ClockThứ Tư, 30/01/2019 09:52

Để Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển

Đối với nước ta, vùng biển, đảo không chỉ là một bộ phận cấu thành chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, mà cùng với đất liền, còn tạo ra môi trường sinh tồn phát triển đời đời bền vững của dân tộc Việt Nam. Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) đã thông qua Nghị quyết số 09-NQ/TW, ngày 09-2-2007, “Về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020”.

Nuôi trồng thủy sản ở vịnh Lan Hạ - Nguồn: zing.vn

Kết quả đạt được và những hạn chế trong việc tổ chức triển khai thực hiện Chiến lược biển Việt Nam

Những kết quả đạt được

Qua hơn 10 năm,việc triển khai Nghị quyết số 09 về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020, đạt được những thành tựu quan trọng:

Góp phần nâng cao nhận thức của các ngành các cấp và toàn xã hội về vai trò của biển, tập trung trí tuệ của toàn Đảng, toàn dân về chủ quyền, phát triển biển, đảo của Tổ quốc.

Bảo đảm giữ vững chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, quyền chủ quyền quốc gia trên biển, đảo, năng lực và khả năng tác chiến của các lực lượng bảo đảm an ninh, quốc phòng trên biển từng bước được nâng cao, hiện đại hóa.

Trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, hoạt động đối ngoại được đẩy mạnh nhằm bảo vệ chủ quyền biển, đảo, đồng thời thu hút các nguồn lực theo nguyên tắc bình đẳng cùng có lợi.

Một số ngành lĩnh vực kinh tế biển đã có bước phát triển nhanh, từng bước hình thành một số cảng có tầm cỡ khu vực, như cảng Cái Mép - Thị Vải, sản lượng và xuất khẩu thủy sản của Việt Nam tăng cao, du lịch biển có bước phát triển, đóng góp tích cực vào tăng trưởng GDP, đã có sự kết hợp giữa khai thác và nuôi trồng hải sản.

Công tác điều tra tài nguyên môi trường biển được chú trọng hơn, kết cấu hạ tầng biển được cải thiện từng bước cả về đường bộ ven biển và hệ thống cảng hàng không.

Hạn chế, yếu kém

Ngoài kết quả đạt được, việc triển khai Chiến lược biển trong 10 năm qua cũng bộc lộ những hạn chế, yếu kém, nổi bật như:

Một số mục tiêu, chỉ tiêu đề ra trong Nghị quyết về phát triển kinh tế biển và ven biển chưa đạt được (như chỉ tiêu đóng góp của kinh tế biển và ven biển khoảng 53% - 55% tổng GDP của cả nước, thu nhập bình quân đầu người của nhân dân vùng biển và ven biển cao gấp hai lần so với thu nhập bình quân chung của cả nước). Về tổng thể, quy mô kinh tế biển còn nhỏ bé, chưa tương xứng với tiềm năng; cơ cấu ngành, nghề chưa hợp lý, mới phát triển một phần ở vùng biển quốc gia, chưa chuẩn bị điều kiện để vươn ra vùng biển quốc tế, phương thức khai thác kinh tế biển chủ yếu vẫn là sản xuất nhỏ.

Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 chưa dự báo và đánh giá sự điều chỉnh chiến lược biển của các nước lớn, như Trung Quốc và Mỹ, đặc biệt những xu hướng mới tình trạng gia tăng căng thẳng trên Biển Đông, liên quan đến các nội dung về an ninh, quốc phòng và đối ngoại trên biển.

Mặc dù trong Nghị quyết đã nêu định hướng phát triển khoa học - công nghệ biển, trong đó xác định phát triển khoa học - công nghệ biển phải trở thành động lực của phát triển các lĩnh vực liên quan đến biển. Xây dựng tiềm lực khoa học - công nghệ biển phục vụ quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Tuy nhiên, việc triển khai nhận thức về hướng đi phát triển khoa học - công nghệ biển còn chưa đầy đủ, trên thực tế khả năng khoa học - công nghệ biển còn hạn chế.

Trong Nghị quyết, phần giải pháp có nêu định hướng đào tạo phát triển nguồn nhân lực phục vụ triển khai Chiến lược biển (từ cấp quản lý vĩ mô đến nguồn nhân lực của các ngành liên quan đến kinh tế biển, ngư dân). Tuy nhiên, việc nhận thức còn chưa sâu sắc đầy đủ, do vậy việc triển khai đào tạo phát triển nguồn nhân lực phục vụ triển khai Chiến lược biển còn lúng túng, hạn chế, thiếu đồng bộ.

