

 Thành viên đoàn giám sát nêu ý kiến tại buổi làm việc với UBND TP. Huế

Tại đợt giám sát lần này, Đoàn ĐBQH tỉnh đã làm việc với một số sở, ngành và địa phương.

Giải thể các đơn vị hoạt động không hiệu quả

Thời gian qua, việc định hướng sắp xếp, tổ chức lại các cơ quan hành chính và đơn vị SNCL bước đầu đã có những chuyển biến tích cực trong tư duy sắp xếp, tổ chức lại nhằm đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả và thực hiện tinh gọn đầu mối các cơ quan, đơn vị, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được giao.

Nhiều đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh đã sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị SNCL theo hướng giảm số đầu mối, giải thể các đơn vị hoạt động không hiệu quả. Các đơn vị SNCL được tổ chức lại hoạt động hiệu quả hơn, năng lực tự chủ, khả năng cung ứng dịch vụ công được cải thiện về số lượng và chất lượng. Công tác quản lý nhà nước đối với tổ chức và hoạt động của các đơn vị SNCL trên địa bàn tỉnh được thực hiện thường xuyên, kịp thời. Các đơn vị đã chủ động rà soát và đề xuất sắp xếp lại tổ chức bộ máy bảo đảm tinh gọn, hiệu quả; thực hiện quản lý tài chính chặt chẽ, đúng quy định.

Theo UBND tỉnh, số lượng đơn vị SNCL tính đến hết ngày 31/12/2023 là 688. So với 2015 giảm 92 đơn vị, giảm 65 đơn vị so với 2017 và 6 đơn vị so với 2021. UBND tỉnh cũng đã cơ cấu lại, sáp nhập, hợp nhất, giải thể đối với 92 đơn vị so với năm 2015, trong đó giải thể 6 đơn vị.

Trong giai đoạn 2015 - 2023, tỉnh đã giảm được 5.448 biên chế viên chức (đạt tỷ lệ 19,17%) so với biên chế được giao năm 2015. Trong đó, đã giải quyết hưởng chính sách tinh giản biên chế theo Nghị định số 108/2014/NĐ-CP của Chính phủ là 405 viên chức.

Việc thực hiện chế độ chính sách đối với người làm việc trong các đơn vị SNCL được thực hiện nghiêm túc, khách quan, đúng quy định; qua đó, đã phát hiện những vấn đề còn tồn tại, vướng mắc trong thực hiện chế độ chính sách để đưa ra những giải pháp xử lý kịp thời, hiệu quả.

Thông qua chính sách tinh giản biên chế, đội ngũ người làm việc trong các đơn vị SNCL của tỉnh từng  bước được nâng cao về chất lượng. Đến nay, cơ bản đội ngũ viên chức đã đạt chuẩn theo quy định; việc bồi dưỡng viên chức, người lao động được đẩy mạnh, góp phần hoàn thiện tiêu chuẩn ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức, nâng cao năng lực cán bộ lãnh đạo, quản lý; thu hút những viên chức, người lao động có trình độ chuyên môn cao, tốt nghiệp loại giỏi vào làm việc trong các đơn vị SNCL…

Khó khăn trong việc xây dựng đề án vị trí việc làm

Trong các buổi làm việc với Đoàn giám sát của Đoàn ĐBQH tỉnh, các sở, ngành, địa phương cũng đã nêu những khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức hoạt động của các đơn vị SNCL. Đại diện các sở, ngành đã làm rõ các kết quả; phân tích những khó khăn, vướng mắc và nguyên nhân, bao gồm nguyên nhân xuất phát từ địa phương và Trung ương; những ảnh hưởng của việc cắt giảm biên chế viên chức; đánh giá kết quả thực hiện chính sách tinh giản biên chế đã thực sự gắn với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức…

Tại TP. Huế, sau khi mở rộng diện tích theo Nghị quyết số 1264/NQ-UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, từ ngày 1/2/2021, Huế có diện tích gần 170km2, với 36 đơn vị hành chính cấp xã, phường. Làm việc với đoàn giám sát, lãnh đạo các phòng, ban của TP. Huế cho biết gặp khó khăn trong việc xây dựng đề án vị trí việc làm. Nhiều công việc mang tính đặc thù hoặc chưa có chức danh cụ thể.

Đối với sáp nhập các đầu mối, lãnh đạo TP. Huế cho rằng, cần sớm có cơ chế gỡ vướng các quy định đấu giá tài sản công khi thời gian qua nhiều vị trí thuộc khối ngành văn hóa – thể thao dù đấu giá nhiều lần nhưng chưa có ai trúng thầu.

