ClockThứ Sáu, 28/06/2024 16:38

Vì sự bình an cho cộng đồng

TTH - Mùa Euro đến, giới tín đồ túc cầu ai cũng háo hức ngóng chờ để được thưởng thức, đắm chìm trong những trận bóng đỉnh cao. Rồi suốt nhiều tuần liền, cả trước và sau khi bóng lăn, bên các bàn trà, cà phê, quán nhậu, đâu đâu cũng nghe bàn tán, phẩm bình, dự báo rộn ràng náo nhiệt.

Mùa Euro “rộ” cá độ

 Tạo điều kiện cho các ngân hàng thương mại phát triển, kiên quyết loại trừ tín dụng đen sẽ góp phần tích cực đảm bảo TTATXH

Nhưng cũng trong thời điểm ấy, có những ông bố, bà mẹ, người vợ, người chồng cứ nhấp nhổm đứng ngồi không yên. Họ mong cho bóng lăn nhanh, cho ngày bế mạc chóng tới để được thoát cơn ác mộng ám ảnh. Ấy là những trường hợp có những thằng con, ông chồng, bà vợ máu mê đỏ đen. Cứ hễ có bóng lăn là tài sản trong nhà cũng lần lượt đội nón ra đi. Gia đình đã từng nhiều lần đứng ra giải quyết hậu quả, nhiều lần chấp nhận sự ân hận, hứa hẹn sửa chữa, từ bỏ của con bạc, nhưng rồi vẫn chứng nào tật ấy. Thế nên mùa Euro này, hễ nghe tiếng rồ xe trước ngõ, hoặc thấy điện thoại số lạ gọi đến là người nhà thon thót rụng cả tim, sợ nợ lại đến đòi.

Mà nghĩ cũng thật kỳ lạ với cái kiểu đòi nợ vô lối đang diễn ra lâu nay. Người ta nói, oan có đầu, nợ có chủ, ai vay thì nấy trả, nhưng đằng này, vay một người, đòi thì nhắm người khác, mà thường là cha mẹ, vợ/chồng là người “lãnh sẹo”. Sẽ không có gì đáng nói nếu người vay đang tuổi trẻ ranh, thôi thì con dại cái mang, cha mẹ đang ở vai “giám hộ”, giám hộ không xong thì phải giải quyết hậu quả. Đằng này con cái, chồng hoặc vợ đều là người trưởng thành, đủ tuổi, đủ năng lực chịu trách nhiệm về mọi hành vi của mình. Vậy khi đã chấp nhận cho người ta vay thì anh cứ đến người ấy mà đòi, sao lại đến nhà cha mẹ, vợ/chồng của họ mà hăm dọa, gây sức ép buộc trả nợ là thế nào?! Điều kiện khi anh cho vay ra sao, có bắt thế chấp, tín chấp gì chăng? Hay anh đã có mưu đồ sẵn, cứ cho vay dễ dãi, tính lãi cao ngất ngưởng để bóc lột người ta. Còn không trả thì sai, thuê “giang hồ” đến người thân của họ để hăm dọa, quấy nhiễu, gây sức ép để đòi, xiết nợ. Hành vi đó khác nào cướp giữa ban ngày một cách trắng trợn!

Tôi có người quen, có thằng con tuổi đã ngoài hai mấy lao vào đỏ đen rồi vay mượn. Giang hồ tìm đến vây nhà, sợ xấu hổ, sợ con bị hành hung này nọ, nên phải bấm bụng trả nợ. Nhưng hết lần này lại tới lần nữa, lần sau còn nặng hơn lần trước, vơ vét hết trong nhà không còn một cắc, vậy là tụi xăm trổ bặm trợ cứ quây mãi không tha. Gọi kêu cứu tôi, tôi phải gọi nhờ một người bạn là lãnh đạo công an (CA) thành phố điện về nhờ CA phường đến giải vây. CA phường xuất hiện giải vây, nhưng nói con mình có vay thật của người ta thì mình phải có trách nhiệm trả thôi. Được lời, nhóm đòi nợ ít hôm lại tới. Thấy tình cảnh tội nghiệp quá, tôi liên hệ với người bạn làm ở viện kiểm sát, nhờ anh tư vấn cách nào giải quyết bền vững được? Anh bảo không can chi, nó vây vậy, hoặc ngang qua ngang về ném vô cục đá, chứ không dám manh động đâu. Có điều đồng tiền đi liền khúc ruột, vay của nó thì phải trả cho nó chứ không yên đâu… Vậy là bó tay(?!).