Về quản lý nhà nước, mặc dù trong Nghị quyết có đặt vấn đề “Xây dựng cơ quan quản lý nhà nước tổng hợp, quản lý thống nhất về biển, xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật về biển một cách đầy đủ”, tuy nhiên việc thành lập Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường là cơ quan quản lý nhà nước tổng hợp về biển, đảo mặc dù là bước đi quan trọng, song chưa thực hiện được đầy đủ vai trò quản lý thống nhất và tổng hợp các vấn đề trên biển, đảo. Tình trạng quản lý nhà nước về biển, đảo chưa đủ mạnh, thiếu sự tập trung thống nhất; phân công, phân cấp phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương chưa chặt chẽ, trong thực hiện thiếu sự kiểm tra đôn đốc và còn hiện tượng chồng chéo, thiếu phối hợp.

Công tác quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh mặc dù được chú trọng, song chưa thực hiện được mục tiêu như Nghị quyết đề ra là phải đi trước một bước với tầm nhìn dài hạn và hiện đại theo những tiêu chuẩn phù hợp với quốc tế và khu vực. Tình trạng phát triển kinh tế biển, xây dựng kết cấu hạ tầng biển, đảo còn mang tính dàn đều, thiếu đầu tư chiều sâu, đủ mức để tạo nhanh đột phá cho phát triển hạ tầng quốc gia liên vùng.

Việc nhận thức về xây dựng một số tập đoàn kinh tế mạnh làm chủ lực để phát triển kinh tế biển trong một số lĩnh vực, như dầu khí, vận tải biển... chưa đồng bộ, trong khi cơ chế quản lý và giám sát không chặt chẽ, cộng thêm năng lực, phẩm chất của cán bộ quản lý các tập đoàn quy mô lớn còn hạn chế, yếu kém, đã dẫn đến tình trạng kinh doanh thua lỗ, thất thoát tài sản, tham nhũng tại Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN), Tập đoàn VINASHIN, Tập đoàn VINALINE.

Nhận thức về bảo vệ môi trường biển và ven biển, phòng, chống thiên tai đã được xác định trong Nghị quyết, tuy nhiên việc quán triệt của các ngành, các cấp chưa toàn diện, dẫn đến tình trạng khai thác cạn kiệt nguồn lợi thủy sản, không sử dụng bền vững tài nguyên biển, môi trường biển xuống cấp trầm trọng ở nhiều nơi. Việc khai thác quá “nóng” tài nguyên biển dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường, chưa chú trọng đến phát triển bền vững còn xảy ra ở nhiều địa phương. Việc thực hiện các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng chưa đồng bộ, hiệu quả còn hạn chế.

Nguyên nhân của hạn chế, yếu kém

Nguyên nhân khách quan do bối cảnh quốc tế và khu vực có nhiều thay đổi theo hướng bất lợi cho Chiến lược biển của nước ta, như cuộc khủng hoảng tài chính kinh tế toàn cầu năm 2008 - 2009 khiến giá dầu thô sụt giảm nhanh chóng; sự cạnh tranh khốc liệt của các hãng tàu lớn trong ngành vận tải biển; việc thu hẹp ngư trường truyền thống, sự suy giảm nguồn lợi thủy sản nghiêm trọng. Bên cạnh đó, vấn đề biến đổi khí hậu, nước biển dâng, những diễn biến phức tạp về an ninh, chủ quyền trên Biển Đông đã tác động không thuận đối với việc triển khai Chiến lược biển của Việt Nam trong 10 năm qua.

Về nguyên nhân chủ quan, ngoài việc Chiến lược biển xác định các mục tiêu, nhiệm vụ còn chưa phù hợp, mang tính chủ quan; việc nhận thức về vị trí, vai trò của biển trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của các cấp, các ngành mặc dù được nâng lên, song còn chưa đầy đủ, đồng bộ.

