ClockChủ Nhật, 21/10/2018 13:55

Việt Nam chủ động và tham gia tích cực vào việc giải quyết các vấn đề chung khu vực

Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN lần thứ 12 (ADMM 12) và Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+) lần thứ 5 đã diễn ra từ ngày 18-20/10 tại Singapore với sự tham dự của người đứng đầu cơ quan quốc phòng 10 nước trong khu vực Đông Nam Á và 8 quốc gia đối tác gồm Mỹ, Nga, Ấn Độ, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Australia và New Zealand.

Đoàn Việt Nam do Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, dẫn đầu đã tham dự hai hội nghị quan trọng này cùng một loạt sự kiện bên lề và tiếp xúc song phương với nhiều nước đối tác.

Đại tướng Ngô Xuân Lịch (thứ 2, phải), Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam, và các quan chức quốc phòng ASEAN tại Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN (ADMM) lần thứ 12, Singapore ngày 19/10/2018. Ảnh: AFP/ TTXVN

Tại các hội nghị này, các Bộ trưởng đã đạt được đồng thuận trong việc tăng cường xây dựng lòng tin và thúc đẩy hợp tác quốc phòng trong lĩnh vực chống khủng bố cũng như đẩy lùi các thách thức an ninh đang đe dọa tới hòa bình, ổn định ở khu vực. Là một thành viên tích cực của diễn đàn ADMM và ADMM+, Việt Nam đã đưa ra nhiều quan điểm, sáng kiến và được các nước ủng hộ trong việc xây dựng mối quan hệ hợp tác quốc phòng thực chất và hiệu quả, góp phần tăng cường tin cậy và hiểu biết lẫn nhau giữa các quốc gia.

Cục trưởng Cục Đối ngoại, Bộ Quốc phòng, Trung tướng Vũ Chiến Thắng cho rằng có 3 điểm chính nổi bật tại 2 hội nghị vừa qua.

Thứ nhất, các nước thể hiện sự thống nhất cao về nhận diện các thách thức mà khu vực đang phải đối mặt. Ở lần tổ chức này, nước Chủ tịch hướng vào việc thảo luận hai vấn đề chính là chống khủng bố và các biện pháp xây dựng lòng tin. Tuy nhiên, bên cạnh việc chia sẻ về hai vấn đề trên thì các nước còn trao đổi sâu, thực chất về các thách thức an ninh khác, trong đó nổi lên là thách thức an ninh phi truyền thống, tội phạm xuyên quốc gia, hỗ trợ nhân đạo, tìm kiếm cứu nạn, cướp biển và cướp có vũ trang trên biển.

Về vấn đề an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không, các Bộ trưởng ASEAN có sự thống nhất cao, thể hiện bằng Tuyên bố chung của Hội nghị ADMM 12, trong đó tái khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì và thúc đẩy hòa bình, an ninh, ổn định, an toàn, tự do hàng hải và hàng không tại Biển Đông, sự cần thiết phải tăng cường lòng tin, tự kiềm chế, tránh có các hành động làm phức tạp thêm tình hình, và xử lý các tranh chấp bằng biện pháp hoà bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS).

Thứ hai, các Bộ trưởng đã thảo luận và thống nhất các biện pháp tăng cường củng cố cơ chế hợp tác ADMM, ADMM+ trong đó nhấn mạnh vai trò trung tâm của ASEAN và trách nhiệm của các nước đối tác. Các Bộ trưởng đã nhất trí thông qua một số văn kiện quan trọng của hội nghị như tài liệu khái niệm sáng kiến con mắt của chúng ta, khuôn khổ hướng dẫn tránh va chạm trên không giữa các máy bay quân sự… Hội nghị cũng thông qua quy chế quan sát viên các nhóm chuyên gia ADMM+ và thảo luận việc kết nạp thêm đối tác tham gia cơ chế này…

Thứ ba là tăng cường hợp tác giữa ASEAN với các nước đối tác. Bên lề hội nghị đã diễn ra các cuộc gặp không chính thức giữa Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN với Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản. Điều này cho thấy nhu cầu của các bên trong việc tăng cường gặp gỡ, trao đổi về các biện pháp nâng cao năng lực cho ASEAN và các nước thành viên….

Cũng theo Trung tướng Vũ Chiến Thắng, tại các Hội nghị lần này, Bộ trưởng Quốc phòng Ngô Xuân Lịch đã có các phát biểu quan trọng, nêu rõ quan điểm của Việt Nam về các vấn đề mà Hội nghị thảo luận với thông điệp rất rõ ràng.

Thứ nhất, không nên né tránh các vấn đề và thách thức đang phải đối mặt. Các thách thức an ninh hiện nay đa dạng, phức tạp, vượt khỏi khả năng của một quốc gia đơn lẻ, dù quốc gia đó là lớn hay nhỏ. Việt Nam nhấn mạnh việc duy trì sự đồng thuận và vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc an ninh khu vực là lợi ích chung của các bên và trách nhiệm của các nước đối tác. Trong hợp tác với ASEAN, cần đặt trọng tâm vào việc thúc đẩy hợp tác thực chất.

