Báo cáo của Văn phòng Tỉnh ủy và Ban Tổ chức Tỉnh ủy cho thấy, bên cạnh kiện toàn lại tổ chức bộ máy văn phòng để thực hiện Văn phòng cấp ủy dùng chung, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo Văn phòng Tỉnh ủy tiếp nhận, phát hành và lưu trữ văn bản; quản lý, vận hành, xây dựng hệ thống công nghệ thông tin; quản lý, sử dụng tài chính; thống nhất phương tiện về một đầu mối…
Các ý kiến phát biểu tại buổi làm việc
Kết quả sau khi sắp xếp tổ chức bộ máy theo Quy định 04 - QĐi/TW, bộ máy của các ban Đảng, UBKT Tỉnh ủy, Văn phòng Tỉnh ủy đã tinh gọn hơn, từ 29 phòng chuyên môn giảm xuống còn 20 phòng chuyên môn (giảm 9 phòng chuyên môn); giảm 9 cấp trưởng phòng và 8 cấp phó phòng.
Tuy nhiên, quá trình thực hiện Văn phòng cấp ủy dùng chung cũng đã bộc lộ nhiều tồn tại, bất cập. Đó là mới chỉ dừng lại ở sắp xếp cơ học, chưa giảm được biên chế; việc cán bộ văn thư thuộc biên chế Văn phòng Tỉnh ủy giữ con dấu của các ban của Đảng dẫn đến khó khăn trong chỉ đạo, điều hành, xử lý một số công việc cấp bách, phát sinh; quản lý tài chính còn bất cập; do giảm số lượng lãnh đạo cấp phòng nên ảnh hưởng đến công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ…
Trên cơ sở những tồn tại, bất cập từ thực tế và qua những kiến nghị, đề xuất của Tỉnh ủy, lãnh đạo các ban Đảng của Tỉnh ủy, Phó Chánh Văn phòng Trung ương Đảng - Bùi Văn Thạch và Đoàn công tác đã chia sẻ những khó khăn với tỉnh hiện nay. Đồng thời khẳng định, sau khi khảo sát ở các tỉnh khác, trong đó có Thừa Thiên Huế, Văn phòng Trung ương Đảng sẽ trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư về những bất cập để có sự điều chỉnh phù hợp.
“Dù có mô hình như thế nào, tập trung hay phân tán thì mục tiêu lớn nhất vẫn là làm sao tham mưu, xây dựng để tổ chức Đảng ngày càng mạnh lên. Muốn vậy, bộ máy tham mưu, phục vụ Đảng cần phải làm tốt hơn nữa vai trò, chức trách nhiệm vụ của mình để mang lại hiệu quả cao nhất”, Phó Chánh Văn phòng Trung ương Đảng Bùi Văn Thạch khẳng định.
Tin, ảnh: Anh Phong