ClockChủ Nhật, 02/04/2023 11:40

Dám nghĩ, dám làm phải song hành với chống tham nhũng, tiêu cực

Công cuộc chống tham nhũng, tiêu cực và tinh thần năng động, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá hoàn toàn “không giẫm chân lên nhau” mà ngược lại, phải song hành với nhau.

Chống tiêu cực, chặn mầm tham nhũng: Đồng lòng diệt giặc 'nội xâm'

leftcenterrightdel
Ảnh minh họa: Tá Chuyên/TTXVN 

Dự thảo Nghị định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung được Bộ Nội vụ đưa ra trong bối cảnh đã xuất hiện tâm lý lo ngại rằng cuộc chiến quyết liệt chống tham nhũng, tiêu cực không tránh khỏi “tác dụng phụ” là làm nhụt chí của đội ngũ cán bộ, đảng viên, khiến họ thụ động vì sợ sai, sợ phải chịu trách nhiệm hình sự.

Tuy nhiên, cần khẳng định rằng công cuộc chống tham nhũng, tiêu cực và tinh thần năng động, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá hoàn toàn “không giẫm chân lên nhau” mà ngược lại, phải song hành với nhau.

Quan điểm của Đảng về chống tham nhũng và khuyến khích sáng tạo

Đảng, Nhà nước ta coi tham nhũng là "giặc nội xâm" và luôn luôn lãnh đạo cuộc chiến chống tham nhũng, tiêu cực một cách quyết liệt, đặc biệt là từ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng.

Tại Đại hội lần thứ XIII, nhiều chủ trương, giải pháp mạnh mẽ đã được đưa ra nhằm nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống tham nhũng. 

Tại hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012-2022, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, nhấn mạnh công tác phát hiện, xử lý tham nhũng đã được chỉ đạo và thực hiện một cách bài bản, đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả, tạo bước đột phá trong thực tiễn.

Đồng thời với việc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Đảng và Nhà nước ta luôn nhất quán về đường lối, quan điểm, từng bước hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật nhằm khơi dậy mạnh mẽ trong đội ngũ cán bộ ý thức trách nhiệm, khát vọng cống hiến, tinh thần đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, vì nhân dân phục vụ.

Qua các kỳ Đại hội, Đảng ta luôn nhấn mạnh, cần loại bỏ tư tưởng “trông chờ, ỷ lại vào tập thể, sợ trách nhiệm, không dám quyết đoán”; cần đặc biệt coi trọng việc phát hiện và đưa vào đội ngũ cán bộ những người “trung thực đã dám vì sự nghiệp chung mà vạch trần khuyết điểm, bảo vệ chân lý”; cần tập hợp được những cán bộ có tinh thần “dám quyết định và dám chịu trách nhiệm để hoàn thành nhiệm vụ.”

Báo cáo chính trị Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII xác định một trong những nhiệm vụ xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa là “có cơ chế lựa chọn, đào tạo, thu hút, trọng dụng nhân tài, khuyến khích bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách và quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung.”

Nhiều quy định, kết luận của Bộ Chính trị, nghị quyết của Trung ương cũng nhấn mạnh đến việc khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.

Ngày 22/9/2021 Bộ Chính trị ra Kết luận số 14-KL/TW về "Chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung", góp phần khơi nguồn sáng tạo cho cán bộ trong mọi mặt công tác và cuộc sống, được coi như tấm khiên để bảo vệ, giúp cán bộ phát huy sở trường, tài năng và ý chí quyết đoán trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ được giao trước những khó khăn, thử thách của thực tiễn.

Ngày 2/2/2023, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 96-QĐ/TW về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị.

Theo đó, người cán bộ đạt chỉ số tín nhiệm cao phải là những người có ý thức tổ chức kỷ luật, chấp hành các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng, năng động, đổi mới, sáng tạo, quyết đoán, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ được giao; không vì lá phiếu tín nhiệm mà ngại xử lý những vấn đề khó, phức tạp, nhạy cảm.

Cụ thể hóa Kết luận số 14

Đánh giá của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tại họp Phiên thứ 23 cho thấy năm 2022 có 539 đảng viên bị thi hành kỷ luật do tham nhũng, cố ý làm trái.

leftcenterrightdel
Quang cảnh Lễ tuyên dương “Cán bộ, công chức, viên chức trẻ giỏi” toàn quốc lần thứ IX năm 2022. (Ảnh: Hoàng Hùng/TTXVN) 

Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thi hành kỷ luật 47 cán bộ diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý; cho thôi giữ chức Ủy viên Trung ương Đảng (khóa XIII) đối với 5 cán bộ; cho thôi giữ chức vụ đối với 2 phó thủ tướng, 3 thứ trưởng và tương đương...

