ClockThứ Ba, 05/04/2022 17:53

Trần Huy Liệu với báo chí

TTH.VN - Trần Huy Liệu (5/11/1901-28/7/1969) là nhà báo, nhà văn, nhà thơ, nhà sử học, nhà hoạt động cách mạng, một chính khách từng giữ các cương vị lãnh đạo trong bộ máy chính quyền nước Việt Nam dân chủ cộng hòa khi còn non trẻ.

Thừa Thiên Huế Online  trích đăng một phần bài viết của nhà nghiên cứu Phạm Phú Phong về giáo sư, viện sĩ Trần Huy Liệu:

                                                                                           

Giáo sư, viện sĩ Trần Huy Liệu. Ảnh: Báo tàng lịch sử cách mạng Việt Nam 

Ngoài tên thật Trần Huy Liệu, ông còn có các bút danh: Đẩu Nam, Nam Kiều, Côi Vị, Kiếm Bút, Ẩm Hận, Hận Nhân, T.H.L... khi viết cho báo Nhành lúa (1937), ông ký tên là Hải Khách. Và, cùng với Nguyễn Xuân Lữ, Hải Triều, Hải Hà, Hải Thanh, Thu Vân, Lâm Mộng Quang, Nguyễn Chí Diểu, Trần Viết Châu, Sư Vân Đàm, Hàn Tố, Tứ Hải, ông là một trong những nhân vật trụ cột của báo Nhành lúa.

Ông sinh ngày 5/11/1901 tại làng Vân Cát, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định, trong một gia đình nghèo có truyền thống Nho học và yêu nước. Năm 1918, mới 17 tuổi ông đã làm nhiều bài thơ yêu nước và đã có một số bài báo đăng trên các tờ Nam Phong tạp chí, Thực nghiệp dân báo... Năm 1921, ông rời quê, cùng thầy giáo dạy học của mình là Bùi Trình Khiêm vào Sài Gòn lập nghiệp.

Sự khởi đầu của Trần Huy Liệu ở vùng đất mới bằng nhiều nghề để kiếm sống, trong đó có cả làm thơ, viết bài để đăng báo. Ông làm báo là nhằm thực thi lý tưởng xã hội của mình, tìm kiếm con đường đấu tranh cho dân, cho nước, nên những tờ báo mà ông cộng tác đều là những tờ báo yêu nước, tiến bộ, khẳng định tư tưởng khai hóa dân sinh, tự tôn dân tộc như Ngòi bút sắc, Rạng đông..., rồi nhanh chóng trưởng thành, làm chủ bút các báo Nông cổ mín đàm (1924),Đông Pháp thời báo (1925-1926), sáng lập báo Pháp Việt nhất gia (1927).

Ông cùng bạn bè, đồng nghiệp cùng chung chí hướng đứng ra thành lập Đảng Thanh niên nhưng chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn, vì thiếu một cương lĩnh chính trị phù hợp. Năm 1927, ông bị kết án 6 tháng tù giam, vì tờ Pháp Việt nhất giado ông sáng lập và làm chủ bút dám quyết liệt đấu tranh chống đường lối “Pháp Việt đề huề” của thực dân Pháp. Mãn hạn tù, 1928 ông thành lập Cường học thư xã (mô phỏng theo Cường học hội của Lương Khải Siêu), dịch và xuất bản hàng loạt trước tác của nhà canh tân Lương Khải Siêu và ấn hành các sách do Trần Huy Liệu và các đồng sự viết như Ngục trung ký sự, Một bầu tâm sự, Câu chuyện chung, Anh hùng khai quốc, Gương hy sinh,... Cũng trong năm này, ông gia nhập Việt Nam Quốc dân đảng, và nhanh chóng trở thành một yếu nhân của Việt Nam Quốc dân đảng tại Nam Kỳ.

Tháng 8 năm 1928, ông lại bị bắt, bị kết án 5 năm tù và bị đày ra Côn Đảo. Tại đây, ông cùng với các tù nhân chính trị cho ra tờ Hòn Cau (tên hòn đảo ông bị giam giữ) và đây là một trong những tờ báo đầu tiên khai mở dòng báo chí bí mật trong nhà tù đế quốc… Ra tù, đầu năm 1935, bị trục xuất về miền Bắc, ông hoạt động ở Hà Nội. Năm 1936, Trần Huy Liệu được kết nạp và Đảng Cộng sản Đông Dương, được phân công hoạt động công khai trong lĩnh vực báo chí, tham gia tổ chức và biên tập các báo Kiến văn, Đời mới, Bắc Hà, Tương lai, Tiếng vang...