Bộ máy, phương thức quản lý nhà nước về biển, đảo nhìn chung còn nhiều hạn chế. Một số cơ chế, chính sách phát triển kinh tế biển chưa phù hợp, hiệu quả không cao, thậm chí bị lợi dụng, như Chương trình đánh bắt xa bờ, Đề án trang bị tàu sắt cho ngư dân hiệu quả thấp, vấn đề thu hút khuyến khích người dân ra đảo định cư còn gặp nhiều khó khăn. Nguồn lực đầu tư cho kinh tế biển, các dự án trọng điểm còn bị phân tán, dàn trải, thiếu sự tập trung, thống nhất nên chưa phát huy tốt nhất hiệu quả. Trình độ khoa học - công nghệ biển và đào tạo, sử dụng nguồn nhân lực biển chưa được quan tâm đầu tư đúng mức để tạo bước phát triển mới.

Một số bài học rút ra

Kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn triển khai Chiến lược biển Việt Nam trong hơn 10 năm qua ở nước ta cho thấy, để xây dựng Chiến lược biển mang tính khoa học và khả thi cao thì tiền đề cần thiết quan trọng là phải đánh giá toàn diện bối cảnh quốc tế khu vực, vị trí của Việt Nam trong khu vực, tình hình trong nước để xác định chuẩn xác lợi thế so sánh của ta trong cuộc cạnh tranh toàn cầu, cũng như xác định tầm nhìn chiến lược, động lực phát triển của Chiến lược biển Việt Nam.

Chiến lược biển phải bảo đảm định hướng chiến lược thống nhất giữa các lĩnh vực, như kinh tế kết hợp với quốc phòng, an ninh - quốc phòng - đối ngoại trong bối cảnh hiện nay và xác định ví trí được chú trọng đặt lên hàng đầu.

Việc xây dựng và triển khai thực hiện Chiến lược biển là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, việc tổ chức thực hiện phải sâu sát, quyết liệt, phân định rõ trách nhiệm của các cơ quan, bộ, ngành, địa phương, tập thể và cá nhân. Cần chú trọng đầu tư, huy động các nguồn lực trong và ngoài nước, đổi mới thể chế để thực hiện hiệu quả các mục tiêu đề ra trong chiến lược.

Bối cảnh mới và những đề xuất trong thời gian tới

Tình hình quốc tế và khu vực

Trong những năm tới, tình hình thế giới và khu vực tiếp tục có sự thay đổi nhanh chóng, diễn biến phức tạp, mặc dù hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế chủ đạo, tăng trưởng của kinh tế thế giới và khu vực đạt được một số kết quả nhất định. Tuy nhiên, tình hình chính trị - an ninh diễn biến phức tạp, tiềm ẩn những nhân tố bất ổn, khó lường tác động đến chiến lược biển của các quốc gia, trong đó có Việt Nam. Xuất hiện những xu hướng mới, như sự chuyển dịch quyền lực của các nước lớn, tăng cường sự cạnh tranh chiến lược tại nhiều khu vực trên thế giới, nhất là tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có Biển Đông. Các nước lớn vừa gia tăng cọ sát trong các vấn đề mang tính chiến lược, vừa tăng cường lôi kéo các nước nhỏ vào các tập hợp lực lượng trong việc triển khai điều chỉnh chiến lược biển của mình. Hai xu hướng bảo hộ và tự do hóa thương mại cọ sát nhau gay gắt mà 2 đại diện chủ yếu là sự cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc.

Biển Việt Nam thuộc Biển Đông nằm trên tuyến đường giao thông huyết mạch nối liền Thái Bình Dương - Ấn Độ Dương, châu Âu - châu Á, Trung Đông - châu Á. Đây được coi là tuyến đường vận tải quốc tế nhộn nhịp thứ hai của thế giới. Hơn 90% lượng vận tải thương mại của thế giới thực hiện bằng đường biển và 45% số đó đi qua Biển Đông.

