ClockThứ Sáu, 19/05/2017 08:33

Ứng phó BĐKH, cần chuyên gia phản biện chính sách, người dân nâng cao nhận thức

TTH.VN - Ngày 18/5, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về biến đổi khí hậu chủ trì cuộc họp lần thứ 8 của Ủy ban. Cùng dự có Phó Thủ tướng Trịnh Định Dũng, Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban, các thành viên Ủy ban, các chuyên gia.

Thủ tướng nêu rõ, nếu người dân không nhận thức được vấn đề ứng phó với BĐKH thì “chúng ta đổ tiền, đổ của vào cũng không đạt kết quả”

Tại cuộc họp, các ý kiến đều nhìn nhận thời gian qua, biến đổi khí hậu (BĐKH) tác động nhanh, mạnh hơn đến nước ta, biểu hiện rõ rệt nhất là thời tiết cực đoan, thiên tai diễn ra liên tiếp, ngày càng nặng nề. Các ý kiến đều cho rằng, nguyên nhân chính là do con người với các hành vi như phát thải khí nhà kính, phá rừng, khai thác nguồn nước ngầm quá mức, khai thác cát sỏi trên sông…

Nhất trí với các ý kiến tại cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, Việt Nam là một trong những nước đầu tiên bị ảnh hưởng lớn, trực tiếp và nặng nề của BĐKH. Cần đưa giải pháp thiết thực hơn để ứng phó BĐKH, nhất là đối với ĐBSCL. “Sạt lở nghiêm trọng là do nguyên nhân gì, độ lún, ngập của các đô thị ĐBSCL diễn ra làm sao, giải pháp nào. BĐKH đang đến rất nhanh, cần có giải pháp tốt hơn, quyết liệt hơn”, Thủ tướng nói.

Nhấn mạnh việc tăng cường vai trò của hội đồng tư vấn của Ủy ban, với sự tham gia của các chuyên gia giỏi, mạnh bạo trong phản biện chính sách, Thủ tướng yêu cầu mọi cấp, mọi ngành, hệ thống chính trị, người dân phải hiểu rõ hơn tác động của BĐKH và biện pháp ứng phó. Nếu người dân mà không nhận thức được thì “chúng ta đổ tiền, đổ của vào cũng không đạt kết quả”, nếu tiếp tục xây đô thị bằng đê bao, lúc cao, lúc thấp, “anh sau làm cao hơn anh trước, không có quy hoạch thì không bao giờ thành công”.

Thủ tướng nhấn mạnh cần có một quy hoạch hay kế hoạch tổng thể của Ủy ban Quốc gia để hình dung các loại công việc, trước hết là xử lý được một số vấn đề cấp bách như khai thác cát trái phép, khai thác nước ngầm.

Giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành, các thành viên của Ủy ban, Thủ tướng đề nghị nghiên cứu, rà soát, điều chỉnh quy hoạch tổng thể, trước hết ở vùng ĐBSCL và ven biển miền Trung, một số quy hoạch quan trọng bức thiết, tránh tình trạng “nóng đâu phủi đó”, chỉ nhìn trước mắt, không nhìn lâu dài.

Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính phân bổ nguồn lực hiệu quả nhất, kịp thời nhất, tránh mất vốn, thủ tục phải nhanh chóng, thuận lợi, công khai minh bạch.

Yêu cầu tính cả biện pháp “phi công trình”, Thủ tướng cho biết, nhờ trồng rừng ngập mặn mà hiện nay Thái Bình có nơi nuôi ngao lớn nhất Việt Nam. Thủ tướng đề nghị đẩy mạnh hợp tác quốc tế, trong đó điều quan trọng là huy động nguồn lực cho ứng phó BĐKH.

Trong những tháng còn lại của năm 2017, các bộ, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch cụ thể triển khai các nhiệm vụ được giao trong Kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris về BĐKH và đến 31/10, báo cáo tình hình thực hiện cho Văn phòng Ủy ban Quốc gia về BĐKH và Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường theo dõi chặt chẽ, cập nhật, dự báo, đánh giá kịp thời về tình hình nguồn nước, xâm nhập mặn mùa khô năm 2016-2017 tại ĐBSCL cũng như tình hình mưa lũ thời gian tới để có phương án chủ động hướng dẫn, chỉ đạo các địa phương ứng phó, hạn chế thiệt hại.