Thực hiện Nghị quyết 19 của Trung ương, Trường chính trị Nguyễn Chí Thanh cũng đã có những chỉ đạo tích cực, sát định hướng về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn. Trường đã thực hiện sáp nhập 7 khoa, phòng trước đây xuống còn 5 khoa, phòng trực thuộc. Tính đến tháng 12/2023, nhà trường có 36 biên chế, lãnh đạo nhà trường cho biết, chưa đảm bảo cho tổ chức bộ máy, vị trí việc làm của đơn vị.

Lãnh đạo một số sở, ngành cho rằng, việc thực hiện giảm 10% biên chế sự nghiệp đối với tất cả các cơ quan, đơn vị (bao gồm cả sự nghiệp giáo dục và đào tạo, y tế) chưa thật sự phù hợp với thực tiễn. Hệ thống các tiêu chuẩn, định mức kinh tế kỹ thuật làm cơ sở để các đơn vị sự nghiệp thực hiện chưa đồng bộ, chậm sửa đổi. Việc phân định thẩm quyền, nhiệm vụ và trách nhiệm phân cấp, phân quyền có một số nội dung chưa rõ ràng, thống nhất.

Các sở, ngành, địa phương kiến nghị Trung ương  tiếp tục hoàn thiện quy định về xếp hạng đơn vị SNCL; sớm hoàn thiện hệ thống văn bản hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ và tổ chức bộ máy của các đơn vị SNCL sau khi sắp xếp theo Nghị quyết Trung ương 6 Khóa XII; cần ban hành đầy đủ các văn bản hướng dẫn thực hiện Nghị định số 60/2021/NĐ-CP quy định cơ chế tự chủ của đơn vị SNCL…

Bà Nguyễn Thị Sửu, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh, Trưởng đoàn giám sát ghi nhận, đánh giá cao nỗ lực của các đơn vị trong việc làm rõ các vấn đề mà các thành viên đoàn giám sát quan tâm. Đối với các kiến nghị, bà Sửu cho rằng, nhiều ý kiến rất chính đáng, qua đó thấy rõ bất cập trong quá trình hoạt động.

Đoàn giám sát cũng đã đề nghị các đơn vị tiếp tục bổ sung, hoàn thiện báo cáo, trong đó chú trọng các nội dung kiến nghị, đề xuất cụ thể để phục vụ hiệu quả hoạt động giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và tháo gỡ những khó khăn trong thực hiện Nghị quyết 19.

Bài, ảnh: LÊ THỌ
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hiệu quả từ đổi mới giáo dục tiểu học

Với mục tiêu đào tạo các thế hệ học sinh phát triển toàn diện, cùng với đầu tư cơ sở vật chất, ngành giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) TP. Huế triển khai nhiều giải pháp trong đổi mới giáo dục tiểu học (TH), giúp học sinh tiếp cận phương pháp giảng dạy hiên đại, phát triển các khả năng hội nhập, như kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin, ngoại ngữ, giao tiếp…

Hiệu quả từ đổi mới giáo dục tiểu học
Để ôn thi các môn khoa học xã hội hiệu quả

Vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) đã công bố lịch thi tốt nghiệp THPT năm 2024, vào các ngày 26, 27, 28, 29 tháng 6. Như vậy, chỉ còn chưa đầy ba tháng nữa, các em học sinh sẽ bước vào kỳ thi quan trọng đánh dấu ngưỡng cửa bước vào tương lai.

Để ôn thi các môn khoa học xã hội hiệu quả
Khai thác hiệu quả giá trị các danh hiệu UNESCO

Với 65 danh hiệu được UNESCO ghi danh, trải rộng trên tất cả 63 tỉnh, thành phố, Việt Nam tiếp tục thể hiện đóng góp có trách nhiệm vào việc làm phong phú, bảo vệ và phát huy kho tàng văn hóa nhân loại.

Khai thác hiệu quả giá trị các danh hiệu UNESCO
Giải pháp đầu tư, ứng dụng công nghệ hiệu quả tại các tòa soạn

Sáng 16/3, trong khuôn khổ Diễn đàn Báo chí toàn quốc 2024 đã diễn ra phiên thảo luận với chủ đề “Đầu tư, ứng dụng công nghệ hiệu quả tại các tòa soạn”. Đây là một trong những nội dung thu hút sự quan tâm rất lớn từ các cơ quan báo chí trong bối cảnh chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ trên tất cả các lĩnh vực, trong đó có báo chí, truyền thông.

Giải pháp đầu tư, ứng dụng công nghệ hiệu quả tại các tòa soạn
Return to top