Tại Hội nghị Đoàn Chủ tịch lần thứ 10 (khóa VIII) Ủy ban Trung ương MQTQ Việt Nam, trong Tờ trình về việc xây dựng Nghị quyết liên tịch quy định chi tiết việc tổ chức tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND, ông Trần Thanh Mẫn, Phó Chủ tịch-Tổng Thư ký Ủy ban MTTQ Việt Nam cho biết, hiện nay việc tổ chức hoạt động tiếp xúc cử tri của ĐBQH được thực hiện theo Nghị quyết liên tịch số 525/NQLT/UBTVQH13-ĐCTUBTWMTTQVN. Tuy nhiên, qua 4 năm thực hiện, một số quy định về việc tổ chức tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội còn một số hạn chế nhất định, chưa thực sự phát huy vai trò, trách nhiệm của đại biểu Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc và các cơ quan liên quan.
Ông Trần Thanh Mẫn, Phó Chủ tịch-Tổng Thư ký Ủy ban MTTQ Việt Nam
Về hoạt động tiếp xúc cử tri của đại biểu hội đồng nhân dân hiện nay chưa có quy định chi tiết mà chỉ được quy định tại Quy chế của HĐND mà theo đó, Thường trực HĐND, Ủy ban Nhân dân và Ủy ban MTTQ Việt Nam cùng cấp tại địa phương ban hành Quy chế phối hợp trong việc tiếp xúc cử tri của đại biểu Hội đồng nhân dân. Chính vì hoạt động tiếp xúc cử tri của đại biểu QH, đại biểu HĐND chưa có văn bản quy định thống nhất về cách thức thực hiện, cơ chế phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức có liên quan nên thời gian vừa qua, hoạt động tiếp xúc cử tri còn tồn tại một số bật cập, vướng mắc.
“Việc quy định để đảm bảo thành phần, số lượng cử tri tham dự các cuộc tiếp xúc cử tri tham gia các cuộc tiếp xúc chưa rõ, chưa có cơ chế để tạo điều kiện nhiều cử tri có tâm huyết đến dự và phát biểu. Còn tồn tại tình trạng đại cử tri, dẫn đến việc tổ chức các cuộc tiếp xúc của đại biểu ở nhiều cấp, nhiều nơi còn mang tính hình thức, chưa thực sự hiệu quả”- ông Mẫn cho biết.
Việc thực hiện lời hứa của ĐBQH chưa nghiêm túc
Theo ông Mẫn, việc thực lời hứa của đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND chưa được thực hiện nghiêm túc bởi chưa có quy định ràng buộc trách nhiệm phải báo cáo trước cử tri kết quả thực hiện lời hứa tại các cuộc tiếp xúc. Việc trả lời, phúc đáp về những kiến nghị của đại biểu Quốc hội tại các cuộc tiếp xúc trước đó trên thực tế nhìn chung cũng chưa được giải trình một cách thấu đáo, chưa thể hiện đúng mức vai trò giám sát của ĐBQH, đại biểu HĐND các cấp đối với việc chính quyền các cấp giải quyết các kiến nghị của cử tri, chưa thực sự đáp ứng được mong đợi của cử tri.
Việc quy định về trách nhiệm chủ trì, trách nhiệm phối hợp của đoàn ĐBQH, Ban thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp và các cơ quan liên quan chưa chặt chẽ, dẫn đến tình trạng không rõ trách nhiệm thực hiện, việc tổ chức để đại biểu tiếp xúc cử tri thiếu tính thống nhất giữa các địa phương trên cả nước. Có địa phương tổ chức riêng việc tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp, có nơi lại tổ chức chung chung, trong khi không có văn bản nào quy định về việc tiếp xúc chung….
Để khắc phục các hạn chế trong việc tổ chức tiếp xúc cử tri của đại biểu, để góp phần bảo đảm tính thống nhất về phạm vị điều chỉnh, nguyên tắc thực hiện, hình thức tiếp xúc… ông Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, “cần thiết phải ban hành Nghị quyết liên tịch giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam quy định chi tiết việc tổ chức tiếp xúc cử tri của ĐBQH, đại biểu HĐND”.
Theo VOV