Theo đuổi đến cùng việc giải quyết kiến nghị của cử tri không chỉ là mong muốn của cử tri mà là trăn trở của nhiều đại biểu Quốc hội. Chắc chắn, đó cũng là trách nhiệm tiếp nối của đại biểu trong một nhiệm kỳ mới của Quốc hội. Để những kiến nghị của cử tri được xem xét một cách kịp thời, thấu đáo, không chỉ cần tâm huyết, năng lực của đại biểu mà còn thêm nhiều đòi hỏi khác.
Không ít đại biểu đến cuối nhiệm kỳ cùng chung tâm trạng day dứt vì chưa làm tròn vai đại diện của mình khi nhiều kiến nghị của cử tri chưa được giải quyết. Họ gọi đó là món nợ với cử tri. Một nhiệm kỳ mới của Quốc hội sắp bắt đầu. Làm thế nào để những món nợ với cử tri không bị kéo dài, để những kiến nghị của cử tri không dai dẳng từ kỳ họp này sang kỳ họp khác vẫn y nguyên là điều cần được xem xét một cách nghiêm túc. Trả lời cho được câu hỏi này cũng có nghĩa Quốc hội, các đại biểu Quốc hội mới hoàn thành trọng trách trước cử tri, cũng có nghĩa niềm tin của cử tri vào cơ quan đại diện dân cử cao nhất càng thêm vững bền.
Bà Trần Thị Quốc Khánh (Ảnh: TTXVN)
Để làm được điều đó, trước hết phụ thuộc vào từng đại biểu. Đại biểu lăn lộn với đời sống, sâu sát với cử tri để nắm bắt đúng tình hình, đó là yêu cầu tất yếu. Nhưng đại biểu cần phát huy vai trò giám sát của mình. Theo luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân 2015, đại biểu Quốc hội tự mình tiến hành hoạt động giám sát hoặc htam gia hoạt động giám sát với các đoàn. Theo bà Trần Thị Quốc Khánh, Ủy viên thường trực Ủy ban khoa học, công nghệ và môi trường nhiệm kỳ Quốc hội khóa 13 thì cần có cơ chế để đại biểu thực hiện hoạt động giám sát một cách thuận lợi và hiệu quả.
"Trong luật hoạt động giám sát của Quốc hội có quy định đại biểu Quốc hội chủ động đi giám sát. Cái quan trọng là nếu đi ở các địa phương thấy phấn khởi là đại biểu đã lắng nghe được tiếng đó và họ có chỉ đạo. Theo tôi, bây giờ phải tăng cường hoạt động giám sát của đại biểu. Nên chăng vụ phục vụ hoạt động giám sát nên có phối hợp với ban công tác đại biểu để nắm tình hình giám sát của các đại biểu Quốc hội nữa", bà Trần Thị Quốc Khánh nói.
Tuy nhiên, cũng có đại biểu cho rằng giám sát theo đoàn giám sát của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và đoàn đại biểu Quốc hội mang hiệu quả cao hơn vì tập trung trí tuệ tập thể, minh bạch và khách quan hơn. Nhưng trước mỗi đợt giám sát, câu hỏi giám sát cái gì, giám sát như thế nào, cơ chế nào đảm bảo hiệu lực giám sát tối cao của Quốc Hội vẫn đặt ra và cần câu trả lời thỏa đáng.
Bà Phạm Thị Hải, đại biểu Quốc Hội tỉnh Đồng Nai nhiệm kỳ Quốc hội khóa 13 cho rằng: "Giám sát thì không cần phải nhiều đoàn, không cần phải nhiều nội dung nhưng nội dung nào đi sâu vào nội dung đó. Đại biểu tham gia giám sát ở địa phương nên chăng tiếp tục giám sát ở Trung ương thì mới đảm bảo sự liên tục, làm hết trách nhiệm. Có nghĩa là nên nội dung ít, đoàn giám sát không cần phải nhiều nhưng đại biểu được đeo bám đến cùng nội dung mình mong muốn".