Thời gian này, do thắng lợi của cao trào dân chủ ở Pháp, mà hoạt động báo chí ở các nước thuộc địa trở nên công khai, hợp pháp được đẩy mạnh hơn bao giờ hết, Trần Huy Liệu trở thành một trong những trụ cột, là linh hồn của hàng loạt các tờ báo Đảng nổi tiếng thời bấy giờ, như Lao động (Le Travail), Khỏe, Thời thế, Thời báo, Bạn dân, Hồn trẻ, Tiếng trẻ, Tân xã hội... trong đó có cả tờ Nhành lúa, cơ quan của Tỉnh ủy Thừa Thiên và Xứ ủy Trung kỳ.

Năm 1938, ông làm chủ bút báo Tin tức, cơ quan công khai của Đảng Cộng sản Đông Dương. Khi Tin tức bị đóng cửa, ông chuyển sang làm chủ bút báo Đời nay. Ông cùng một số đồng chí đề xướng phong trào Đông Dương đại hội. Nhận ra những nguy hiểm trong hoạt động của Trần Huy Liệu, tháng 10 năm 1939, Pháp bắt ông đày đi các nhà tù Sơn La, Bá Vân, Nghĩa Lộ, ông lại tiếp tục hoạt động báo chí trong tù, mỗi nhà lao ông thực hiện mỗi tờ báo khác nhau như Tiếng suối reo, Dòng sông Công, Đường nghĩa.

Hơn 20 năm trước cách mạng (1924-1945), ông tham gia và giữ nhiều vị trí khác nhau ở các báo: Nông cổ mín đàm (Sài Gòn 1924, chủ bút), Đông Pháp thời báo (Sài Gòn 1925-26, chủ bút), Pháp Việt nhất gia (Sài Gòn 1927, sáng lập, chủ bút), Hòn Cau (Côn Đảo 1931-34, chủ bút), Tiếng sóng bể (Côn Đảo 1931-34, chủ bút), Nhành lúa (Huế 1937, biên tập), Tin tức (Hà Nội 1938, thư ký tòa soạn), Đời nay (Hà Nội 1938-39, thư ký tòa soạn), Tiếng suối reo (Sơn La 1941-42, chủ nhiệm), Dòng sông Công (Thái Nguyên, 1943-44, chủ nhiệm), Đường nghĩa (Nghĩa Lộ, 1944-45, chủ nhiệm). Bên cạnh đó, ông còn tham gia biên tập hoặc cộng tác viết bài cho các báo Đời mới, Bắc Hà, Kiến văn, Tiếng vang, Thời thế, Hà thành hời báo, Bạn dân, Hồn trẻ...

Trần Huy Liệu đã có những đóng góp không nhỏ là báo chí, văn học và sử học, đều bắt nguồn từ tấm lòng yêu nước và truyền thống văn hóa của dân tộc. Ông không chỉ là một trí thức yêu nước, mà còn là một con người hành động, để thực hiện lý tưởng. Nung nấu một khát vọng cháy bỏng trong suốt cả cuộc đời ông là cứu dân, cứu nước thoát ra khỏi ách nô lệ, lầm than. Với những đóng góp xuất sắc về nhiều lĩnh vực, Trần Huy liệu được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt I, năm 1996.

 

 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Báo chí ở mặt trận Điện Biên Phủ

Chiến dịch Điện Biên Phủ là cuộc “hội quân” của cả nước. Trong cuộc “hội quân” lịch sử đó có sự tham gia và đóng góp không nhỏ của “đội quân báo chí”.

Báo chí ở mặt trận Điện Biên Phủ
Khám phá AI với nhiếp ảnh Nghệ thuật và Thương mại

Chiều 7/4, tại Khoa Báo chí – Truyền thông Trường đại học Khoa học đã diễn ra hội thảo “Nhiếp ảnh thương mại trong kỷ nguyên trí tuệ nhân tạo” do trường phối hợp Hội Nhiếp ảnh tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức và được tài trợ bởi công ty chuyên sản xuất về thiết bị chụp hình Yongnuo.

Khám phá AI với nhiếp ảnh Nghệ thuật và Thương mại
Tạo chuyển biến về tu dưỡng, rèn luyện, nâng cao đạo đức cách mạng

Ngày 1/4, Đảng ủy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh tổ chức sơ kết 3 năm thực hiện Kết luận số 01-KL/TW của Bộ Chính trị khoá XIII về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị khoá XII, 2 năm thực hiện Nghị quyết số 847-NQ/QUTW của Quân uỷ Trung ương về phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân trong tình hình mới (2021-2023).

Tạo chuyển biến về tu dưỡng, rèn luyện, nâng cao đạo đức cách mạng
Return to top