ClockThứ Tư, 17/06/2015 18:08

Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh - Nhà lãnh đạo kiên định và gần gũi

TTH.VN - Suốt cả cuộc đời, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh lặng lẽ, kiên trì rèn luyện mình theo những phẩm chất đạo đức trong sáng cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Tổng Bí thư thực sự trở thành một học trò ưu tú của Chủ tịch Hồ Chí Minh, xứng đáng với danh hiệu người cộng sản theo tinh thần-tư tưởng-đạo đức Hồ Chí Minh.

Nhân kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh (1/7/1915-1/7/2015), tiến sỹ Ngô Vương Anh có bài viết: “Nhớ Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh - nhà lãnh đạo kiên định, sáng tạo và gần gũi”, nêu bật tấm gương sáng ngời của nhà lãnh đạo xuất sắc với những phẩm chất trí tuệ, đạo đức cao đẹp.

Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh phát biểu tại Đại hội Đảng 6 - Đại hội “Đổi mới” của Việt Nam năm 1986.(Nguồn: TTXVN)


Trong cuộc đời hoạt động cách mạng, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh có mặt trên khắp các miền đất nước, trải qua thời kỳ đấu tranh giành độc lập, qua hai cuộc kháng chiến cam go, gian khổ mà hào hùng và đặc biệt là đầu thời kỳ Đổi mới, trong bối cảnh quốc tế đầy biến động, đất nước đứng trước muôn vàn thử thách. Dù ở cương vị nào, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh cũng thể hiện rõ là một trong những nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng với những phẩm chất trí tuệ, đạo đức cao đẹp.

Người lãnh đạo bám sát thực tiễn, sáng tạo và hiệu quả

Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh tên khai sinh là Nguyễn Đức Cúc, vẫn quen gọi là Nguyễn Văn Cúc và sau này lấy bí danh Mười Cúc khi ở hoạt động ở miền Nam, sinh ngày 1/7/1915 tại Hà Nội, quê gốc ở xã Giai Phạm, huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên, trong một gia đình công chức nghèo.

Lớn lên tại Hải Phòng, một trong những cái nôi của phong trào công nhân miền Bắc, chịu ảnh hưởng của cuộc đấu tranh yêu nước diễn ra sôi nổi cuối những năm 20 của thế kỷ XX, người thanh niên yêu nước Nguyễn Văn Cúc sớm giác ngộ cách mạng, tham gia phong trào học sinh do chi hội Việt Nam cách mạng thanh niên Hải Phòng lãnh đạo.

Hai lần bị bắt, bị tra tấn dã man, bị đày ra Côn Đảo, lần thứ nhất từ lúc còn ở tuổi vị thành niên, ông vẫn luôn nêu cao khí phách bất khuất kiên cường và rèn luyện bản lĩnh cách mạng. Sau Cách mạng Tháng Tám 1945, ông giữ nhiều cương vị chủ chốt trong suốt ba mươi năm kháng chiến ở miền Nam. Mỗi cương vị đều gắn với một thời kỳ cam go, gian khổ. Mỗi bước đi lên thắng lợi của phong trào cách mạng miền Nam đều có vai trò của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh.

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, trước thực tiễn sản xuất gặp nhiều vướng mắc, khó khăn, trên cương vị là Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh trăn trở tìm cách tháo gỡ từng bước. Nhờ sự chỉ đạo năng động và sáng tạo của Thành ủy và chính quyền thành phố, sau thời gian ngắn nền kinh tế của Thành phố Hồ Chí Minh có những bước chuyển lớn có tính đột phá.

Hiệu quả thực tế từ những nét đổi mới được hình thành trong thực tiễn còn nóng hổi hơi thở cuộc sống ở Thành phố Hồ Chí Minh đã giúp Trung ương Đảng, đứng đầu là Tổng Bí thư Trường Chinh khi đó có thêm những cứ liệu để tăng thêm quyết tâm xoá bỏ cơ chế cũ, dứt khoát thực hiện cơ chế mới, mở ra bước ngoặt Đổi mới từ sau Đại hội Đảng lần thứ 6. Bước khởi đầu sự nghiệp Đổi mới thành công đã ghi nhận những đóng góp tích cực và hiệu quả của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh.

Được Đại hội Đảng lần thứ 6 (12/1986) trao trọng trách Tổng Bí thư, lãnh đạo thực hiện đường lối Đổi mới của Đảng trước bối cảnh quốc tế và trong nước cực kỳ phức tạp, khó khăn, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đã cùng tập thể Bộ Chính trị kiên trì Đổi mới.