Các tỉnh, thành phố trong khu vực ĐBSCL, ven biển miền Trung tiếp tục nghiên cứu, cập nhật những vấn đề liên quan đến BĐKH và các thách thức đối với địa phương để đưa vào kế hoạch, chương trình phát triển kinh tế-xã hội, khuyến khích chủ động liên kết tiểu vùng, liên kết vùng.

Các Bộ: Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Giao thông vận tải, Xây dựng, Khoa học và Công nghệ, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính theo chức năng, nhiệm vụ, lĩnh vực quản lý được giao, tiếp tục rà soát, đề xuất hoàn thiện và triển khai thực hiện hiệu quả quy định pháp luật, cơ chế chính sách về ứng phó với BĐKH; theo dõi sát, nắm bắt diễn biến, tình hình BĐKH, thiên tai, hạn hán, xâm nhập mặn... để đề xuất các cơ chế chính sách, đối sách phù hợp.

Bộ Công Thương tiếp tục rà soát các chính sách về năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, thực thi chính sách về sử dụng năng lượng hiệu quả, phát triển các dạng năng lượng mới.

Bộ Giao thông vận tải thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia về giảm phát thải khí nhà kính trong hoạt động hàng không dân dụng, tiếp tục phối hợp với các nhà tài trợ thúc đẩy các hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính trong giao thông vận tải.

Bộ Xây dựng tiếp tục triển khai các dự án về hạ tầng kỹ thuật về phát triển đô thị theo hướng tăng trưởng xanh, chống chịu BĐKH, ví dụ như đô thị sinh thái.

Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức triển khai thực hiện chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia theo định hướng, mục tiêu đã được phê duyệt, đặc biệt là tập trung vào những vấn đề cấp thiết theo đề xuất của bộ, ngành, địa phương.

Bộ Ngoại giao trao đổi với các nước thượng nguồn sông Mekong và thượng nguồn các sông lớn chảy vào Việt Nam để có cơ chế trao đổi thông tin thủy văn về mùa lũ và mùa kiệt để chủ động ứng phó, quản lý.

Theo VPCP

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Chuyển giao các kỹ thuật mới cho Trung tâm y tế Phú Lộc

Chiều 21/12, ThS.BS Lê Viết Cường, Giám đốc Trung tâm Y tế (TTYT) Phú Lộc thông tin, ca bệnh được các chuyên gia Bệnh viện Trường ĐH Y - Dược (BVTĐHYD), ĐH Huế, cắt Amydale gây mê hiện sức khỏe ổn định, tiên lượng sẽ xuất viện vào ngày 24/12 tới.

Chuyển giao các kỹ thuật mới cho Trung tâm y tế Phú Lộc
Nâng cao chất lượng dân số vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Việc nâng cao chất lượng dân số, đặc biệt ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), là một nhiệm vụ chiến lược để phát triển bền vững. Huyện Nam Đông và A Lưới, nơi tập trung đông đồng bào DTTS của Thừa Thiên Huế, đã đạt được nhiều kết quả tích cực nhờ các chương trình, chính sách hướng tới cải thiện sức khỏe và nâng cao nhận thức cộng đồng.

Nâng cao chất lượng dân số vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Tầm quan trọng của mạng lưới chăm sóc sức khỏe tim mạch đa tuyến

Ngày 14/12, Đại hội Tim mạch học toàn quốc lần thứ 19 chính thức khai mạc, thu hút 2.200 đại biểu và hội viên trong, ngoài nước. Với chủ đề “Tim mạch học trong kỷ nguyên mới: Con đường bước ra thế giới", đại hội diễn ra với nhiều hoạt động đến ngày 15/12.

Tầm quan trọng của mạng lưới chăm sóc sức khỏe tim mạch đa tuyến
Return to top