Để đi đến cùng việc giải quyết các kiến nghị của cử tri, việc các cơ quan của Quốc hội tổ chức phiên giải trình tập trung vào những vấn đề “nóng” cũng là cách thức đáng quan tâm. Theo ông Nguyễn Sỹ Cương, Ủy viên thường trực Ủy ban đối ngoại nhiệm kỳ Quốc hội khóa 13, các phiên giải trình không chỉ do một cơ quan mà có thể nhiều cơ quan của Quốc hội cùng phối hợp tổ chức để các kiến nghị của cử tri, những vấn đề của cuộc sống được phân tích dưới nhiều góc độ quản lý khác nhau, từ đó có giải pháp khách quan, xác đáng.
"Tôi dự một số các phiên giải trình thì thấy các Ủy ban có thể phối hợp với nhau mà tôi nghĩ cái này rất tốt. Cần có quy định cụ thể vì nó liên quan đến trách nhiệm của những cơ quan có lĩnh vực liên quan đến nhau và việc giải trình không nhất thiết phải gắn với phiên họp của Ủy ban", ông Nguyễn Sỹ Cương nói.
Dù được tiến hành theo cách thức nào, cá nhân đại biểu Quốc hội tiến hành giám sát hay giám sát theo đoàn thì chất lượng giám sát và khả năng theo đến cùng vấn đề vẫn được quyết định bởi mỗi đại biểu. Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh nhiệm kỳ Quốc hội khóa 13 cho rằng năng lực đại biểu chỉ là một yếu tố, quan trọng là cần đảm bảo cho đại biểu độc lập và khách quan trong suốt quá trình giám sát.
Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm
"Bao nhiêu mối quan hệ chằng chịt nên cách bố trí, cơ cấu làm sao để đại biểu có tính độc lập tương đối, có điều kiện phát huy chính kiến một cách độc lập. Phát hiện vấn đề là một phần, không phải không đủ năng lực để phát hiện đâu mà phát hiện được rồi thì có nói hay không, nói được hay không nói có ai nghe hay không, ba vấn đề trong cùng vấn đề chất lượng và hiệu lực giám sát", bà Nguyễn Thị Quyết Tâm nêu ý kiến.
Theo đuổi đến cùng việc giải quyết kiến nghị của cử tri sẽ chỉ có ý nghĩa khi hiệu lực của giám sát tối cao được coi trọng. Đại biểu Quốc hội nhiều lần đề nghị cần có chế tài đối với các cơ quan chịu sự giám sát không thực hiện các kết luận giám sát. Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân 2015 cũng quy định cơ quan, tổ chức, cá nhân nhận được kiến nghị có trách nhiệm xem xét và trả lời trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được kiến nghị. Quá thời hạn này mà không nhận được trả lời hoặc trường hợp không tán thành với nội dung trả lời thì đại biểu Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội có quyền kiến nghị với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xem xét, giải quyết, đồng thời báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.
Ông Trương Trọng Nghĩa, đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh nhiệm kỳ Quốc hội khóa 13 đề nghị cần cụ thể quy định này: "Nếu quá 15 ngày mà không giải quyết thì cần nói rõ hơn là đoàn đại biểu Quốc hội hoặc đại biểu thì có quyền kiến nghị với người đứng đầu cơ quan tổ chức xử lý hoặc cơ quan, tổ chức cấp trên xử lý".
Để những món nợ của cử tri không bị kéo dài, kiến nghị của cử tri được giải quyết kịp thời, hoạt động giám sát tối cao của Quốc hội cần có thực quyền và hiệu quả. Điều đó không chỉ phụ thuộc vào năng lực, tâm huyết, bản lĩnh của mỗi đại biểu mà quan trọng là cơ chế để đại biểu độc lập và cơ chế đảm bảo hiệu lực của các kết luận giám sát.
Theo VOV