Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa ký ban hành Quy định của Bộ Chính trị về luân chuyển cán bộ lãnh đạo quản lý. (Ảnh: Chinhphu.vn)
Đánh giá cao Quy định số 98 của Bộ Chính trị về luân chuyển cán bộ nhằm tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chủ trương, nghị quyết của Đảng về công tác cán bộ và luân chuyển cán bộ, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ ngang tầm nhiệm vụ trong từng giai đoạn, cán bộ, đảng viên và nhân dân cho rằng, thời gian qua việc thực hiện chưa đúng quy định đã tạo cho dư luận không tốt về việc đề bạt, luân chuyển cán bộ.
Có hiện tượng một nhóm người lợi dụng chức vụ quyền hạn, đưa người nhà, người thân, con cháu vào những vị trí không hợp lý. Bởi vậy, quy định về việc luân chuyển cán bộ lần này sẽ đổi mới mạnh mẽ công tác luân chuyển cán bộ, bảo đảm dân chủ, khách quan, công khai, minh bạch, công bằng; ngăn chặn tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm, quan hệ dòng họ, thân quen...
Ông Bùi Đức Phiện, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra, Liên hiệp Giao thông 2, Bộ Giao thông - Vận tải, cho rằng dư luận rất ủng hộ chủ trương và mong muốn sẽ làm được như vậy. “Tôi nghĩ chúng ta nên làm cho kỹ và thực chất. Trong quy trình phải giám sát, xem tất cả mọi mặt”, ông Phiện nêu ý kiến.
Dư luận cũng đánh giá cao việc quy định về luân chuyển cán bộ cũng có kế hoạch cụ thể. Việc luân chuyển cán bộ phải bảo đảm tổng thể, phải gắn với quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, đánh giá, sắp xếp, bố trí, sử dụng cán bộ; bố trí cân đối, hài hòa giữa luân chuyển cán bộ với việc phát triển nguồn cán bộ tại chỗ. Chỉ luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý, không luân chuyển cán bộ làm công tác chuyên môn, nghiệp vụ. Đặc biệt, không điều động về Trung ương, về địa phương hoặc sang địa phương khác những cán bộ bị kỷ luật, năng lực yếu, uy tín giảm sút, không có triển vọng phát triển.
Ông Đặng Huy Cứ, nguyên cán bộ Cục Quân Y cho rằng, cán bộ bị kỷ luật thì phải có thời gian phấn đấu, rèn luyện và đánh giá được có thực sự chuyển biến hay không thì mới tiếp tục đề bạt, cân nhắc. Còn nếu vừa kỷ luật thời gian ngắn, chưa có sự rèn luyện phấn đấu, tổ chức cơ sở chưa đánh giá, dư luận chưa thấy có tiến bộ đã đề bạt, cất nhắc là không hợp lý.
Với quy định thời gian luân chuyển là 3 năm, nhiều ý kiến cho rằng đối tượng luân chuyển phải là cán bộ trẻ, có năng lực, triển vọng, trong quy hoạch của địa phương, cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị. Cán bộ luân chuyển có lập trường, tư tưởng chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức tốt; có năng lực và triển vọng phát triển; về cơ bản đáp ứng tiêu chuẩn, tiêu chí chức danh luân chuyển theo quy định.
Đại tá - Tiến sỹ, Nhà giáo ưu tú Châu Nam Long
Đại tá - Tiến sỹ, Nhà giáo ưu tú Châu Nam Long cho rằng quy định như vậy là đảm bảo, phải có thời gian để tổ chức và tập thể đánh giá, nhìn nhận quá trình phấn đấu của người đó; có độ chín để người đề bạt có thể hoàn thành nhiệm vụ mới. Nếu chưa có quá trình phấn đấu đã được đề bạt, khiến cá nhân dễ có tâm lý tự mãn với những gì đạt được.
Quy định về luân chuyển cán bộ sẽ góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ ngang tầm nhiệm vụ trong từng giai đoạn; đổi mới mạnh mẽ công tác luân chuyển cán bộ, bảo đảm dân chủ, khách quan, công khai, minh bạch; ngăn chặn tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm, quan hệ dòng họ, thân quen... Đồng thời việc thực hiện quy định này góp phần bảo đảm thực hiện chủ trương đào tạo, bồi dưỡng toàn diện và sử dụng có hiệu quả đội ngũ cán bộ; tạo điều kiện cho cán bộ trẻ, có triển vọng, cán bộ trong quy hoạch được rèn luyện thực tiễn; tạo nguồn cán bộ lâu dài cho đất nước.
Theo VOV