ClockThứ Bảy, 09/11/2019 13:00

“Túi rác” ngày ấy bây giờ

TTH - Đến nay, người dân vùng trũng Phú Vang chưa quên cảnh tượng xác súc vật, rơm rạ và bao nhiêu vật dụng bị biến thành rác trôi về, mắc kẹt...sau trận lũ lịch sử năm 1999.

Ma Nê hồi sinh sau lũThôn định cư Thủy Diện không rác

Âu thuyền thôn Thủy Diện (Phú Xuân) là nơi hứng nhiều loại rác đổ về trong trận lũ năm 1999

Trải dài 13km dọc đầm Sam- Chuồn thuộc hệ đầm phá Tam Giang, xã Phú Xuân (Phú Vang) được ví như túi rác trong trận lũ lịch sử năm 1999.

 Lục lại trí nhớ, ông Lê Văn Trai, lúc đó là Xã đội phó xã Phú Xuân chứng kiến cảnh xác súc vật như lợn, trâu, bò, gà, vịt từ các nơi trôi về nhiều vô kể. Xuân Ổ, Quảng Xuyên, Ba Lăng... là những thôn hứng nhiều loại rác nặng nề nhất.

 Lúc đó, chính quyền địa phương huy động tất cả các lực lượng, người dân đợi nước rút đến đâu thu dọn, xử lý rác thải, phun xịt khử trùng đến đó. Phải mất hơn 15 ngày sau, những bãi chiến trường rác ứ lại trong dân mới cơ bản được dẹp sạch.

 Lê Bình và Thủy Diện là 2 thôn xung yếu nhất của xã Phú Xuân lúc đó cũng gánh chịu nhiều thiệt hại nặng. Sau cơn bão năm 1985, một số lên bờ, nhưng nhiều hộ ở hai thôn này vẫn bám trụ trên đò.

 Ông Trần Lạnh, Trưởng ban Mặt trận khu dân cư thôn Thủy Diện kể lại, lụt năm 1999, gia đình ông đã lên định cư ổn định trên bờ, nhưng nước lũ không chừa một nhà nào. Xác gia súc, gia cầm vây quanh; sáo, say, nò (dụng cụ đánh bắt thủy sản) bị đánh bật trôi vào rất nhiều. May là hồi đó ít rác sinh hoạt hơn sau này, nên ngoài số lượng lớn được cuốn ra phá, còn lại người dân lượm nhặt, tận dụng lại hoặc chôn, đốt.

 Ông Đỗ Công Khiêm, Chủ tịch UBND xã Phú Xuân chia sẻ, khoảng 5 năm trở lại đây, chính quyền và người dân chú trọng đến công tác thu gom rác thải, vệ sinh môi trường nên nhiều thôn đã trở thành điểm sáng.

 Đơn cử như thôn Thủy Diện tập trung các hộ tái định cư dân thủy diện trong nhiều năm qua luôn chủ động và làm tốt công tác vệ sinh, sạch nhà đẹp ngõ. Nhờ đó, những trận lụt sau này dù rác các nơi tấp về nhiều nhưng đã kịp thời thu gom, nhất là dọc các âu thuyền, đường thủy nội địa.

 Năm 2019, xã đã hợp đồng trọn gói với Công ty TNHH Hằng Trung để đảm nhận thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải trên địa bàn toàn xã, góp phần giảm thiểu rất lớn tình trạng rác tồn cư, lưu cữu trong dân.

 Đối mặt với lũ dữ năm 1999, xã Phú An (Phú Vang) cũng được xem là túi rác từ các nơi đổ về.

 Chị Nguyễn Thị Thảo, thôn Triều Thủy, xã Phú An rùng mình khi kể lại trận lũ năm 1999. Không chỉ suýt cướp đi 6 sinh mạng của gia đình, lũ đã cuốn đi của cải sau nhiều năm vợ chồng chị tích cóp được. Từ vật dụng đến vật nuôi trong nhà không trở thành rác thì cũng bị thác lũ cuốn trôi.

