Kinh tế vườn - một trong những hướng phát triển mang lại hiệu quả ở Vinh Hưng. Ảnh: Tâm Anh
Bí thư Đảng ủy xã Vinh Hưng - ông Trần Đình Quang nhớ lại: “Trước năm 2010, xã tập trung phát triển kinh tế theo hướng thủy sản – nông nghiệp – tiểu thủ công nghiệp, tuy nhiên, hiệu quả kinh tế mang lại chưa cao. Vì vậy, từ Đại hội Đảng bộ xã khóa XI nhiệm kỳ 2010-2015, Đảng ủy đã lãnh đạo chính quyền, Nhân dân toàn xã mạnh dạn chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng dịch vụ - tiểu thủ công nghiệp – nông nghiệp; trong đó, chú trọng các chương trình trọng điểm phát triển kinh tế - xã hội. Với sự nỗ lực phấn đấu, Vinh Hưng đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao mức sống người dân”.
Từ một xã đầm phá, người dân chủ yếu sản xuất nông nghiệp thuần túy, hạ tầng không đáp ứng nhu cầu phục vụ sản xuất, dưới sự lãnh, chỉ đạo, điều hành của Đảng ủy xã, đến nay, diện mạo Vinh Hưng đã có sự đổi thay nhanh chóng. Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Vinh Hưng, ông Lê Văn Hùng phấn khởi: “Qua 5 năm, xã đã huy động các nguồn lực để xây dựng nông thôn mới, với tổng kinh phí hơn 110 tỷ đồng. Trong đó, Nhân dân đóng góp gần 41,5 tỷ đồng để xây dựng hơn 46km đường giao thông. Trung Hưng là thôn vùng thủy diện có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất xã, sau quá trình nỗ lực phấn đấu, đến nay, thôn chỉ còn 13 hộ nghèo (chiếm tỷ lệ 3,5%); 100% hộ có nhà xây kiên cố và sử dụng nước sạch”.
“Phát huy vai trò của đội ngũ cán bộ, đảng viên, thời gian qua, Mặt trận và các tổ chức đoàn thể Nhân dân trong xã đã tích cực vận động người dân hiến đất xây dựng cơ sở hạ tầng. Người dân đã tự nguyện hiến 12ha đất để xây dựng các công trình phúc lợi công cộng. Lương Viện là 1 trong 6 thôn khó khăn, nhưng lại đi đầu trong xây dựng cơ sở hạ tầng, với việc bê tông hóa giao thông nông thôn đạt 95%. Bà con trong thôn còn tự nguyện đóng góp 100 triệu đồng để lắp hệ thống điện chiếu sáng, tạo thêm bộ mặt mới cho xã ”, Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam xã Vinh Hưng, ông Hoàng Tửu cho biết thêm.
Thời gian gần đây, Vinh Hưng được biết đến với nhiều mô hình phát triển kinh tế mang lại hiệu quả cao như: Mô hình nuôi cá xen ghép tôm, cua, cá; mô hình nuôi cá lồng, cá nước ngọt, chăn nuôi gia cầm theo mô hình gia trại. Không ít người dân đầu tư mua ô tô làm du lịch, xe thu gom hàng thủy sản. Ngành nghề tiểu thủ công nghiệp ở xã có chiều hướng phát triển tốt. Thu nhập bình quân đầu người ở Vinh Hưng là 25 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh chóng. Năm 2010, tỷ lệ hộ nghèo toàn xã là 20%, đến nay giảm xuống còn 4,91% (theo chuẩn mới).
Kết quả trong phát triển kinh tế - xã hội ở Vinh Hưng thời gian qua là minh chứng cho sự đoàn kết, thống nhất trong lãnh, chỉ đạo, điều hành của Đảng bộ, chính quyền xã, nhất là sự nỗ lực phấn đấu của người dân. Bí thư Đảng ủy xã Vinh Hưng, ông Trần Đình Quang khẳng định: “Từ thực tế lãnh, chỉ đạo, điều hành của Đảng ủy, chính quyền trong phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng nông thôn mới ở Vinh Hưng cho thấy, sự đoàn kết thống nhất trong đảng bộ cả về ý chí và hành động là vấn đề cốt lõi dẫn đến những thành công. Trong đó, nguyên tắc tập trung dân chủ, phê bình và tự phê bình, chất vấn trong Đảng là yếu tố sống còn. Công tác dân vận, sâu sát với cơ sở cũng được thực hiện trong toàn hệ thống chính trị, trong từng cán bộ, đảng viên. Do đó, những mâu thuẫn, nảy sinh từ cơ sở được Đảng ủy nắm bắt kịp thời và chỉ đạo, điều hành giải quyết dứt điểm”.
Đảng bộ xã Vinh Hưng có 13 chi bộ trực thuộc, với 115 đảng viên. Giai đoạn 2011 – 2015, Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân xã Vinh Hưng được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen về phong trào thi đua “Dân vận khéo”. Vinh Hưng là xã ven phá đầu tiên của huyện Phú Lộc đạt chuẩn nông thôn mới... |
Anh Phong