Thông thường, khi NQ được ban hành thì cấp trên quy định thời gian triển khai học tập và hướng dẫn thực hiện. Cho nên, các văn kiện NQ của Đảng được tổ chức cho toàn thể đảng viên học tập trong một khoảng thời gian nhất định.
Với các cơ quan lớn (như Tỉnh ủy) thường triệu tập lãnh đạo đầu ngành học trước, sau đó các ngành, địa phương về tổ chức học cho đảng viên trong Đảng bộ. Cũng do thời gian triển khai đồng loạt nên việc truyền đạt NQ thông thường giao cho tuyên giáo hoặc lãnh đạo cấp ủy phổ biến. Theo tuần tự như vậy, NQ được triển khai đến tận chi bộ. Đối với các NQ lớn, công khai trong Đảng đều có tài liệu nội dung chính và chỉ đạo học tập, hướng dẫn thi hành. Nhưng cũng có những NQ có tính chất quan trọng, bí mật thì chỉ có những người chịu trách nhiệm mới có văn bản, còn các cấp chỉ được truyền đạt miệng. Tuy nhiên, dù là loại gì thì khi đảng viên học tập cũng chỉ được nghe là chính, ít khi có tài liệu cho từng người nghiên cứu. Chính vì vậy, báo cáo viên được giao phổ biến NQ phải hiểu rất rõ nội dung, nắm chắc những vấn đề mới, những điểm cốt lõi để truyền đạt có chiều sâu. Cái chính ở đây là năng khiếu và khả năng sư phạm của người truyền đạt. Báo cáo viên nắm chắc nội dung, có khiếu nói, truyền đạt có logic thì người nghe dễ tiếp thu, bằng không sẽ tạo nên sự nặng nề, nhàm chán. Đó là chưa kể người truyền đạt dựa vào văn bản rồi đọc nguyên văn mà không mở rộng, nói thêm hoặc liên hệ với thực tiễn từ cơ quan, địa phương thì rất khó cuốn hút người nghe. Có những đảng bộ quan tâm mời báo cáo viên cấp trên đến truyền đạt, nhưng cũng chỉ mới nói đúng trọng tâm, còn phần liên hệ và chỉ ra những tồn tại cần khắc phục trong từng cơ quan, địa phương thì không phải báo cáo viên nào cũng làm được.
Về phía người nghe (đối tượng được triệu tập) cũng có những chuyện cần bàn. Tâm lý chung là chỉ nghe những gì thuộc phạm vi trách nhiệm của mình hoặc những vấn đề phải thực hiện, còn những nội dung khác thì cố gắng ngồi cho có mặt. Nhiều đảng bộ không bắt buộc người học phải có sổ, bút để ghi chép nên danh nghĩa là “học” nhưng người học không ghi chép để nghiên cứu. Vậy là học rồi nhưng hỏi cái gì cũng không biết, có chăng chỉ nhớ được số NQ hoặc đầu đề. Có những đơn vị làm nghiêm túc, triệu tập người học có điểm danh và viết thu hoạch, nhưng phần lớn các cơ sở đảng không kiểm tra phần này. Từ đó dễ dàng nhận thấy, đối tượng triệu tập thì đầy đủ nhưng quá trình học thì rơi rụng phần nhiều. Từng chứng kiến có đảng bộ triệu tập gần 300 đảng viên nhưng có mặt đầu giờ khoảng hơn 150 người, giải lao nửa buổi xong vào lại hội trường chỉ còn khoảng 60-70 người. Quan sát thì thấy chỉ một vài người có trách nhiệm là ghi chép, còn lại hầu hết không mang theo sổ sách hoặc có mang thì cũng không thấy ghi chép.
Tính văn minh, lịch sự trong cuộc họp cũng là vấn đề đáng lưu tâm. Trong hội trường, từng nhóm to nhỏ nói chuyện riêng, có người thì nhắn tin, lướt mạng hoặc đọc báo… Có lúc chuông điện thoại reo và người nghe vô tư a lô như ở nhà. Đó là chưa kể vài ba người “nháy” nhau ra quán uống cà phê, tán gẫu cả buổi chờ hết giờ.
Được biết, có nhiều đảng bộ tổ chức học NQ rất chu đáo. Vào học phân công ngồi theo từng chi bộ, điểm danh, bắt buộc phải ghi chép và kết thúc có làm bản thu hoạch. Như vậy, bắt buộc đảng viên được cử đi học phải chú ý lắng nghe, đạt được hiệu quả của học NQ. Gần đây, nhiều cơ quan chọn hình thức nghe truyền đạt NQ qua băng ghi hình ghi lại từ những báo cáo viên cao cấp, thay cho báo cáo viên của cấp ủy cử. Đây cũng là cách hay và tiết kiệm cần được nhân rộng.
Học NQ để thực hiện là trách nhiệm của cấp ủy và mỗi đảng viên. Trước nhiều bất cập tồn tại trong cách thức tổ chức học tập, cần thay đổi, chấn chỉnh để nâng cao chất lượng học NQ trong từng cấp bộ đảng và từng đảng viên.
NGUYỄN PHƯỚC KHÁNH