Đảng đã trân trọng đánh giá những cống hiến của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh trên trọng trách Tổng Bí thư khoá VI: “Suốt nhiệm kỳ Đại hội 6, với cương vị là Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đã cùng tập thể lãnh đạo nhạy bén, chủ động, sáng tạo, khôn khéo chèo lái con thuyền cách mạng vượt qua những bước hiểm nghèo của thời kỳ xảy ra những biến động to lớn trên thế giới, đẩy mạnh công cuộc Đổi mới và thu được những thành tựu rất quan trọng, thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phát triển kinh tế-xã hội, củng cố quốc phòng-an ninh, cải thiện đời sống nhân dân, mở rộng quan hệ đối ngoại và nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.”

Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, lịch sử dân tộc Việt Nam ghi nhận Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh là một trong những nhà lãnh đạo xuất sắc, xuất hiện vào những thời điểm then chốt, có những đóng góp hiệu quả vào việc kiến tạo sự chuyển hướng đường lối chiến lược của Đảng, đưa đất nước chuyển sang một thời kỳ mới - Thời kỳ Đổi mới để tiến lên.

Người khởi đầu cuộc đấu tranh chống tiêu cực thời Đổi mới


Phong trào đấu tranh với những thói hư tật xấu xã hội trong một thời bảo thủ, trì trệ kéo dài đã được Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh phát động và kiên quyết thực hiện trong những năm đầu sự nghiệp Đổi mới, đã thực sự tạo nên một luồng gió mới trong đời sống xã hội Việt Nam lúc đó.

Trong bối cảnh những năm đầu sự nghiệp Đổi mới được khởi xướng từ Đại hội Đảng lần thứ 6 (12/1986), việc thực hiện các quyết sách Đổi mới gặp phải những cản trở do nhiều hiện tượng tiêu cực trong các lĩnh vực đời sống xã hội. Cơ chế quản lý cũ quan liêu, bao cấp đã gây ra sự trì trệ. Những cán bộ thoái hóa biến chất, những kẻ đầu cơ, buôn lậu, làm hàng giả... đã tranh thủ lợi dụng những sơ hở của cơ chế cũ, làm trầm trọng thêm sự trì trệ đó.

Những hiện tượng tiêu cực, đặc biệt là ở bộ phận cán bộ đảng viên, những người có chức có quyền, có thể lợi dụng những khiếm khuyết, bất cập của cơ chế để mưu lợi cá nhân đang làm rối loạn đời sống kinh tế, chính trị, xã hội, làm xói mòn lòng tin của nhân dân. Muốn thực hiện Đổi mới phải đấu tranh chống các hiện tượng tiêu cực; tháo gỡ những ách tắc do cơ chế phải đi đôi với việc kiên quyết loại trừ những kẻ đang lợi dụng cơ chế bảo thủ, quan liêu để kiếm lợi, làm rối loạn kỷ cương phép nước.

Ngày 25/5/1987, báo Nhân Dân đăng trên trang nhất bài viết với hàng tít đậm “Những việc cần làm ngay”. Tác giả ký tên N.V.L. Ngay lập tức bài báo của tác giả N.V.L đã thu hút được sự quan tâm của công chúng. Từ ngày 25/5/1987 đến ngày 28/9/1990 đã có 27 bài báo nhan đề “Những việc cần làm ngay”, ký tên N.V.L đăng trên báo Nhân Dân.

Cái tên N.V.L dần trở nên quen thuộc đối với bạn đọc và “Những việc cần làm ngay” trở thành một chuyên mục trên báo Nhân Dân được nhân dân ưa thích và tìm đọc.

Vấn đề hàng đầu được “Những việc cần làm ngay” đề cập là chống tiêu cực. Trong những bài viết của mình, tác giả N.V.L phê phán các hành vi quan liêu, vô trách nhiệm, lãng phí, hách dịch, tham nhũng, ức hiếp quần chúng, lợi dụng hộ chiếu ngoại giao để buôn lậu của một số cán bộ có chức có quyền; phê phán việc ngăn sông cấm chợ, phê phán cơ chế bất hợp lý gây ra những ách tắc trong sản xuất và phân phối lưu thông.

Qua “Những việc cần làm ngay”, tác giả N.V.L muốn giúp cho quần chúng biết và biết cách đấu tranh với những điều không đúng, với những kẻ làm không đúng, gây oan ức cho nhiều người, coi đây là dịp để phát huy quyền dân chủ, quyền công dân của quần chúng.