Tôi không đánh đồng hành xử của đồng chí CA phường cũng như của anh bạn tôi ở viện kiểm sát là hướng xử lý của pháp luật đối với chuyện vay - đòi nợ “ngoài luồng” ở trên, nhưng qua đó cũng mường tượng đang có một khe hở, thậm chí có thể có một sự chống lưng nào đó cho nên chuyện cho vay “cấp tốc”, dễ dãi, chuyện đòi nợ kiểu cướp ngày, “xã hội đen” như kia mới ngang nhiên tồn tại công khai và dai dẳng như vậy. Nó chính là mầm mống để nuôi dưỡng, phát triển nạn đỏ đen và nhiều tệ nạn khác, đe dọa đến tình hình an ninh trật tự xã hội. Người dân đang từng ngày từng giờ ngóng trông các cơ quan bảo vệ pháp luật nghiên cứu để bịt ngay các khe hở, nạn chống lưng (nếu có) để bảo vệ sự bình an cho cuộc sống, cho cộng đồng và cho mỗi một gia đình.

Huy Khánh
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Khống chế tỷ lệ nhiễm HIV trong cộng đồng dưới 0,01%

Đây là mục tiêu được nêu ra tại hội nghị tổng kết công tác phòng chống HIV/AIDS năm 2024, phương hướng hoạt động năm 2025 do Sở Y tế tổ chức chiều 17/12. Tham dự có đại diện các đơn vị y tế, các cơ quan ban ngành.

Khống chế tỷ lệ nhiễm HIV trong cộng đồng dưới 0,01
Hợp tác quốc tế vì sức khỏe cộng đồng

Ngày 6/12, Trường đại học Y - Dược, Đại học Huế tổ chức khai mạc hội nghị Festival khoa học Huế lần thứ 7 với chủ đề “Hợp tác quốc tế vì sức khoẻ cộng đồng” và Hội nghị Y Sinh học Quốc tế lần thứ nhất, khánh thành Viện Y Sinh học, Trường đại học Y - Dược, Đại học Huế.

Hợp tác quốc tế vì sức khỏe cộng đồng
Hỗ trợ cộng đồng tiếp cận công nghệ số

Trong thời kỳ công nghệ số, thanh niên đóng vai trò chủ chốt trong tiếp cận và thực hiện chuyển đổi số. Đây là lực lượng để kết nối và hỗ trợ cộng đồng trong việc ứng dụng công nghệ, giúp giảm khoảng cách số và nâng cao chất lượng dịch vụ công trên địa bàn.

Hỗ trợ cộng đồng tiếp cận công nghệ số
Châu Á - Thái Bình Dương: Đảm bảo tương lai an toàn cho các cộng đồng dễ bị tổn thương

Biến đổi khí hậu là mối đe dọa đối với tăng trưởng, cơ sở hạ tầng và sinh kế ở châu Á - Thái Bình Dương. Tuy nhiên, khu vực này có thể cải thiện khả năng bảo vệ tài chính trước các rủi ro khí hậu nghiêm trọng và hỗ trợ phát triển bền vững bằng cách giải quyết các khoảng cách về khả năng chi trả bảo hiểm, khả năng tiếp cận và nhận thức.

Châu Á - Thái Bình Dương Đảm bảo tương lai an toàn cho các cộng đồng dễ bị tổn thương

TIN MỚI

Return to top