Không phải bây giờ vấn nạn tham nhũng mới được Đảng ta đặt ra. Ngay từ những ngày cách mạng còn non trẻ, tham nhũng đã bị xem là nhân tố nguy hại, là khối ung nhọt nhất thiết cần loại trừ khỏi cơ thể chế độ. Vụ án Trần Dụ Châu cho thấy Bác Hồ và Đảng ta đã kiên quyết với tệ nạn này như thế nào.
Sau ngày đất nước hòa bình thống nhất, kinh tế ngày mỗi tăng trưởng, của cải trong xã hội ngày càng nhiều thì tham nhũng lại càng dễ có đất nảy nở, hoành hành. Nếu thiếu tu dưỡng thì cán bộ càng có chức vụ, quyền hạn càng dễ tham nhũng; quyền lực càng lớn, tham nhũng càng lớn. Đó là một trong 4 nguy cơ đối với sự tồn vong của Đảng, của chế độ. Điều này đã được Đảng nhận diện từ Hội nghị toàn quốc giữa nhiệm kỳ (Khóa VII), tháng 1/1994; và cho đến bây giờ, nó vẫn luôn là nguy cơ thường trực, cần phải cảnh giác.
Rất nhiều vụ án đã được khởi tố, xét xử; rất nhiều cán bộ có chức, có quyền, từ tướng tá, thậm chí cho đến Ủy viên Trung ương, Ủy viên Bộ Chính trị đã bị kỷ luật, bị ra vành móng ngựa, vào nhà giam bóc lịch để trả giá cho những "lỗi lầm" đã gây ra. "Lò đã nóng lên rồi thì củi tươi cũng phải cháy"- Người đứng đầu Trung ương Đảng ta, đứng đầu Nhà nước ta đã tuyên bố như vậy cho thấy quyết tâm chính trị rất lớn của Đảng và Nhà nước ta trong cuộc chiến "không tiếng súng" nhưng mang tính sống còn này. Rồi đây, sẽ tiếp tục có nhiều "thanh củi" nữa xếp hàng để tiếp tục được "vào lò". Và đó là điều nhất thiết phải làm, vì kỷ cương phép nước, vì sự tiến bộ công bằng xã hội, và để lấy lại niềm tin của toàn dân đối với chế độ.
Luật Phòng chống tham nhũng (Sửa đổi) cũng vừa được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 6 vừa rồi. Tại các cuộc tiếp xúc cử tri sau kỳ họp, cử tri nức lòng khi thấy những người lãnh đạo cao nhất của Đảng, Chính phủ đề cập đến câu chuyện "tham nhũng vặt". Như vậy là "tham nhũng vặt" đã được đưa vào tầm ngắm. Đó là quyết sách đúng và không còn sớm nữa. "Vặt" đó chỉ là một cách nói, có thể do giá trị vật chất của các vụ tham nhũng này không quá lớn. Song xét về tính chất thì hệ lụy của loại tham nhũng này gây ra phải nói là khôn lường, bởi nó có tầm "phổ quát" rất rộng, nó len lỏi khắp hang cùng ngõ hẻm, khắp mọi vùng miền của đời sống xã hội,... Đó là nạn "mãi lộ" của cảnh sát trên đường; là xin việc, xin làm thẻ đỏ thẻ hồng; xin xây dựng, xin học cho con; thậm chí cả khi thủ trưởng ký rồi, chờ văn thư "họp ra" để xin cái dấu có khi cũng phải "bôi trơn" nếu không còn ở lại phố thị chịu phí ăn nghỉ giá cao dài dài.... Những thứ đó nó làm cho người dân mệt mỏi, ngán ngao và nhìn chế độ với một con mắt chẳng mấy thiện cảm. Cho nên, "vặt" nhưng rất nguy hại. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ví von một cách mộc mạc nhưng cảm nhận rất dễ và rất cụ thể, rằng "nó như ghẻ ruồi". Ghẻ ruồi có thể chưa làm chết người ngay, nhưng gớm giếc và ngứa ngáy rất khó chịu. Không loại khỏi cơ thể thì sẽ không làm gì được. Phải quan tâm gột bỏ tham nhũng vặt là vì thế. Tại Thừa Thiên Huế, Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu trong một phiên họp của Tỉnh ủy đã bày tỏ ý định tiến hành một số cuộc thanh tra công vụ đột xuất. Ngoài việc kiểm tra xem cán bộ công chức có toàn tâm toàn ý với công việc, có thực hiện nghiêm túc cải cách thủ tục hành chính, có lẽ người đứng đầu tỉnh cũng muốn hướng đến cả việc kiểm tra xem cán bộ, công chức chúng ta có “lăn tăn”, có nhũng nhiễu với dân chúng, với doanh nghiệp?...
Cuộc chiến chống tham nhũng đang đến hồi cao trào, “ai nhụt chí hãy đứng sang một bên”, thông điệp đó được Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khẳng định không chỉ một lần thể hiện quyết tâm chính trị rất lớn của toàn Đảng và của cả hệ thống chính trị. Quyết tâm đó làm nức lòng Nhân dân cả nước. Những đại án tham nhũng - những khối ung nhọt lớn, và nạn “quấy rầy nhũng nhiễu”, “lót tay”, “bôi trơn”... - đám ghẻ ruồi đáng ghét phen này hy vọng sẽ cùng được bóc tách, gột rửa sạch sẽ. Để Việt Nam có một cơ thể khỏe mạnh, thơm tho. Một Việt Nam cường tráng, tự tin bước vào thời kỳ hội nhập và phát triển.
HIỀN AN