Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Hội nghị tổng kết công tác kiểm tra, giám sát nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng. Ảnh: TL
1. Các nhiệm kỳ trước đây, dù đã có nhiều chỉ đạo trong công tác kiểm tra, giám sát của Đảng, nhưng việc thực hiện chưa quyết liệt, kỷ luật còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe. Nhiều nơi kiểm tra không phát hiện tham nhũng, sau đó mới được “khui ra” từ thông tin của các nguồn khác. Không ít những vụ án tham nhũng đưa ra xét xử thiếu triệt để, mức án không đúng với mức độ thiệt hại hoặc còn quá nhiều án treo, ít thu hồi được tài sản. Cho nên, tình trạng tham nhũng tiếp tục phát sinh, những đại án gây thiệt hại lớn, tham nhũng vừa, tham nhũng vặt vẫn có chiều hướng phức tạp. Tình trạng tham nhũng tràn lan nên người ta ví von: “Hy sinh đời bố, củng cố đời con” khi nói về tham nhũng của một bộ phận cán bộ. Đó là vấn đề đáng nhức nhối trong đời sống xã hội.
Trong thời điểm này, cấp Trung ương đã làm quyết liệt, nhưng ở cấp cơ sở những biểu hiện nhũng nhiễu, bòn rút chưa được kiểm tra, xử lý đúng mức. Dù đã có nhiều vụ kỷ luật nặng, những vụ án khởi tố hình sự được xét xử nghiêm minh nhưng chưa đủ cảnh tỉnh, tiếp tục có những vụ án với hành vi tương tự. Gần đây, bên dưới tuy đã có “ấm lên” nhưng chưa thật sự quyết liệt, dân chúng còn kêu ca về tham nhũng vặt, lợi dụng sơ hở để hưởng chêch lệch, kể cả lợi dụng phòng dịch COVID-19, cứu trợ bão lụt. Hình như kẻ tham nhũng chưa biết sợ dù “củi tươi, củi khô” vào lò liên tục.
Từ sau Đại hội XII đến nay, công tác kiểm tra, nhất là của Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã có những bước chuyển biến mới, thay đổi về chất. Các nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI và XII) đã tạo ra những “cẩm nang” quan trọng cho công tác kiểm tra trong Đảng. Những kết luận sau kiểm tra khi chuyển sang khởi tố điều tra đều xác định tính chất nghiêm trọng, xét xử kịp thời và đúng mức. Như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã từng tuyên bố: “Cả lò nóng lên”,“không có vùng cấm”,“không có ngoại lệ”... Đây thực sự là một cuộc chiến chống “giặc nội xâm” quyết liệt, hiệu quả nhất từ trước tới nay. Kết quả đó đã làm nức lòng, tạo niềm tin, sự đồng thuận của Nhân dân với Đảng, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao.
2. Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị tổng kết công tác kiểm tra, giám sát của Đảng nhiệm kỳ khóa XII, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã chỉ rõ: “Càng đến gần Đại hội càng phải quyết liệt, không ngừng nghỉ, thực hiện theo đúng tiến độ đã đề ra”. Đồng thời, xác định phòng, chống tham nhũng tiếp tục là nội dung chính trong công tác kiểm tra của cấp ủy Đảng các cấp. Mục đích cao nhất là không để lọt vào Trung ương và cấp ủy địa phương những kẻ có biểu hiện thoái hóa, biến chất, tham nhũng... Như vậy, để thấy rằng dù còn nhiều việc phải làm nhưng không thể buông lỏng công tác kiểm tra. Đó là nhiệm vụ thường xuyên và quan trọng nhằm sàng lọc cấp ủy, làm trong sạch hàng ngũ của Đảng, nhất là cán bộ cấp cao.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Cần phải làm toàn diện hơn các lĩnh vực như suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, chấp hành nguyên tắc và tổ chức của Đảng. Sắp tới phải làm mạnh, mở ra để làm”. Đó là định hướng lớn được người đứng đầu đặt ra. Nội dung đã được thể hiện trong các nghị quyết nhưng lâu nay kiểm tra, giám sát sai phạm này còn ít hoặc khó làm nên dễ “bị quên”. Chống tham nhũng tiếp tục phải làm, nhưng suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống thật sự nguy hiểm không kém, là căn nguyên của những sai phạm khác. Tổng Bí thư cho rằng, chống tham nhũng chỉ mới là phần ngọn, tư tưởng không vững vàng là mầm mống của suy thoái chính trị, nguồn gốc của phản bội lý tưởng cộng sản. Đây cũng chính nguồn gốc của nạn bè phái, cục bộ, ham muốn quyền lực, cá nhân chủ nghĩa, thủ tiêu lý tưởng đấu tranh, lối sống sa đọa, mất phương hướng của người đảng viên.
Những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị cần phải xử lý kỷ luật còn rất ít, lại càng hiếm trong xử lý hình sự. Có chăng mới xử lý một số cán bộ đã nghỉ công tác có hoạt động trái phép, số chống Đảng, chống chế độ rõ ràng.
Trong đời sống hàng ngày, đã có không ít cán bộ, đảng viên, trong đó có những cán bộ cấp cao nghỉ hưu vì lý do nào đó đã không giữ được lập trường, phẩm chất đạo đức, làm mất uy tín trong quần chúng nhân dân. Từ những biểu hiện ban đầu dần dần dưới tác động của đối tượng xấu, bị mua chuộc, lôi kéo xa rời tôn chỉ của Đảng. Cùng với đó là suy thoái về đạo đức, lối sống đã làm cho một bộ phận đảng viên xa rời quần chúng, sống ích kỷ, cá nhân, không giữ được bản chất người cộng sản. Những biểu hiện đó hết sức nguy hiểm, nếu không được phòng ngừa, ngăn chặn sẽ dẫn đến làm trái chủ trương, quan điểm, đi ngược lại cương lĩnh của Đảng, xa hơn nữa là chống lại Đảng.
Kiểm tra nói chung đã khó, kiểm tra về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống còn khó khăn hơn nhiều nhưng không thể xem thường. Chỉ khi nào loại bỏ được suy thoái về chính trị mới giữ được bản chất cách mạng chân chính của Đảng và người đảng viên.
NGUYỄN PHƯỚC KHÁNH