Biển Đông trong thời gian qua xuất hiện nhiều xu hướng bất ổn mới do Trung Quốc đã xác lập một “hiện trạng mới” có lợi cho Trung Quốc và đang tìm cách củng cố hiện trạng mới này. Trung Quốc công khai khẳng định lợi ích và tuyên bố kiên trì mục tiêu kiểm soát Biển Đông. Bên cạnh đó, nước này cũng triển khai nhiều biện pháp vừa nhằm làm chìm vấn đề Biển Đông, hạn chế sự can dự của Mỹ, vừa tiếp tục lôi kéo và chia rẽ các nước ASEAN trong vấn đề này. Trung Quốc thực hiện chiến lược cường quốc đại dương, triển khai sáng kiến “Vành đai, Con đường” và “Con đường tơ lụa trên biển thế kỷ XXI”. Mục tiêu lâu dài và xuyên suốt của Trung Quốc là hiện thực hóa chủ quyền “đường lưỡi bò”, tiếp tục xây dựng các bãi cạn chiếm đóng trái phép của ta thành đảo nhân tạo, thực hiện quân sự hóa Biển Đông, âm mưu thôn tính độc chiếm Biển Đông. Đây chính là mối đe dọa trực tiếp đến lợi ích quốc gia, chủ quyền biển, đảo của Việt Nam trong hiện tại và tương lai. Thực tế cho thấy trong nội bộ các nước ASEAN có xu hướng bị phân hóa trước vấn đề Biển Đông, một số nước theo đuổi chính sách thực dụng với Trung Quốc và chịu sự tác động của các nước lớn. Quá trình chuyển từ Tuyên bố ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC) sang Bộ quy tắc ứng xử của các bên trên Biển Đông (COC) thực chất tại Biển Đông giữa Trung Quốc và ASEAN còn gặp nhiều khó khăn.

Ngoài tác động của các yếu tố an ninh - quốc phòng, cạnh tranh các nước lớn trong bối cảnh mới thì tác động mạnh mẽ của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư cũng tạo ra cơ hội và thách thức trong việc khai thác sử dụng các tiềm năng to lớn của biển cũng như thách thức trong việc giải quyết các vấn đề nảy sinh từ triển khai chiến lược biển của các quốc gia như giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu, nước biển dâng, tình hình cạn kiệt nguồn tài nguyên biển, ô nhiễm môi trường.

Tình hình trong nước

Qua hơn 30 năm đổi mới, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn, quan trọng về phát triển kinh tế - xã hội, tích cực, chủ động hội nhập quốc tế, thế và lực, sức mạnh tổng hợp của đất nước, uy tín quốc tế của nước ta ngày càng nâng cao, năm 2017, theo Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) năng lực, cạnh tranh của kinh tế Việt Nam đã tăng 5 bậc, lên thứ 55/137. Ngân hàng Thế giới (WB) xếp hạng về môi trường kinh doanh của Việt Nam tăng 14 bậc, lên thứ 68/190 quốc gia, vùng lãnh thổ.

Việt Nam tích cực tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTA), ngày 9-3-2018 vừa qua Việt Nam đã cùng các đối tác tham gia ký Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) tại Chi-lê. Hiệp định này gần như mở cửa hoàn toàn thị trường của 11 nền kinh tế chiếm tới 13,5% GDP toàn cầu, tương đương khoảng 13.000 tỷ USD. Hiệp định này đã mở ra nhiều cơ hội và thách thức để Việt Nam gia tăng xuất khẩu, thu hút đầu tư nước ngoài, đẩy mạnh cải cách thể chế, thủ tục hành chính, xây dựng môi trường kinh doanh công khai, minh bạch, góp phần tăng cường hợp tác quốc tế về biển với các quốc gia trong khu vực, nhằm phát triển bền vững biển trong điều kiện hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.

Nước ta bước vào giai đoạn mới của sự phát triển với những thời cơ thuận lợi, cùng thách thức, khó khăn. Bên cạnh những kết quả đạt được, đất nước cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn về tiềm lực, sức cạnh tranh còn hạn chế của nền kinh tế, các nguồn lực đầu tư phát triển còn eo hẹp, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về biển còn hạn chế... Trong bối cảnh đó, trên Biển Đông, tranh chấp chủ quyền, biển đảo còn diễn biến phức tạp, khó lường, đòi hỏi sự tập trung và chuẩn bị kỹ lưỡng cho tình huống mới. Nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc đang đứng trước rất nhiều thách thức, khó khăn, do vậy cần không ngừng nâng cao cảnh giác để không rơi vào thế bị động bất lợi trong vấn đề Biển Đông, sẵn sàng đối phó với mọi tình huống có thể xảy ra, kiên quyết giữ vững chủ quyền, môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước.

Tình hình đó tác động mạnh mẽ, toàn diện, sâu sắc đến Chiến lược biển của nước ta trong thời gian tới. Xuất phát từ những yêu cầu khách quan cấp bách của thực tiễn đất nước trong bối cảnh mới của khu vực, thế giới trong thời gian tới.

