ClockThứ Ba, 03/11/2020 06:45

Chú trọng giáo dục “làm người”, đạo đức lối sống

TTH - Giáo dục “làm người”, giáo dục đạo đức, lối sống - tuy chỉ mấy chữ - nhưng sức nặng lại vô cùng. Sự nghiệp ấy không chỉ là của riêng ngành giáo dục.

Giáo dục “làm người”, giáo dục đạo đức rất cần được xem trọng

Nghiên cứu Dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Khóa XII trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, cá nhân tôi nhận thấy dự thảo được đầu tư công phu, đề cập một cách khá toàn diện, sâu sắc trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa - xã hội, ANQP…; hoạch định con đường chiến lược về xây dựng Đảng và phát triển đất nước trong thời gian tới. Khơi gợi được niềm tin và sự phấn khởi trong toàn xã hội.

Chúng tôi rất tâm đắc khi thấy đánh giá về kết quả thực hiện Nghị quyết XII, Đảng ta đã thẳng thắn nhìn nhận: “Đổi mới giáo dục, đào tạo khoa học và công nghệ chưa thực sự trở thành động lực then chốt thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội... Nội dung giáo dục và đào tạo còn nặng lý thuyết, nhẹ thực hành. Đào tạo vẫn thiếu gắn kết với nghiên cứu khoa học, sản xuất, kinh doanh và nhu cầu của thị trường lao động. Chưa chú trọng đúng mức đến phát triển phẩm chất và kỹ năng người học. Giáo dục “làm người”, đạo đức lối sống còn bị xem nhẹ.

Theo chúng tôi, đây là một đánh giá hết sức thẳng thắn và xác đáng.

Chính vì “nặng lý thuyết, nhẹ thực hành”, “đào tạo thiếu gắn kết với nghiên cứu khoa học, sản xuất, kinh doanh và nhu cầu của thị trường lao động. Chưa chú trọng đúng mức đến phát triển phẩm chất và kỹ năng người học” cho nên thời gian qua, đất nước mới xảy ra tình trạng thừa thầy thiếu thợ; ngành cần người thì không có người để tuyển, ngược lại có những ngành đào tạo ồ ạt, nhưng ra trường thì không thể tìm được chỗ làm. Hệ lụy là thất nghiệp, là làm trái ngành trái nghề, là phải “quen biết, chạy chọt” mới kiếm được một chỗ làm việc...

Đấy là chưa kể các tổ chức, doanh nghiệp muốn sử dụng lao động thì có khi buộc phải đào tạo lại, vừa tốn thời gian vừa tốn tiền của; chưa kể đất nước đã rất nhiều năm qua cứ phải mang tai mang tiếng là trí thức nhiều, tiến sĩ nhiều thuộc hàng “nhất thế giới” nhưng ngược lại công trình nghiên cứu có giá trị thực tiễn, tỷ lệ sản phẩm có giá trị làm từ những bộ óc hàng tiến sĩ như thế lại thuộc hàng thấp nhất khu vực?!!

Đặc biệt, chính vì xem nhẹ giáo dục “làm người”, đạo đức lối sống cho nên thời gian qua, rất nhiều những giá trị đạo đức, tôn ti trật tự trong xã hội đã bị đảo lộn, bị tổn thương một cách hết sức đáng báo động. Cháu con thiếu kính trọng ông bà, cha mẹ; học trò thiếu kính trọng thầy cô; anh em một nhà thiếu thương yêu, đùm bọc lẫn nhau; chữ tín, chữ nghĩa có khi trở thành sự xa xỉ trong mối quan hệ bạn bè; rất nhiều mối quan hệ mà lẽ ra vốn rất thiêng liêng nay đều bị đặt dưới mấy chữ tiền - tài - danh - lợi. Rồi trộm cắp, cướp của, giết người, tham ô, lừa đảo… Vô số những loại tệ nạn như thế phát sinh và phát triển khiến người dân trở nên lo lắng, bất an; ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống cộng đồng, sự phát triển bền vững của toàn xã hội.

Vì những lý do trên, nên trong Định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030 (mục 5, phần II) và trong phần V - Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển con người, chúng tôi mong cần có sự nhắc lại và nhấn mạnh sự cấp thiết phải có giải pháp để khắc phục những bất cập trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo, khoa học, công nghệ mà dự thảo đã chỉ ra. Đặc biệt là vấn đề giáo dục “làm người”, giáo dục đạo đức, lối sống. Bởi lẽ, con người là gốc của xã hội, và đạo đức chính là cái gốc của con người. Giáo dục “làm người”, giáo dục đạo đức, lối sống - tuy chỉ mấy chữ - nhưng sức nặng lại vô cùng. Sự nghiệp ấy không chỉ là của riêng ngành giáo dục, mà cần có sự chung tay từ mỗi gia đình, dòng tộc, của cộng đồng xã hội, của các tôn giáo, và rất quan trọng nữa là của cơ chế pháp luật. Phải có một sự tổng hòa cộng lực như thế thì công cuộc giáo dục, bồi bổ, củng cố nhân cách, đạo đức con người, đạo đức xã hội mới có thể thành tựu. Và ngược lại, một khi con người được quan tâm giáo dục phẩm cách “làm người” đầy đủ, một khi đạo đức con người, đạo đức xã hội được bồi bổ vun đắp, thì tự nó sẽ tạo nền tảng cho đất nước phát triển bền vững, cho mục tiêu dân chủ, công bằng, văn minh sớm thực sự hiện diện trong đời sống xã hội.

Bài, ảnh: Hiền An

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thủ tướng: Đưa giáo dục và đào tạo Việt Nam theo kịp các nước phát triển càng sớm càng tốt

Chỉ rõ 5 yếu tố về thời gian, trí tuệ, khát vọng, tự lực và hội nhập, cùng 3 nội dung cần đặc biệt lưu ý để tiếp tục đổi mới giáo dục và đào tạo theo chủ trương của Đảng, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh khát vọng đột phá để đưa nền giáo dục và đào tạo nước ta theo kịp, ngang tầm các nước phát triển càng sớm càng tốt.

Thủ tướng Đưa giáo dục và đào tạo Việt Nam theo kịp các nước phát triển càng sớm càng tốt
Nâng cao chất lượng giáo dục ở cơ sở mầm non ngoài công lập

Thành phố Huế hiện có khá nhiều trường mầm non ngoài công lập và cơ sở giáo dục mầm non (GDMN) độc lập. Để nâng cao chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục trẻ ở các cơ sở GDMN ngoài công lập, UBND TP. Huế triển khai nhiều giải pháp góp phần đáp ứng nhu cầu của phụ huynh học sinh cũng như thực hiện mục tiêu phổ cập GDMN cho trẻ 5 tuổi.

Nâng cao chất lượng giáo dục ở cơ sở mầm non ngoài công lập
UNESCO thành lập giải thưởng về giáo dục công dân toàn cầu

Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) vừa thành lập một giải thưởng do Hàn Quốc đề xuất, nhằm công nhận những nỗ lực trong việc nuôi dưỡng giáo dục về các vấn đề toàn cầu, như nhân quyền, tính bền vững và tính đa dạng, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc ngày 23/10 cho biết.

UNESCO thành lập giải thưởng về giáo dục công dân toàn cầu

TIN MỚI

Return to top