|
Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Nguyễn Thị Sửu |
Thưa bà, trong những điểm mới của các luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 6 và Kỳ họp bất thường lần thứ 5, bà quan tâm vấn đề nào nhất, vì sao?
Tôi cho rằng, các luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 6 và Kỳ họp bất thường lần thứ 5 đã quy định những nội dung rất quan trọng. Đó là những luật rất căn cơ, gắn bó mật thiết với người dân cùng với điều kiện, tiêu chí, sự phát triển của các địa phương.
Trong số các luật, theo tôi việc thông qua Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Các tổ chức tín dụng sẽ tháo gỡ những khó khăn trong thực tiễn hiện nay. Song hành với Luật Đất đai (sửa đổi) là Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản, các luật này mang tính bổ trợ lẫn nhau.
Ngoài ra, với 11 nghị quyết được thông qua tại các kỳ họp, đáng chú ý nhất là Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu Quốc gia. Kết quả của các kỳ họp đã cho thấy sự đồng hành, đồng bộ, đồng chí, đồng tâm của Quốc hội, đại biểu Quốc hội và Chính phủ để tạo nên những kết quả mà tôi cho rằng là kỳ tích.
Vừa qua, công tác triển khai các luật, nghị quyết đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội quán triệt. Vậy, theo bà quá trình triển khai ở cơ sở cần chú trọng vào những vấn đề gì?
Sau khi luật, nghị quyết được Quốc hội ban hành, các địa phương theo thẩm quyền cần nhanh chóng lãnh, chỉ đạo, ban hành các nghị quyết, kế hoạch, chương trình hành động một cách phù hợp, để thúc đẩy nhanh, tạo ra giá trị cao cho đời sống của người dân.
Đối với Thừa Thiên Huế, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh, Đoàn ĐBQH tỉnh đã rất nỗ lực, kịp thời lãnh chỉ đạo các sở, ngành, địa phương triển khai kịp thời các luật, nghị quyết. Quá trình triển khai rất đồng bộ, xác định được các nội dung cấp bách và lâu dài, phù hợp với thực tế của địa phương.
Bà đánh giá như thế nào về sự tác động trực tiếp đến quá trình phát triển của Thừa Thiên Huế khi các luật, nghị quyết được triển khai trong thực tế?
|
Để các luật, nghị quyết đi vào cuộc sống, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã phối hợp với Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các cơ quan liên quan tổ chức hội nghị toàn quốc lần thứ hai triển khai luật, nghị quyết của Kỳ họp thứ 6 và Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV, nhằm giải quyết kịp thời một số bất cập, hạn chế trong thực tiễn. Đây là những nội dung có ý nghĩa rất quan trọng không chỉ đối với việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của năm 2024 mà còn có ý nghĩa căn cơ, chiến lược, lâu dài, góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước trong giai đoạn mới. Vừa qua, HĐND tỉnh cũng tổ chức quán triệt những điểm mới, nội dung trọng tâm, yêu cầu và nhiệm vụ chủ yếu triển khai luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 6 và Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV. |
Thừa Thiên Huế là địa phương có nhiều tiềm năng, thế mạnh; vùng đất đặc trưng bán sơn địa, có sự phân hóa, và là nơi sinh sống của nhiều đồng bào dân tộc thiểu số; đô thị Huế cũng có sự phát triển không ngừng nghỉ... Do vậy, khi các luật, nghị quyết được ban hành, tỉnh cần nắm lấy thời cơ, những thuận lợi để cụ thể hóa vào thực tiễn.
Các luật, nghị quyết sẽ có hiệu lực trong thời gian tới và việc áp dụng vào thực tiễn phải đồng bộ. Để triển khai có hiệu quả cần ban hành các chương trình, kế hoạch liên quan cụ thể. Đặc biệt, các cấp ủy, chính quyền địa phương cần làm tốt công tác kiểm tra, giám sát nhằm tạo ra động lực, nâng cao tinh thần trách nhiệm của mỗi cán bộ, công chức, viên chức.
Tôi đánh giá cao về sự chuyển dịch không hề nhỏ, tác động đến sự phát triển của các địa phương, trong đó có Thừa Thiên Huế từ việc ban hành các chính sách pháp luật nằm trong các luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 6 và Kỳ họp bất thường lần thứ 5.
Thừa Thiên Huế đang phấn đấu xây dựng tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, và đang trong quá trình hoàn thiện các đề án rất quan trọng nhằm hướng đến mục tiêu này. Tôi mong muốn, tỉnh nâng cao hơn nữa vai trò, chức năng nhiệm vụ của cán bộ, công chức, viên chức. Đặc biệt, người đứng đầu cần phát huy vai trò trong lãnh chỉ đạo để thực tiễn hóa nhanh, kịp thời nhưng chất lượng các nội dung nằm trong chính sách pháp luật, phù hợp với thực tiễn của Thừa Thiên Huế. Tất cả chúng ta đang chờ đợi, mong muốn các luật, nghị quyết này sớm đi vào cuộc sống, sớm được người dân đón nhận và hưởng lợi một cách chính đáng.
Sau khi Quốc hội thông qua các luật thì các văn bản dưới luật cần được cụ thể hóa như thế nào để đúng tinh thần, sát với thực tiễn, đáp ứng được yêu cầu, công tác quản lý, thưa bà?
Các văn bản dưới luật cần được cụ thể hóa từ các bộ, ngành Trung ương. Dù một số nghị định, quy định thuộc thẩm quyền của Chính phủ, song cũng xuất phát từ sự tham mưu, đồng hành của các bộ, ngành. Đối với địa phương, trong thẩm quyền cũng cần ban hành các văn bản, chính sách pháp luật dành cho cộng đồng, người dân, phù hợp với thực tiễn, có sự cân đo, đong đếm về nguồn lực khi triển khai.
Tóm lại, ban hành các văn bản dưới luật đóng vai trò quan trọng, nếu sát, toàn diện sẽ hạn chế được tình trạng “chờ đợi nhau”.
Xin cảm ơn bà!