Hai chặng dừng chân lịch sử này đã được nhiều sách báo và công trình nghiên cứu của các nhà nghiên cứu sử học Pháp và Việt Nam nhắc đến.
|
Ông Hubert Dejean de la Bâtie, Thị trưởng thành phố Sainte-Adresse phát biểu tại buổi lễ đón đoàn Việt Nam tới thăm thành phố |
Trong cuốn sách giới thiệu lịch sử thành phố Sainte-Adresse, do Nhà xuất bản Maury của Pháp ấn hành năm 1997, thông tin về tiểu sử và thời gian sống của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại đây được trang trọng trích dẫn trong phần "Những nhân vật nổi tiếng đã từng đến Sainte-Adresse." Chủ tịch Hồ Chí Minh được xếp là chính khách thứ hai ngay sau Tổng thống Pháp Charles de Gaulle.
Le Havre là một hải cảng lớn nằm ở Đông-Bắc nước Pháp, còn Sainte-Adresse vào đầu thế kỷ 20 mới chỉ là thị trấn nhỏ, nằm ở ngoại ô thành phố Le Havre.
Sainte-Adresse là nơi Bác đã lưu lại một tháng và được một gia đình giàu có người Pháp thuê làm vườn. Còn Le Havre là nơi Bác quay trở về sau các chuyến đi dài qua nhiều nước tư bản cũng như thuộc địa.
Dựa vào thông tin trên sách báo, đồng thời đồng thời căn cứ vào nghiên cứu của các nhà sử học, chính quyền thành phố Sainte-Adresse đã xác định được ngôi nhà và khu vườn nơi Bác đã sống những ngày đầu khi mới đến Pháp cách đây hơn 100 năm.
Tiếp đoàn công tác của Việt Nam tại trụ sở tòa thị chính, ông Hubert Dejean de la Bâtie, Thị trưởng thành phố Sainte-Adresse, cho biết Sainte-Adresse rất coi trọng quá khứ và vô cùng vinh hạnh khi có một trang sử cho thấy mối liên hệ với Việt Nam.
Sự có mặt của Đại sứ Việt Nam tại Pháp Nguyễn Ngọc Sơn tại đây đã chính thức mở ra một trang mới cho tình hữu nghị giữa Sainte-Adresse và Việt Nam.
Theo ông, các công trình nghiên cứu của các nhà sử học đều đưa đến kết luận là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến Sainte-Adresse và làm công trong một gia đình tư sản ở đây và trong các năm 1911 và 1912, Người đã đi lại giữa Le Havre và Sainte-Adresse.
Ông cũng hy vọng rằng trong thời gian tới sẽ tiếp tục có những công trình nghiên cứu về những năm tháng hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Pháp.
Đáp lại sự đón tiếp nồng hậu của chính quyền thành phố Sainte-Adresse, Đại sứ Nguyễn Ngọc Sơn đã bày tỏ sự xúc động và niềm vinh dư khi được có mặt tại một trong những địa danh lịch sử, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ kính yêu của nhân dân Việt Nam đã đi qua.
Đại sứ đã nhắc lại chặng đường gian truân, vất vả tìm đường cứu nước của Bác bắt đầu bằng công việc phụ bếp nặng nhọc trên con tàu mang tên Đô đốc Latouche Tréville.
Các thành phố Marseille, Le Havre và Sainte-Adresse là những vùng đất đầu tiên Bác đã đặt chân sau khi đến Pháp. Tuy nhiên, Người chỉ dừng lại những nơi này trong một thời gian ngắn vì còn theo đuổi khát vọng đi tìm con đường giải phóng dân tộc.
Công việc làm thuê cho hãng tàu biển đã đưa Bác đến nhiều nước trên thế giới, các nước tư bản cũng như các nước thuộc địa, đi qua các thành phố lớn như London, Boston, New York, Paris…, tận mắt chứng kiến cảnh cùng cực của các dân tộc thuộc địa cũng như cuộc sống xa hoa của giai cấp tư sản.
Ngôi nhà và khu vườn nơi Bác Hồ từng làm công cho một gia đình tư sản người Pháp năm 1911
Sau các phát biểu chính thức, đích thân Thị trưởng thành phố Sainte-Adresse, ông Hubert Dejean de la Bâtie đã đưa đoàn cán bộ Đại sứ quán đến địa điểm ngôi nhà nơi Bác làm vườn cách đây hơn 100 năm.
