1. Theo cơ chế của hệ thống chính trị chúng ta, một số chức vụ quan trọng trong Đảng đồng thời sẽ được bầu, bổ nhiệm lãnh đạo và quản lý chính quyền. Tính chất quan trọng của bầu cử có liên quan trực tiếp đến chức danh của một số cốt cán trong bộ máy nhà nước, đoàn thể và các tổ chức khác. Không trúng cấp ủy sẽ khó được bổ nhiệm, bổ nhiệm lại hoặc đề bạt các chức vụ cao hơn. Từ đó đã làm cho bầu cử trong Đảng trở thành vấn đề “nóng” của một kỳ đại hội, được đảng viên, Nhân dân quan tâm theo dõi. Nhiều người cho rằng, bầu được những cán bộ đúng quy hoạch, cơ cấu xem như là kết quả thành công nhất của một kỳ đại hội.
Trước đây, những người được quy hoạch hay còn gọi là “cơ cấu cứng” thường dễ trúng cử, rất ít khi cán bộ trong diện “cơ cấu cứng” mà bị rớt, có khi còn đạt tỉ lệ phiếu bầu rất cao. Cũng dễ hiểu bởi đây còn được xem là thời kỳ “bao cấp trúng cử”, cấp trên đã duyệt thì cấp dưới bầu theo chỉ đạo đó. Đó là thời kỳ chỉ có “chọn người cho công việc”, cấp trên chọn cán bộ có năng lực, đạo đức, có khả năng lãnh đạo để phục vụ công tác. Không phải vì quyền lợi chính trị hay chức vụ cá nhân của bất cứ đảng viên nào. Người có phẩm chất tốt được đưa vào quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, thử thách, sàng lọc kỹ và quan trọng là có uy tín. Khi cấp ủy, cấp trên đã giới thiệu ứng cử không có bình luận, phản ứng và tin tưởng vào chọn lựa của cấp trên. Khi ra bầu nếu ai đó đạt số phiếu cao cũng là do có được từ uy tín bản thân, là những người xứng đáng.
2. Trong một vài nhiệm kỳ gần đây, cũng với quy trình xét duyệt, quy hoạch, lựa chọn, cho đến bỏ phiếu không khác bao nhiêu. Tuy nhiên, khi ra bầu cử cấp ủy hay bị trục trặc hoặc người được bầu với số phiếu cao nhưng sau đó không lâu đã vi phạm và bị kỷ luật, bị truy tố hình sự. Nhiều nguyên nhân dẫn đến sai phạm, nhưng có một phần từ quy hoạch đến cơ cấu có vấn đề không bình thường. Trong số đó có người được “ép” đưa vào quy hoạch, chỉ đạo phải bầu trúng, thậm chí phải đạt số phiếu cao. Những biểu hiện tiêu cực về chạy chức, chạy quyền, ê kíp, người nhà, người thân đã làm cho cán bộ, đảng viên không đồng tình, ủng hộ. Nói chính xác hơn thì những người đó không phải do đảng viên tín nhiệm giới thiệu mà do áp đặt không trong sáng của cá nhân có thẩm quyền. Ngược lại trong quy hoạch, cơ cấu, những cán bộ có năng lực không được phát hiện, tạo điều kiện hoặc họ không “chạy” nên khó vào “tầm ngắm”, có khi còn bị chỉ đạo để tự giác xin rút trong đại hội. Kiểu làm đó làm nản chí những đảng viên chân chính, trung thực, tạo nên dư luận không tốt trong đảng viên, quần chúng ở cơ sở.
Quy chế chúng ta không cho phép vận động bầu cử nhưng không thiếu kiểu vận động hành lang, rỉ tai định hướng cho những người đã được cơ cấu. Kiểu làm không trong sáng đó đã vi phạm quy chế, dẫn tới đại hội một số nơi diễn ra không khí nặng nề, bầu cử không suôn sẻ, gây dư luận xấu. Tuy không phải phổ biến, nhưng các hiện tượng trên thường xảy ra ở những cơ sở có dấu hiệu không bình thường trong công tác cán bộ, nội bộ mất đoàn kết nghiêm trọng.
3. Trong giai đoạn mới, cùng với thông tin được mở rộng, dân chủ trong Đảng đã đi vào thực chất hơn nên không thể chỉ đạo áp đặt mang tính cá nhân của cấp trên để bầu cho người này, người khác. Đảng viên trong một tổ chức hay rộng hơn hàng ngũ cán bộ, đảng viên nói chung đã nhận thức được tầm quan trọng, biết nhìn nhận rõ ai xấu, ai tốt để thể hiện quan điểm của mình trong quyết định mỗi lá phiếu. Những người đã được quy hoạch đều có đủ tiêu chuẩn theo quy định nên quyền quyết định từ tín nhiệm của đảng viên đối với ứng cử viên đó. Chúng ta đã có quy chế bầu cử trong Đảng, quy trình các bước làm quy hoạch nhân sự đại hội, đó là cẩm nang quan trọng thể hiện tính dân chủ và tập trung để bầu được những cán bộ có đủ phẩm chất vào cấp ủy mới. Những biểu hiện của tiêu cực, cục bộ, người nhà, người thân không thể che giấu, hợp thức hóa bằng chỉ đạo bầu cử thiếu nghiêm túc, không trong sáng sẽ dần bị loại bỏ. Những chỉ đạo quyết liệt, nghiêm túc của Đảng là cơ sở quan trọng cho đảng viên thể hiện chính kiến khi lựa chọn người mà mình tín nhiệm. Không cho phép bất cứ ai “chạy”, “chỉ đạo” vì động cơ cá nhân để vượt qua được vòng bầu cử, như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã từng nhấn mạnh: “Đã chạy là không dùng”.
\Gần đây, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định 205 về kiểm soát quyền lực, chống chạy chức, chạy quyền. Có thể được xem như “barie”cuối cùng gác cửa cho Đảng, là một “mắt xích”quan trọng chống các biểu hiện tiêu cực trong công tác cán bộ, xây dựng bộ máy của Đảng, chính quyền ngày càng vững mạnh, công minh.
NGUYỄN PHƯỚC KHÁNH