Các địa phương đã cho từ chức, miễn nhiệm 3 chủ tịch hội đồng nhân dân, chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh theo chủ trương sắp xếp, bố trí công tác đối với cán bộ bị xử lý kỷ luật, uy tín giảm sút.

Và trong quý 1 năm 2023, lực lượng công an đã phát hiện 218 vụ, 708 người phạm tội về tham nhũng và lạm dụng chức vụ, Người Phát ngôn Bộ Công an, Trung tướng Tô Ân Xô cho biết tại cuộc họp báo ngày 28/3/2023. 

Điều này chứng tỏ công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được đẩy mạnh, có bước tiến mới, quyết liệt, đồng bộ, toàn diện và hiệu quả hơn, gắn công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực với công tác cán bộ, xử lý nghiêm sai phạm, miễn nhiệm, từ chức theo quy định của Đảng, Nhà nước.

Tuy nhiên, kết quả của công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực lại bị một số người đổ lỗi đã gây ra tình trạng “nằm im” trong đội ngũ cán bộ, đảng viên - tâm lý e ngại, sợ sai, không dám hành động theo đúng chức năng, nhiệm vụ được giao.

Trên diễn đàn Quốc hội, tại Kỳ họp thứ 4 (năm 2022), đại biểu Tạ Thị Yên (tỉnh Điện Biên) nêu vấn đề chậm tiến độ giải ngân chi đầu tư phát triển cho các công trình, dự án trọng điểm quốc gia.

Đại biểu phân tích, việc giải ngân chậm có phần do vướng mắc về quy trình, thủ tục khi triển khai các kế hoạch, chương trình, dự án, có phần là do phân bổ vốn chậm, chuẩn bị đầu tư chưa kỹ.

Tuy nhiên, yếu tố chủ quan của con người, của bộ máy vẫn là khâu quyết định. Thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư phát triển cho các công trình, dự án trọng điểm quốc gia là chủ trương, chính sách hết sức đúng đắn của Đảng và được Quốc hội thể chế hóa, luật hóa, Chính phủ điều hành rất quyết liệt, nhưng cấp cơ sở thì có tâm lý e ngại, sợ sai, đùn đẩy, sợ trách nhiệm.

Tình trạng thiếu trầm trọng nhiều loại thuốc chữa bệnh và những vật tư y tế tối cần thiết tại các bệnh viện là do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân liên quan đến “Đại án Việt Á.”

Tại hội nghị về kinh nghiệm quản lý y tế ngày 25/3/2023 ở tỉnh An Giang, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết chưa bao giờ ngành y tế khó khăn như bây giờ, nhất là các giám đốc bệnh viện.

Họ đứng ở hai thái cực. Thứ nhất cho rằng do cơ chế, chính sách chưa đáp ứng nên chưa thể làm được; thứ hai cho rằng có cơ chế, chính sách rồi nhưng tính pháp lý chưa cao, sợ vi phạm.

Đáng lo ngại là có những giám đốc bệnh viện đã nói thà bị kiểm điểm còn hơn bị truy tố. Không làm thì chỉ bị kiểm điểm, còn làm đại, làm sai thì bị truy tố.

Tại cuộc họp của Thường trực Chính phủ với các bộ, ngành về các giải pháp bảo đảm cung ứng thuốc, vật tư y tế, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã khẳng địnhcó công thì thưởng, có tội thì phạt là điều bình thường.

Những việc chưa được thì phải xử lý, khắc phục, nhưng không vì thế mà nảy sinh biểu hiện thiếu ý chí, thiếu trách nhiệm với tính mạng, sức khỏe người dân. Không sợ sai. Làm đúng sẽ được bảo vệ. Thực chất, những người vướng vào vòng lao lý thời gian vừa qua từng vi phạm pháp luật.

Theo Đại biểu Quốc hội Nguyễn Hữu Thông (tỉnh Bình Thuận), cơ chế bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung đã được Bộ Chính trị đưa ra trong Kết luận số 14-KL/TW nhưng chưa được cụ thể bằng văn bản quy phạm pháp luật. Do đó, cán bộ còn e ngại, chỉ làm cầm chừng, không dám đột phá.

Dự thảo Nghị định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung do Bộ Nội vụ đề xuất chính là nhằm cụ thể hóa Kết luận số 14-KL/TW của Bộ Chính trị; tạo cơ sở pháp lý, cơ chế để khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, sẵn sàng đương đầu với khó khăn, thử thách, luôn nỗ lực hành động vì lợi ích chung.