Những việc cần làm ngay và phong trào hưởng ứng “Những việc cần làm ngay” trên các phương tiện thông tin đại chúng đã phá tan “sự im lặng đáng sợ” của những người có chức có quyền, của những cơ quan có trách nhiệm về các vụ việc tiêu cực, tạo bầu không khí công khai, cởi mở, dân chủ trong xã hội, góp phần làm lành mạnh hoá các quan hệ xã hội.

Những vụ việc tác giả N.V.L nêu lên đều yêu cầu đích danh các cơ quan có trách nhiệm, các cá nhân chịu trách nhiệm trực tiếp giải quyết triệt để và trả lời công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Với bút danh N.V.L (Nói và làm), Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh mong muốn mặt trận chống tiêu cực có sự tham gia hưởng ứng của các phương tiện thông tin đại chúng cùng với đông đảo nhân dân bởi vì “Một N.V.L hay vài N.V.L không thể biết hết mọi việc, nói hết mọi việc và làm hết mọi việc. Chỉ có sự nhất trí hành động của toàn Đảng, toàn dân mới có thể tạo nên chuyển biến thật sự cho đất nước”. Đây là điều quan trọng để chống tiêu cực thắng lợi, để Đổi mới thành công.

Khi đề cập đến vai trò gương mẫu của người cán bộ đảng viên giữ cương vị lãnh đạo, trong “Những việc cần làm ngay”, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh nhấn mạnh: “Muốn tiết kiệm, chống xa hoa lãng phí thì cán bộ lãnh đạo phải gương mẫu làm trước. Xe lửa có đầu tàu. Tàu chuyển động chạy sẽ kéo các toa cùng chạy theo. Đầu tàu cứ kéo còi, xịt khói mà nằm im, làm sao các toa nhích nhích được!”.

Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh cũng sớm chỉ ra căn bệnh hình thức trong đấu tranh phê bình, tự phê bình: “Tính Đảng, tính nguyên tắc, tình thương yêu Tổng Bí thư đã bị thay thế bằng tính nể nang, thiếu thẳng thắn đấu tranh bảo vệ chân lý, bảo vệ việc đúng, người tốt.”

Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh không chỉ đôn đốc việc tự phê bình và phê bình từ dưới lên mà cả từ trên xuống: “Nhà dột từ nóc, không sửa lại mái nhà thì khi mưa, nước từ nóc đổ xuống, quét mãi cũng không hết được. Phải quét nước, nhưng đồng thời phải chống dột. Không chống dột ở nóc mà cứ quét mãi, quét đến chừng nào mới xong?”.

Tổng Bí thư đã tổ chức việc kiểm điểm cá nhân từ Tổng Bí thư đến từng Ủy viên Bộ Chính trị, không chỉ trong công tác lãnh đạo mà cả trong ý thức tổ chức kỷ luật và đạo đức, lối sống. Việc làm đó có ý nghĩa rất lớn trong Đảng, được toàn Đảng, toàn dân hoan nghênh.

Đi cùng với xây, phải tích cực chống những mầm bệnh, những ung nhọt (chữ dùng của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh) có thể ngăn trở, phá hoại công cuộc Đổi mới, làm cho Đảng xa dân, dân không tin Đảng. Để giữ vững vai trò lãnh đạo của mình, để lấy lại uy tín và lòng tin trong nhân dân, Đảng phải khắc phục được tình trạng trì trệ cả trong tư duy và hành động, phải có những cơ chế hữu hiệu để ngăn chặn được những biểu hiện tiêu cực, phải loại bỏ được những cán bộ, đảng viên đã thoái hoá, biến chất đang là những con sâu đục khoét tài sản chung.

Biện pháp hữu hiệu để loại bỏ những con sâu như vậy là Đảng cần tăng cường công tác kiểm tra, theo dõi việc thực hiện những đường lối chính sách của mình ở tất cả các cấp, các ngành để kịp thời uốn nắn những lệch lạc, xử lý những sai phạm một cách nghiêm minh. Đồng thời Đảng phải tập trung đầu tư công sức đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện, kiểm tra và giám sát để có một đội ngũ cán bộ tốt thực hiện công cuộc Đổi mới cùng với việc chuẩn bị tốt lực lượng kế cận.

Những điều này hoàn toàn tương đồng với tinh thần Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa 11) của Đảng “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” đang được tích cực thực hiện.

