ClockThứ Bảy, 26/08/2017 14:02

Tổ tự quản của người dân

TTH - Lo ngại trước tình trạng nhà cửa, vườn tược bị “moi” hàng ngày và có nguy cơ sụp đổ khi một khối lượng lớn cát, sạn bị các tàu hút lên trong khi lực lượng chức năng và chính quyền địa phương không đủ lực để bám sát thường xuyên, người dân thôn Hạ (Dương Hoà, Thị xã Hương Thuỷ) đã lập tổ tự quản, dựng lán, kết hợp với công an xã để cắt cử nhau canh gác hàng đêm, tạo áp lực đối với các tàu, thuyền khai thác trái phép và thông tin cho lực lượng chức năng có biện pháp xử lý kịp thời. Giảm 80%-90% tình trạng khai thác cát trái phép tại khúc sông thuộc thôn Hạ là điều được ông trưởng thôn này chia sẻ với phóng viên báo PL+.

Đường sá, nhà cửa... ở thôn Hạ sạt lở do sa tặc hoành hành. Ảnh: Lê Thọ

Suốt trong thời gian qua, việc người dân phản ánh và đề nghị có giải pháp ngăn chặn tình trạng khai thác cát sạn trên địa bàn tỉnh là điều ngày mỗi nhiều hơn. Các cơ quan thông tấn báo chí, bằng nhiều hình thức khác nhau cũng đã đưa vấn đề này lên trang báo của mình. Chính quyền địa phương các cấp cũng đã có nhiều biện pháp kiến nghị, xử lý và chế tài, song trước lực hút của nhu cầu thị trường, các khúc sông, bờ bãi, ruộng vườn… của người dân vẫn tiếp tục bị mài mòn từ lén lút đến công khai. An ninh đất đai bị ảnh hưởng là điều đã rõ, song tình trạng khai thác trái phép này còn gây xáo trộn đến đời sống, sinh hoạt thường ngày của người dân và tác động đến an ninh trật tự ở các khu dân cư. Điều cơ bản hơn là nếu sự việc này kéo dài, sẽ tạo nên một cái nhìn tiêu cực đến các cơ quan chức năng trong thực thi công vụ ở lĩnh vực này.

Những vấn đề này đã nhiều lần được đặt lên bàn nghị sự, với không ít những phản ánh hiện trạng, những băn khoăn trước một hiện trạng và những “chốt chặn”, chế tài chưa đến nơi để có thể cải thiện được tình hình. Lực lượng mỏng, phương tiện thiếu, địa bàn rộng chắc chắn là nguyên nhân, nhưng rõ ràng không thể mãi là lý do khiến tình trạng khai thác cát trái phép cứ loanh quanh dạt từ chỗ nọ sang chỗ kia, và đất đai vườn tược của người dân vẫn bị lung lay, những đoạn đường thường có tàu thuyền khai thác cát hoặc vừa rời đi bị sạt lở…

Chính quyền địa phương còn thiếu trách nhiệm và buông lỏng quản lý, phối hợp thiếu đồng bộ nên tình trạng khai thác cát, sạn trái phép, sử dụng bãi tập kết ven sông bất hợp pháp, việc vận chuyển cát không rõ nguồn gốc vẫn diễn ra mặc dù UBND tỉnh đã có nhiều văn bản chỉ đạo quyết liệt… là điều được chỉ rõ tại Công văn 5803/UBND-XD ngày 12/8 của UBND tỉnh. Tại công văn này, Chủ tịch UBND tỉnh cũng đã có những yêu cầu cụ thể, với những đơn vị cụ thể trong việc nghiêm túc rút kinh nghiệm trong việc chậm trễ, thiếu giải pháp cụ thể trong việc sắp xếp, xử lý các bãi cát sạn không đúng quy hoạch; nghiêm túc tổ chức quản lý chặt chẽ đối với hoạt động của các bến, bãi để đảm bảo cảnh quan môi trường, an toàn giao thông cũng như trách nhiệm thực thi của Nhà nước. Đáng lưu ý ở công văn này là tinh thần chỉ đạo của UBND tỉnh không chỉ ở tăng cường kiểm tra, thanh tra các khu vực trọng điểm mà là việc kiên quyết điều chuyển cán bộ thanh tra không hoàn thành nhiệm vụ, xử lý kỷ luật đối với cán bộ để lộ, lọt thông tin kiểm tra của đoàn kiểm tra liên ngành và có các biểu hiện tiếp tay cho hoạt động khai thác cát, sạn trái phép…

Tổ tự quản thôn Hạ mới chỉ là một điển hình, và có thể đây sẽ là mô hình được nhân rộng để có sự phối hợp tốt hơn với chính quyền địa phương sở tại trong việc ngăn chặn nạn khai thác trái phép – một hoạt động mà cho đến nay vẫn còn là tồn tại chưa giải quyết được một cách thấu đáo và triệt để. Theo cùng với nó là những hệ luỵ về cảnh quan môi trường, an toàn giao thông đường bộ, đường thuỷ, gây ảnh hưởng xấu trong dư luận xã hội và ảnh hưởng đến tính nghiêm minh của pháp luật.

Người dân vì lo lắng, bức xúc mà thành lập tổ tự quản để cùng với chính quyền bảo vệ đất đai thổ nhượng của mình. Họ chỉ là những người tự nguyện, nhưng với sự tham gia tự nguyện ấy cùng lực lượng chức năng đã cho thấy tính hiệu quả của việc “dựa vào dân”.

Vấn đề còn lại, trên hết và luôn luôn vẫn là trách nhiệm của những người thực thi công vụ.

Minh Hà

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Sóng biển đánh sạt bờ kè khu vực Hải Bình

Chiều 5/11, ông Dương Quang Hùng, Chủ tịch UBND xã Lộc Bình, huyện Phú Lộc cho biết sóng lớn đã đánh sạt bờ kè khu vực Hải Bình, xã Lộc Bình (cửa biển Tư Hiền) chiều dài khoảng 100m, trong đó có đoạn khoảng 50m chiều dài lấn sâu vào đường dân sinh.

Sóng biển đánh sạt bờ kè khu vực Hải Bình
Khẩn trương sơ tán người dân ra khỏi vùng nguy cơ sạt lở

Trước tình hình mưa lớn, nguy cơ sạt lở và ngập lụt sâu, trong sáng 5/11, các địa phương của huyện Phú Lộc đã triển khai sơ tán người dân ra khỏi vùng nguy cơ cao về sạt lở, rào chắn cảnh báo các vị trí ngập lụt sâu.

Khẩn trương sơ tán người dân ra khỏi vùng nguy cơ sạt lở
Return to top