Thứ hai, Việt Nam đánh giá cao sự hợp tác giữa ASEAN với các nước đối tác đồng thời đưa ra đề xuất cụ thể để tăng cường hợp tác thực chất của các mối quan hệ này. Ví dụ, với Trung Quốc, Việt Nam đưa ra 3 đề xuất về việc sớm thiết lập đường dây liên lạc trực tiếp giữa các Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN và Trung Quốc; tổ chức giao lưu sĩ quan trẻ ASEAN-Trung Quốc lần đầu tiên tại Việt Nam; thiết lập nhóm công tác chung giữa ASEAN và Trung Quốc.

Với Hoa Kỳ, Việt Nam đề nghị thúc đẩy hợp tác nâng cao năng lực cho ASEAN và các nước thành viên về an ninh biển, hỗ trợ nhân đạo, tìm kiếm cứu nạn, cũng như hợp tác khắc phục hậu quả chiến tranh, trong đó có xử lý ô nhiễm chất hóa học. Với Nhật Bản, Việt Nam ủng hộ triển khai các nội dung trong Tài liệu Tầm nhìn Viêng Chăn, đồng thời đề nghị Nhật Bản tiếp tục hỗ trợ ASEAN trong việc bảo vệ mội trường, nhất là an ninh nguồn nước….

Thứ ba, Việt Nam chia sẻ với các nước đối với các vấn đề quan tâm của họ cũng như quan tâm chung của khu vực. Như vấn đề chống khủng bố, Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch khẳng định Việt Nam ủng hộ những nỗ lực của cộng đồng quốc tế và mở rộng hợp tác nhằm ngăn ngừa các hoạt động khủng bố và các hoạt động hỗ trợ khủng bố dưới mọi hình thức.

Về an ninh biển, Việt Nam hoan nghênh những tiến triển đạt được giữa ASEAN và Trung Quốc trong thúc đẩy xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) đồng thời kêu gọi trong khi COC đang trong quá trình xây dựng thì các bên cần thực hiện nghiêm Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), Bộ Quy tắc về tránh va chạm bất ngờ trên biển đối với tàu hải quân (CUES) cũng như Khung Hướng dẫn về tránh va chạm bất ngờ trên không đối với máy bay quân sự mà ADMM vừa thông qua.

Thứ tư, Việt Nam sẵn sàng chia sẻ tại hội nghị về một số biện pháp và hình thức hợp tác Việt Nam đang triển khai hiệu quả, góp phần tăng cường xây dựng lòng tin như chương trình giao lưu biên giới với các nước láng giềng. Giao lưu biên cương thắm tình hữu nghị với sự tham gia của lực lượng bảo vệ biên giới các nước Trung Quốc, Lào, Campuchia, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam....

Có thể khẳng định, hội nghị lần này một lần nữa thể hiện sự chủ động và tham gia tích cực của Việt Nam trong việc giải quyết các vấn đề chung của khu vực, góp phần tăng cường tin cậy và hiểu biết lẫn nhau giữa các quốc gia, vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển trong khu vực và trên thế giới.

Đánh giá việc Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch có các cuộc tiếp xúc song phương với một số đối tác nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác quốc phòng của Việt Nam với các nước, Trung tướng Vũ Chiến Thắng cho biết tại các cuộc tiếp xúc, các nước đều đánh giá cao vai trò, vị trí và những đóng góp tích cực của Việt Nam nói chung và Quân đội nhân dân Việt Nam nói riêng đối với các vấn đề chung của khu vực, đồng thời khẳng định sẽ ủng hộ Việt Nam trong năm Việt Nam làm Chủ tịch ASEAN 2020.

Về quan hệ song phương, đây là cơ hội tốt để Việt Nam và các đối tác tăng cường trao đổi cấp cao, qua đó góp phần quan trọng trong việc tăng cường hiểu biết lẫn nhau, thúc đẩy quan hệ hợp tác quốc phòng đi vào các nội dung hợp tác thực chất, phù hợp với mối quan hệ cấp Nhà nước.

Theo TTXVN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tăng cường cán bộ nữ tham gia cấp ủy

Ngày 21/11, Đoàn công tác của Học viện Chính trị quốc gia (CTQG) Hồ Chí Minh do PGS.TS Lê Văn Chiến - Viện trưởng Viện Lãnh đạo học và Chính sách công, Học viện CTQG Hồ Chí Minh làm trưởng đoàn có buổi làm việc với Thị ủy Hương Thủy về công tác cán bộ nữ.

Tăng cường cán bộ nữ tham gia cấp ủy
Return to top