 “Khiếp sợ nhất là xác heo, gà, trâu, bò từ các nơi xuôi về. Một số thẳng theo dòng nước xiết trôi ra phá, ra biển, nhưng gặp những đoạn có chướng ngại như bụi tre, bụi hóp, công trình bê tông cao hơn mực nước lũ là xác các con vật, rơm rạ mắc ứ lại, bốc mùi hôi thối không chịu nổi”, chị Thảo kể.

 Đầu tư phòng bị, vệ sinh đảm bảo

Từ “trắng” tỷ lệ rác được thu gom, xử lý hợp vệ sinh từ trước những năm 2000, đến năm 2016, trên toàn huyện Phú Vang, tỷ lệ này tăng lên 65% và đến nay đạt gần 80% tổng lượng rác thải phát sinh.

Dù mấy năm trở lại đây ít xuất hiện lũ lớn như năm 1999, nhưng những trận lũ vào những năm 2006, 2007, 2010... cũng gây ra tình trạng rác thải ùn ứ do các nơi phía thượng nguồn trôi về. Sau lũ, nhiều địa phương của huyện Phú Vang ngoài khắc phục thiệt hại về người, về của còn gánh thêm việc khắc phục vệ sinh môi trường, tiêu độc khử trùng.

 Ông Lại Phước Khương, Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Phú Vang cho biết, để giảm tải lượng rác ứ đọng, tồn cư, huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn thực hiện tốt đề án thu gom rác thải sinh hoạt và đầu tư xây dựng, cải tạo, trang bị nhiều công trình, cơ sở vật chất và huy động đơn vị dịch vụ trên địa bàn tham gia thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải đảm bảo vệ sinh môi trường hằng ngày cũng như ứng phó khắc phục sau mưa, lũ.

 Đến nay, 100% các xã, thị trấn của huyện Phú Vang đã thực hiện thu gom, vận chuyển xử lý rác thải sinh hoạt, thu phí vệ sinh môi trường thường xuyên.

 Công ty TNHH Hằng Trung, đơn vị chuyên trách thu gom, vận chuyển rác sinh hoạt trên địa bàn huyện hiện đã đầu tư 5 xe chuyên dụng, 2 xe xúc lực và một số trang thiết bị khác như xuồng, xe đẩy tay để đảm nhận tốt dịch vụ tại 19/20 xã, thị trấn. Trung bình mỗi tháng, công ty vận chuyển hơn 500 lượt xe với khối lượng khoảng 2.500 tấn rác lên bãi xử lý rác tập trung ở Thủy Phương (TX. Hương Thủy).

 Cùng với tốc độ phát triển, mật độ dân số tăng và “dư âm” của nhiều đợt lũ lớn, nhỏ, nhiều nơi ven đầm phá, ven biển của Phú Vang đã trở thành những bãi rác gây ô nhiễm nghiêm trọng. Tuy nhiên, từ hơn 3 năm nay, nhiều địa phương đã xử lý dứt điểm tình trạng này, trong đó điển hình như các bãi rác, bãi trung chuyển ở thôn An Truyền (Phú An), Phú Tân (Thuận An), Diên Đại (Phú Xuân), Dưỡng Mong, Thanh Lam (Phú Mỹ), Hoà Duân (Phú Thuận), Vinh Thanh... đã được khắc phục, hạn chế tình trạng rác ứ đọng, trôi nổi vào khu dân cư khi mưa, lũ về.

Bài, ảnh: HOÀI THƯƠNG

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Trao quà trị giá gần 127 triệu đồng cho người dân có hoàn cảnh khó khăn

Ngày 22/11, tại thị trấn Phú Đa (Phú Vang), Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Việt Nam cùng Hội Bảo trợ Bệnh nhân nghèo- Người tàn tật vàTrẻ mồ côi tỉnh Lâm Đồng phối hợp Hội Người khuyết tật- Bảo trợ người khuyết tật & trẻ mồ côi Thừa Thiên Huế tổ chức chương trình trao quà hỗ trợ cho người dân có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh bị thiệt hại do cơn bão số 6,với tổng trị giá gần 127 triệu đồng.

Trao quà trị giá gần 127 triệu đồng cho người dân có hoàn cảnh khó khăn

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top