Một lần nữa - và có thể chưa phải là lần cuối cùng – mạng xã hội lại ồn ào trở lại xung quanh việc làm từ thiện của một số tên tuổi thuộc về người của công chúng. Chính xác hơn là người ta muốn biết các nguồn kinh phí, đóng góp, hỗ trợ về tài khoản của những người mà họ đã trao gửi cụ thể là bao nhiêu, đã và sẽ được công khai, minh bạch ra sao. Cũng có thể, những đồn đoán từ những thông tin chưa rõ là đúng sai, thất thiệt như thế nào đã lại khơi mào cho những nghi kỵ dấy lên trong công chúng.
Hỗ trợ cho bà con gặp khó khăn do bão lũ, dịch bệnh là điều mà nhiều cơ quan, đơn vị, các doanh nghiệp và người dân ở khắp nơi đã cùng nhau “gom góp” để đồng hành và chia sẻ. Lương thực, thực phẩm, các món hàng hóa thiết yếu khác và sau đó là kinh phí hỗ trợ dựng lại nhà, chữa bệnh, cả những khoản vốn cơ bản để làm ăn… đã thông qua nhiều kênh để đến đúng địa chỉ cần được giúp đỡ. Sự đùm bọc này không chỉ là tình cảm, sự nhân văn mà còn là truyền thống tốt đẹp của dân tộc.
Những vướng mắc, dò hỏi, nghi ngờ… xung quanh việc làm từ thiện trong thời gian qua đều dừng lại ở các cá nhân đứng ra nhận và trao gửi đến người có hoàn cảnh. Hoài Linh, Trấn Thành, Đàm Vĩnh Hưng, Thủy Tiên… là những nghệ sĩ được nhắc đến trong các trường hợp này.
Chúng ta có thể thông cảm với các nghệ sĩ đang được nhắc tên ở trên trong việc chưa có cách làm khoa học, hoặc chưa tổ chức được một ê-kip biết lên kế hoạch, hệ thống hóa một cách bài bản trong việc làm này; cũng có thể chia sẻ và hiểu được sự nôn nóng – chẳng hạn như ca sĩ Thủy Tiên – khi đã mang tiền của các “mạnh thường quân” xông pha vào nơi nước lũ vừa rút để kịp thời cứu trợ đồng bào. Tuy nhiên, nguyên tắc là mọi nguồn hỗ trợ đều phải được công khai. Tiền bạc lại là thứ cần được minh bạch hơn nữa. Khi chưa hoặc không thực hiện được điều này, dư luận hẳn là có sự thắc mắc, và đến khi những thắc mắc này đủ lớn – nhất là khi nguồn hỗ trợ đến tài khoản cá nhân đứng ra làm từ thiện rất lớn – chắc chắn sẽ dẫn đến những hệ lụy khác. Thậm chí đến một ngưỡng nào đó, cơ quan chức năng sẽ phải thụ lý vụ việc.
Điều quan trọng là ở chỗ, khi lòng tin được trao đi nhưng không được thực hiện đúng như ý nghĩa được mong đợi, không chỉ là sự hoài nghi và thất vọng; không chỉ những người được ủy nhiệm việc trao gửi mất đi hình ảnh, chỗ đứng… mà người ta sẽ không còn tin vào lòng tốt và sự tử tế nữa, đồng thời ảnh hưởng đến những người/nhóm người cần giúp đỡ trong khó khăn, hoạn nạn. Đó là những mất mát lớn nhất.
Không thể phủ nhận vai trò của cá nhân, nhóm cá nhân đứng ra kêu gọi hỗ trợ giúp đỡ đồng bào đang gặp hoàn cảnh khó khăn, nhưng những gì đã có trong thời gian qua cho thấy, bên cạnh sự nhanh nhạy, kịp thời, công tác thiện nguyện này cần được bổ sung một khung pháp lý rõ ràng, chặt chẽ. Mục đích không có gì khác hơn là để quản lý, giám sát và từ đó, tự quản lý, giám sát hoạt động một cách hiệu quả hơn. Thông tin từ Báo Lao Động ngày 6/9 vừa qua cũng cho hay, Bộ Tài chính đang hoàn thiện hồ sơ xây dựng một nghị định mới liên quan đến vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện.
Đó cũng là một cái khung để người tổ chức và làm từ thiện làm tốt hơn nữa mục đích và cả trách nhiệm mà mình đứng ra nhận, gánh vác để trao đi.
NGUYỄN AN NHIÊN