Người nêu tấm gương sáng về tác phong và đạo đức

Xuất phát từ lòng tin tưởng sâu sắc ở sức mạnh của nhân dân, tin vào trí tuệ của quần chúng, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh rất tin và kiên trì chân lý mà mình nắm bắt được từ thực tiễn. Tại những bước ngoặt khó khăn, là người trực tiếp sâu sát phong trào, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đã nhạy bén phát hiện, sớm đề xuất, điều chỉnh trong chỉ đạo cụ thể, phù hợp với diễn biến của thực tế.

Bằng những hoạt động cụ thể, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đã làm sáng rõ hình ảnh một người lãnh đạo giàu tâm huyết, bám sát thực tiễn, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trước Đảng, trước dân, vì thế đã được nhân dân tin yêu.

Mỗi ý kiến, mỗi quyết định của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đều thể hiện tác phong tỉ mỉ, cụ thể, dân chủ. Trước mỗi sự biến đổi mới của tình hình, Tổng Bí thư thường đi xuống cơ sở, trực tiếp gặp gỡ cán bộ và quần chúng, khơi gợi anh em phát biểu, tranh luận, đề xuất. Tổng Bí thư bình tĩnh lắng nghe, nhất là những ý kiến khác với ý kiến của mình.

Với phương pháp xử thế đậm nét ân tình, thủy chung, độ lượng, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đã thể hiện phương pháp và tác phong gần dân, xây dựng được và ngày càng củng cố vững chắc mối quan hệ giữa Đảng với nhân dân.

Sinh thời, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đã viết: “Trình độ trí tuệ dù quan trọng đến mấy cũng chỉ là một nhân tố trong những điều cần có của một cán bộ. Chú ý rằng phẩm chất cách mạng là yếu tố hết sức cơ bản. Lòng trung thành vô hạn với lý tưởng cộng sản chủ nghĩa của giai cấp công nhân; ý chí cách mạng tiến công, sự chiến đấu không mệt mỏi để xây dựng chủ nghĩa xã hội một cách có hiệu quả; sự gắn bó và ý thức phục vụ nhân dân lao động; tôn trọng và xây dựng quyền làm chủ của nhân dân lao động; tính trung thực, ý thức dám đấu tranh và biết tự phê phán cùng với sinh hoạt cá nhân lành mạnh, nêu gương được cho mọi người xung quanh,... nếu tất cả những điều này không có trong cán bộ nào đó, thì dù trí tuệ có cao đến đâu cũng không có ích gì cho cách mạng.”

Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đã không mệt mỏi phấn đấu để thực hiện sự nhất quán giữa nói và làm và Tổng Bí thư đã sống đúng như những gì mình đã viết, luôn giữ vững phẩm chất trong sạch, liêm khiết, tác phong khiêm tốn, giản dị của người cán bộ cách mạng, hết lòng chăm lo cuộc sống của nhân dân.

Dù ở vị trí Tổng Bí thư của Đảng nhưng Tổng Bí thư vẫn chan hòa với quần chúng, tách bạch rạch ròi giữa công việc chung và những việc thuộc về cá nhân, gia đình, không đòi hỏi một sự đãi ngộ đặc biệt nào.

Suốt cả cuộc đời, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh lặng lẽ, kiên trì rèn luyện mình theo những phẩm chất đạo đức trong sáng Cần, Kiệm, Liêm, Chính, Chí công vô tư. Tổng Bí thư đã thực sự trở thành một học trò ưu tú của Chủ tịch Hồ Chí Minh, xứng đáng với danh hiệu người cộng sản theo tinh thần-tư tưởng-đạo đức Hồ Chí Minh./.

Theo Vietnam+
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Phụ nữ đi đầu trong giữ gìn bản sắc văn hóa Huế

Sáng 23/12, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh tổ chức Hội nghị Ban Chấp hành Hội LHPN tỉnh lần thứ IX, khoá XVI nhiệm kỳ 2021-2026; tổng kết hoạt động hội và phong trào phụ nữ năm 2024, triển khai phương hướng nhiệm vụ năm 2025. Đến dự có Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phạm Đức Tiến và lãnh đạo một số ban, ngành của tỉnh.

Phụ nữ đi đầu trong giữ gìn bản sắc văn hóa Huế
Tinh gọn bộ máy thành phố trực thuộc Trung ương

Chủ tịch UBND tỉnh vừa có Kế hoạch về việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy các sở, ngành cấp tỉnh; trong đó yêu cầu đơn vị liên quan chuẩn bị đầy đủ điều kiện cần thiết để sắp xếp tổ chức bộ máy, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động (CBCCVC-NLĐ) khi có quyết định của cấp có thẩm quyền.

Tinh gọn bộ máy thành phố trực thuộc Trung ương
Return to top