Nghị định động viên cán bộ tích cực phát huy trí tuệ sáng tạo, mạnh dạn đề xuất ý tưởng, cách làm đột phá, tháo gỡ, giải quyết những điểm nghẽn, nút thắt trong cơ chế, chính sách, những vấn đề chưa được quy định hoặc đã có quy định nhưng không phù hợp với thực tiễn, mang lại giá trị, hiệu quả thiết thực, tạo được chuyển biến mạnh mẽ, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung.

Cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung, được cơ quan có thẩm quyền cho phép, nhưng khi thực hiện nhiệm vụ lại để xảy ra thiệt hại mà được xác định là triển khai các nội dung theo kế hoạch hoặc đề án đã được chấp thuận, có động cơ trong sáng, thì được miễn xử lý trách nhiệm.

Cán bộ là then chốt

Bộ Nội vụ cho rằng việc ban hành Nghị định là cần thiết nhằm cụ thể hóa chủ trương của Đảng, tạo hành lang pháp lý để khuyến khích và bảo vệ cán bộ có tinh thần đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, sẵn sàng đương đầu với khó khăn, thử thách, luôn nỗ lực hành động vì lợi ích chung, đồng thời góp phần ngăn ngừa, xử lý cán bộ lợi dụng chủ trương trên để làm trái, vụ lợi.

Tuy nhiên, cơ chế khuyến khích cán bộ, đảng viên có tinh thần dám nghĩ, dám làm chỉ phát huy tác dụng khi công tác nhân sự được thực hiện một cách sáng suốt, công tâm.

Đại biểu Quốc hội của tỉnh Hà Nam Trần Văn Khải nhận xét hiện nay, một số bộ phận không nhỏ công chức rất có năng lực nhưng lại thiếu động lực.

Họ giống như một số cầu thủ bóng đá, tham gia cá độ hoặc thờ ơ trong những trận đấu quyết liệt, thậm chí bỏ ra ngoài sân khi trận đấu vẫn đang cần họ.

Theo đại biểu Trần Văn Khải, vấn đề cấp bách hiện nay là làm thế nào để tuyển chọn được và xây dựng đội ngũ công chức, lãnh đạo ưu tú, sẵn sàng dấn thân vì Tổ quốc.

Đại biểu Tạ Văn Hạ, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, nhấn mạnh đến yếu tố con người, yếu tố công tác tổ chức trong vấn đề cán bộ, công chức đùn đẩy, né tránh, ảnh hưởng rất lớn đến việc thực hiện nhiệm vụ và phục vụ nhân dân. Mấu chốt không hẳn nằm ở khâu chính sách, pháp luật, cơ chế.

Theo đại biểu Tạ Văn Hạ, việc tiếp xúc cử tri cho thấy cán bộ với năng lực hạn chế thì sợ không dám làm, cán bộ có năng lực nhưng ý thức, tinh thần bị hạn chế thì cũng nghe ngóng, né tránh.

Công tác lựa chọn cán bộ hết sức quan trọng, là vấn đề gốc rễ. Tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương, triển khai các nghị quyết, kết luận của Trung ương về phát triển kinh tế-xã hội năm 2023, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh kiên quyết đấu tranh loại bỏ những người vướng vào tham nhũng, hư hỏng; chống mọi biểu hiện chạy chức, chạy quyền, cục bộ, ưu ái tuyển dụng người nhà, người thân không đủ tiêu chuẩn; có cơ chế, chính sách khuyến khích, bảo vệ những người năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm.

Tổng Bí thư yêu cầu chấn chỉnh, đấu tranh loại bỏ tư tưởng bàn lùi, lo ngại rằng việc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực sẽ cản trở sự phát triển, làm nhụt chí, gây ra tình trạng làm việc “cầm chừng,” “phòng thủ,” “che chắn,” “giữ an toàn” trong một bộ phận cán bộ, công chức nào đó, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp. Những ai có tư tưởng đó thì đứng sang một bên để người khác làm!

Theo Vietnam+
ĐÁNH GIÁ
5
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Khởi tố vụ án tham nhũng tại Chi cục Thủy sản tỉnh Thừa Thiên Huế

Ngày 3/10, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh cho biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh vừa ra quyết định khởi tố vụ án hình sự “Nhận hối lộ” xảy ra tại Chi cục Thủy sản tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2019 - 2022; khởi tố bị can và áp dụng các biện pháp ngăn chặn “Bắt bị can để tạm giam”, “khám xét” đối với 5 đối tượng về hành vi “Nhận hối lộ” quy định tại khoản 2, điều 354 Bộ luật hình sự.

Khởi tố vụ án tham nhũng tại Chi cục Thủy sản tỉnh Thừa Thiên Huế
Return to top