Quan điểm chỉ đạo và đề xuất một số giải pháp, kiến nghị

Quan điểm chỉ đạo trong Chiến lược biển trong giai đoạn phát triển mới, gồm:

Một là, thống nhất nhận thức vai trò then chốt, quan trọng của biển đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Thế kỷ XXI được xác định là “Thế kỷ của đại dương”, do vậy biển có ý nghĩa vô cùng quan trọng sống còn để nước ta phát triển bền vững đối với các dân tộc Việt Nam và các thế hệ mai sau, đồng thời mở rộng hợp tác, giao lưu khu vực và quốc tế. Chiến lược biển phải góp phần quan trọng đưa nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trở thành nước công nghiệp hiện đại, theo định hướng xã hội chủ nghĩa, vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, ngày càng phồn vinh, hạnh phúc.

Chú trọng xây dựng và phát triển văn hóa biển Việt Nam thể hiện truyền thống dân tộc và giao lưu hội nhập quốc tế. Tích cực chuẩn bị các điều kiện để nước ta không những khai thác, sử dụng hiệu quả vùng biển quốc gia mà còn vươn ra vùng biển quốc tế.

Hai là, xây dựng và phát triển toàn diện các lĩnh vực kinh tế, xã hội, khoa học - công nghệ, nguồn nhân lực, tăng cường củng cố quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của ta trên các vùng biển và thềm lục địa, làm cho đất nước ta thật sự giàu mạnh từ biển, bảo vệ vững chắc môi trường biển.

Ba là, xác lập chủ quyền đầy đủ, quản lý bảo vệ vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của nước ta trên các vùng biển, thềm lục địa. Phát huy sức mạnh tổng hợp của đất nước, của hệ thống chính trị, nhằm giữ vững độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ; bảo vệ vững chắc vùng trời, các vùng biển, hải đảo của Tổ quốc, góp phần giữ gìn môi trường hòa bình, hợp tác hữu nghị giữa các quốc gia trong khu vực Biển Đông. Mở rộng quan hệ đối ngoại, đẩy mạnh hợp tác quốc tế với các nước trên thế giới, nhất là các nước có lợi ích tại khu vực Biển Đông. Tăng cường đối thoại, hợp tác, giải quyết các vấn đề xung đột trên biển bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế và trên nguyên tắc tôn trọng chủ quyền quốc gia của mỗi nước.

Bốn là, bảo đảm phát triển nhanh, bền vững các ngành kinh tế biển, có lộ trình bước đi hợp lý đến năm 2030, 2045, trước mắt chú trọng phát triển các ngành kinh tế tiềm năng, như du lịch biển; kinh tế hàng hải; khai thác, nuôi trồng chế biến hải sản; xây dựng các đặc khu kinh tế, tìm kiếm thăm dò, khai thác chế biến dầu khí....

Năm là, xây dựng và triển khai thực hiện Chiến lược biển là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, trực tiếp là của các cấp ủy, tổ chức đảng mà trước hết là người đứng đầu. Phát huy mạnh mẽ vai trò của Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và cơ quan truyền thông báo chí trong việc tuyên truyền, phổ biến về vị trí vai trò của biển, đảo.

Trên cơ sở đó, đề xuất một số giải pháp, kiến nghị sau:

- Nâng cao nhận thức, tăng cường tuyên truyền giáo dục chính trị tư tưởng về biển, đảo của Tổ quốc, xây dựng và thực hiện định hướng Chiến lược biển thống nhất trong giai đoạn tới là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân nên để tạo sức mạnh tổng hợp có thể phổ biến công khai Chiến lược biển.

- Tiếp tục kiện toàn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về Chiến lược biển, tăng cường phối hợp chặt chẽ các cấp, ngành và liên kết các thành phần kinh tế trong thực hiện Chiến lược biển.

- Đẩy mạnh xây dựng hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về biển đảo. Tập trung xây dựng hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến thực hiện Luật Biển Việt Nam; Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; Luật Thủy sản (năm 2017), Luật Quy hoạch (năm 2017) và một số luật khác mới được ban hành liên quan đến biển, đảo, tạo điều kiện cơ sở pháp lý để phát triển một số đặc khu kinh tế ven biển có tầm quốc tế.