Các thành viên trong đoàn rất xúc động khi có mặt tại nơi từng in dấu chân Bác. Thời gian đã làm thay đổi cảnh vật. Khu vườn xưa nằm ở trung tâm thành phố vẫn còn, nhưng nó đã bị thu hẹp lại rất nhiều nhường chỗ cho những tòa nhà cao tầng mới xây. Mặc dù vậy, du khách vẫn dễ dàng nhận ra khu vườn xinh đẹp với thảm cỏ xanh mướt trải rộng.
Rời Sainte-Adresse, đoàn công tác đã đến với thành phố cảng Le Havre. Dễ dàng để nhận ra đây là hải cảng lớn với những con tầu chở nặng tấp nập vào ra. Trên quãng đường 3km từ Sainte-Adresse đến Le Havre là những bãi dài các container hàng hóa được xếp ngay ngắn, thẳng hàng.
Đại diện cho Tòa thị chính thành phố Le Havre, bà Ourdia Chabi, Phó Thị trưởng thành phố đã có mặt tại số 1 phố Đô đốc Courbet, nơi Bác Hồ quay về sau các chuyến vượt đại dương.
Đại sứ Nguyễn Ngọc Sơn đã cùng bà Ourdia Chabi đã đặt hoa tưởng niệm Bác.
Bà Ourdia Chabi bày tỏ niềm vinh dự khi được thay mặt lãnh đạo thành phố Le Havre, có mặt tại nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng sống và đặt hoa tưởng niệm vị lãnh tụ của nhân dân Việt Nam.
"Thật bất ngờ khi được biết Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng sống ở đây. Đây được coi như sợi dây kết nối Việt Nam với Pháp nói chung và với thành phố Le Havre nói riêng. Thông qua việc đặt hoa, tôi muốn bày tỏ sự ngưỡng mộ tới vị anh hùng dân tộc của nhân dân Việt Nam," bà nói.
Kết thúc chuyến đi, Đại sứ Nguyễn Ngọc Sơn cho biết rất xúc động trước sự đón tiếp trọng thị của chính quyền hai thành phố Sainte-Adresse và Le Havre.
"Chính tại nơi này, cá nhân tôi cảm nhận được những tình cảm quý mến, nồng hậu của những người bạn Pháp đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh nói riêng và đất nước Việt Nam nói chung. Khi nhắc đến Chủ tịch Hồ Chí Minh, các bạn Pháp đều bày tỏ sự kính trọng, sự ngưỡng mộ và sự tự hào vì Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng sống và làm việc tại đây."
Đại sứ cũng cho biết sắp tới Đại sứ quán sẽ tổ chức các chuyến đi đến những nơi Bác Hồ từng sống và làm việc, không chỉ cho cán bộ, nhân viên Đại sứ quán và các cơ quan đại diện Việt Nam tại Pháp mà còn cho kiều bào và các thanh niên, sinh viên Việt Nam đang học tập tại Pháp.
Đây sẽ là những "địa chỉ đỏ" trên đất Pháp để gợi lại cho thế hệ trẻ quá trình ra đi tìm đường cứu nước của Bác, đồng thời cũng nhắc lại truyền thống vẻ vang của các thế hệ cha anh đi trước để lớp trẻ noi theo.
Với các thành viên trong đoàn, chuyến đi ngược dòng thời gian về nơi ghi dấu những năm tháng hoạt động của Bác trên đất Pháp giống như chuyến đi về nguồn, để hiểu thêm về những gian nan, vất vả Bác đã trải qua cũng như ý chí sắt son và quyết tâm cháy bỏng là giành độc lập tự do cho đất nước, cho dân tộc trong Bác.
Chuyến đi đã mang lại nhiều cung bậc cảm xúc và những ấn tượng đặc biệt, góp phần nâng cao hơn nữa nhận thức, tinh thần trách nhiệm trong mỗi người, sự đoàn kết gắn bó, tạo động lực để tiếp tục phấn đấu, đóng góp vào sự nghiệp xây dựng đất nước./.