ClockThứ Ba, 05/11/2019 09:55

Trận địa lòng dân

TTH - Các cuộc kháng chiến chống quân xâm lược của cha ông ta ngày trước giành được thắng lợi có sự đóng góp quan trọng của các cơ sở trong kháng chiến, mà nhiều người vẫn gọi là "trận địa lòng dân". Hiện nay, trên mọi lĩnh vực cũng luôn cần phát huy "trận địa lòng dân".

Từ những năm 1960, tôi được cán bộ nằm vùng giác ngộ, tham gia cơ sở ở địa phương và hoạt động trong phong trào học sinh, sinh viên. Đầu năm 1965, tôi thoát ly lên chiến khu và sau đó được bổ sung vào Đội trinh sát vũ trang, Ban An ninh huyện Hương Trà bám trụ ở cơ sở cho đến ngày giải phóng.

Thời gian ở Ban An ninh, tôi đã cùng đơn vị xây dựng hàng trăm cơ sở, tham gia chiến đấu hàng trăm trận, đào hàng chục hầm bí mật để ở, hoạt động. Nhiều gia đình cơ sở đã cho chúng tôi làm hầm bí mật, nuôi giấu, bảo vệ cho chúng tôi ăn, ở, nắm tình hình hoạt động của địch, làm liên lạc, giúp thu mua lương thực, thực phẩm. Nhờ vậy, đơn vị chúng tôi đã hoàn thành nhiệm vụ và bám trụ thường xuyên cho đến ngày giải phóng, không có khi nào mất liên lạc với cơ sở.

Những cơ sở chúng tôi xây dựng hoạt động trong nhiều lĩnh vực khác nhau, nhưng có một điều chung nhất là cơ sở nào cũng thể hiện sự trung thành với cách mạng, hoạt động rất hăng hái, nhiệt tình, hình thức hoạt động rất đa dạng, phong phú, dũng cảm, mưu trí và có tính sáng tạo cao. Trong số các cơ sở, chúng tôi thấy có 6 loại chính phục vụ ở các lĩnh vực.

Loại thứ nhất là cơ sở nuôi giấu, bảo vệ cán bộ nằm vùng (bám trụ sở), là những cơ sở cho chúng tôi làm hầm bí mật (trong nhà, ngoài vườn). Họ nuôi giấu chúng tôi ở lại để hoạt động. Tôi coi đây là sự hy sinh, đóng góp lớn cho cách mạng bởi nếu địch phát hiện trong gia đình có "Việt cộng" nằm vùng thì chúng sẽ bắt hết các thành viên trong gia đình để tra tấn, tù đày, xử bắn...

Loại cơ sở này chúng tôi xây dựng không nhiều nhưng rải khắp các xã, ở các vùng (trên, dưới Quốc lộ 1, vùng ven TP. Huế) để thuận lợi cho việc hoạt động. Có những gia đình ở phe Nhì, thôn Thanh Lương, phường Hương Xuân cho chúng tôi làm 2-3 hầm bí mật, không chỉ nuôi một thời gian ngắn mà chúng tôi nhiều đợt ở hàng tháng, liên tục từ năm 1968-1975.

Cũng ở Thanh Lương, Huyện ủy Hương Trà đã xây dựng được địa bàn “lõm”. Các đồng chí lãnh đạo của huyện Hương Trà, quận 1 TP. Huế đã từng ở đây nhiều đợt để chỉ đạo và nhiều cán bộ khác trong chiến dịch giải phóng năm 1975 đã chọn nơi đây để dừng chân và chỉ đạo giải phóng Hương Trà.

Loại cơ sở thứ hai là cơ sở phục vụ công tác quân sự, chuyên lo nắm tình hình hoạt động của địch ở những nơi đóng quân, ăn ở và đi lại, các cuộc hành quân, các điểm phục kích ngăn chặn quân ta. Họ đã báo cáo hoặc vẽ sơ đồ để cho chúng tôi có phương án tác chiến. Nhờ sự giúp đỡ của các cơ sở, đơn vị chúng tôi đã đánh hàng trăm trận, bắt và diệt hàng trăm tên địch, góp phần vào thành tích chung của huyện và Ban An ninh huyện Hương Trà. Nhà nước đã phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang cho hai đơn vị này trong kháng chiến chống Mỹ.

Loại cơ sở thứ ba là chuyên lo việc vận động, tổ chức quần chúng tham gia các cuộc đấu tranh chính trị, chống lại các chủ trương, âm mưu, thủ đoạn của địch để phối hợp với các chiến dịch tấn công bằng quân sự ở các chiến trường.

Loại cơ sở thứ tư chuyên lo việc mua lương thực, thực phẩm và các nhu yếu phẩm khác. Các cơ sở này được tổ chức rộng rãi và xã nào cũng có. Trong Chiến dịch Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1968, trên địa bàn Hương Trà đã chuẩn bị được hàng trăm tấn lương thực, hàng hóa phục vụ cho cả Mặt trận cánh Bắc Huế đủ ăn trong chiến dịch 1. Bên cạnh đó là loại cơ sở làm liên lạc, bảo đảm thông suốt hành lang từ cơ sở về hậu cứ.

Loại cơ sở cuối cùng là cơ sở nội tuyến, có tính chất chuyên môn nghiệp vụ và chỉ có Ban An ninh huyện mới được quyền tổ chức. Đây là tổ chức những người đang ở trong hàng ngũ địch - cả ngụy quyền và ngụy quân. Cơ sở này hoạt động đơn tuyến trực tiếp (từ người giao việc đến người thực hiện). Ở Hương Trà cơ sở này không nhiều, nhưng cũng đã tổ chức được nhiều người, đã cung cấp cho ta những tin tức có giá trị, vẽ sơ đồ các căn cứ địch để ta tấn công.

Các loại cơ sở trên được chúng tôi xem là “trận địa lòng dân”. Nhờ vậy, chúng tôi đã hoàn thành nhiệm vụ trong kháng chiến chống Mỹ từ 1965-1975.

Trong tình hình hiện nay, “trận địa lòng dân” vẫn phát huy tác dụng, không chỉ cho công tác quốc phòng - an ninh mà cả lĩnh vực phòng chống các biểu hiện gian lận thương mại, các tệ nạn và phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Do vậy, các tổ chức trong hệ thống chính trị, trong đó, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các hội đoàn cần tiên phong nắm bắt thông tin từ người dân để phát hiện, xử lý, đấu tranh với các vấn đề tiêu cực, tham nhũng. Chắc chắn, “trận địa lòng dân” sẽ phát huy như lời Bác Hồ đã nói: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”.

Hoàng Thế Đoàn

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tiếp nối truyền thống anh hùng

Chiều 18/12, TX. Hương Trà tổ chức gặp mặt nhân kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam, 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân. Tham dự có các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng LLVT Nhân dân, lão thành cách mạng, lãnh đạo, cán bộ, chiến sĩ qua các thời kỳ…

Tiếp nối truyền thống anh hùng
Return to top