- Đổi mới đồng bộ, mạnh mẽ thể chế, cơ chế chính sách, cho phát triển kinh tế biển. Cơ cấu lại tổng thể các ngành kinh tế biển theo hướng liên kết chặt chẽ các ngành, gắn kết phát triển các ngành kinh tế với phát triển các vùng, trung tâm kinh tế biển, doanh nghiệp biển. Xây dựng và mở rộng các mô hình quản lý tổ chức sản xuất, kinh doanh phù hợp tiêu chuẩn quốc tế, như tổ chức khai thác biển tập trung liên kết các khâu gia tăng chuỗi giá trị sản phẩm, mô hình hợp tác sản xuất trên biển. Nghiên cứu, xây dựng cơ chế, chính sách vượt trội cho một số địa phương, địa bàn được xác định đóng vai trò trung tâm kinh tế biển mạnh của cả nước. Tập trung đầu tư có hiệu quả các khu kinh tế, khu công nghiệp, đô thị ven biển và hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ.

- Áp dụng các thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 vào thực hiện các mục tiêu của Chiến lược biển quốc gia, nhất là chuyển từ kinh tế biển chủ yếu dựa vào vốn đầu tư, khai thác tài nguyên, gây ô nhiễm môi trường sang kinh tế dựa trên nền tảng tri thức, khoa học - công nghệ, nguồn nhân lực chất lượng cao, phát huy hiệu quả tiềm năng lợi thế của biển Việt Nam.

- Bảo đảm các nguồn lực, tập trung đầu tư để thực hiện Chiến lược biển, nhất là định hướng phát triển khoa học - công nghệ, phát triển nguồn nhân lực biển. Tiếp tục đầu tư đẩy nhanh tiến độ xây dựng các khu kinh tế quốc phòng trên biển. Tăng cường hợp tác quốc tế về biển.

- Coi trọng và tăng cường công tác quy hoạch, kế hoạch, nghiên cứu dự báo trong triển khai thực hiện Chiến lược biển.

Theo Tạp chí Cộng sản

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đội tuyển Việt Nam sẽ thi đấu AFF Cup 2024 trên sân vận động Việt Trì

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Phú Thọ cho biết, ngày 13/11, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) đã chính thức có công văn đề nghị UBND tỉnh Phú Thọ xem xét và chấp thuận giao Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Liên đoàn tổ chức các trận thi đấu của Đội tuyển Việt Nam trong khuôn khổ vòng loại Giải Bóng đá vô địch Đông Nam Á Mitsubishi Electric Cup 2024 (AFF Cup 2024).

Đội tuyển Việt Nam sẽ thi đấu AFF Cup 2024 trên sân vận động Việt Trì
Nhiều công ty nước ngoài mở rộng năng lực thử nghiệm và đóng gói chip tại Việt Nam

Hãng tin Reuters hôm qua (12/11) dẫn lời các giám đốc điều hành cho biết, nhiều công ty nước ngoài đang mở rộng năng lực thử nghiệm và đóng gói chip tại Việt Nam, trong khi các công ty trong nước đang “để mắt” đến việc hợp tác đầu tư, giữa bối cảnh nhiều doanh nghiệp đang nhanh chóng dịch chuyển ra khỏi Trung Quốc để tránh tác động từ căng thẳng thương mại.

Nhiều công ty nước ngoài mở rộng năng lực thử nghiệm và đóng gói chip tại Việt Nam
Thủ tướng: Đưa giáo dục và đào tạo Việt Nam theo kịp các nước phát triển càng sớm càng tốt

Chỉ rõ 5 yếu tố về thời gian, trí tuệ, khát vọng, tự lực và hội nhập, cùng 3 nội dung cần đặc biệt lưu ý để tiếp tục đổi mới giáo dục và đào tạo theo chủ trương của Đảng, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh khát vọng đột phá để đưa nền giáo dục và đào tạo nước ta theo kịp, ngang tầm các nước phát triển càng sớm càng tốt.

Thủ tướng Đưa giáo dục và đào tạo Việt Nam theo kịp các nước phát triển càng sớm càng tốt
Khai mạc giải Giải tennis chào mừng Ngày pháp luật Việt Nam

Sáng 2/11 tại Nhà Văn hóa Lao động tỉnh diễn ra Giải tennis kỷ niệm 78 năm Ngày pháp luật Việt Nam (9/11/1946 - 9/11/2024). Đến dự lễ khai mạc có ông Nguyễn Văn Phước, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh và ông Nguyễn Đình Huy, Giám đốc Công ty Luật TNHH MTV Huy Thịnh - đơn vị tài trợ chính giải đấu.

Khai mạc giải Giải tennis chào mừng Ngày pháp luật Việt Nam
Return to top