ClockThứ Sáu, 12/08/2016 09:14

Lãng phí, sai phạm, tiêu cực: Mấy người đứng đầu bị xử lý?

Thực tiễn chứng minh người đứng đầu một số địa phương, cơ quan, đơn vị quyền hạn rất lớn, song khi có vấn đề thì trách nhiệm chưa tương thích.

Có thể thấy, trong các văn bản của Đảng, Chính phủ cũng như của các Bộ, ngành, cơ quan, đơn vị, lâu nay, cụm từ “người đứng đầu” được đề cập ngày càng nhiều, nhất là trong yêu cầu phát huy vai trò, trách nhiệm để khắc phục những yếu kém, tồn tại.

Đại biểu Quốc hội Phan Văn Tường (đoàn Thái Nguyên), khi phát biểu tại Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XIV cũng tâm tư rằng, lâu nay có lẽ nhận thức về trách nhiệm của người đứng đầu còn khác nhau nên thể hiện trong báo cáo cũng khác nhau, nhưng phần lớn nêu khẩu hiệu là "đề cao trách nhiệm người đứng đầu". Khẩu hiệu đó phổ biến, thường xuyên có trong nhiều lĩnh vực.

Đại biểu Quốc hội Phan Văn Tường: "Người đứng đầu quyền hạn rất lớn, song khi có vấn đề thì trách nhiệm chưa tương thích với quyền hạn".

Báo cáo của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổng hợp ý kiến kiến nghị cử tri cả nước gửi tới cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất cũng chỉ rõ, cơ chế xác định trách nhiệm của người đứng đầu, cơ quan quản lý nhà nước các cấp và người đứng đầu cấp ủy Đảng cùng cấp là chưa rõ, là một nguyên nhân của sự trì trệ trong quản lý nhà nước và tiêu cực tham nhũng.

Trên thực tế, không ít người đứng đầu các đơn vị, doanh nghiệp Nhà nước làm ăn thua lỗ, làm thất thoát vốn của Nhà nước, tiền thuế của dân, song trách nhiệm chưa được làm rõ, thậm chí thăng tiến nhanh hơn, gây bức xúc trong dư luận. Cũng vì thế mà Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga, sau khi liệt kê ra hàng loạt dự án, công trình “đắp chiếu”, thua lỗ, đứng trước nguy cơ phá sản cũng đề nghị phải nói rõ những người đứng đầu các đơn vị đó nay được bổ nhiệm, luân chuyển hay bố trí công tác đi đâu sau khi để lại hậu quả.

Theo đại biểu Quốc hội Phan Văn Tường, việc chưa xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu cũng là một phần thể hiện sự lúng túng trong sự phân định thiếu rạch ròi giữa lãnh đạo tập thể và cá nhân chịu trách nhiệm, đây cũng là kẽ hở để tồn tại việc “thành công là của tôi và thất bại là của chúng ta”.

Thực tế ở một số địa phương và cơ quan đã chứng minh vai trò của người đứng đầu, đã tạo ra những chuyển biến nhanh chóng theo hướng tích cực, đồng thời trong thời gian không dài được nhân dân và Quốc hội ghi nhận. Thực tiễn cũng chứng minh người đứng đầu một số địa phương, cơ quan, đơn vị quyền hạn rất lớn, gần như quyết định toàn bộ triệt để mọi vấn đề trong phạm vi địa phương, ngành, có thể trực tiếp hay gián tiếp. Song, khi có vấn đề, thậm chí vấn đề rất nghiêm trọng thì trách nhiệm chưa tương thích với quyền hạn đó.

Có thể nhìn thấy rõ điều đó trong câu chuyện bổ nhiệm cán bộ thời gian qua, khi mà quả bóng trách nhiệm được chuyền qua lại trong cái gọi là “đúng quy trình” song trên thực tế nhiều khi chưa đúng tiêu chuẩn. Có vụ việc sai phạm được chỉ rõ thì trách nhiệm người đứng đầu chính quyền, cấp ủy cũng chỉ là chưa sâu sát, thiếu tham mưu và rồi lại rút kinh nghiệm sâu sắc.

“Sự không tương thích giữa quyền và trách nhiệm dẫn đến nhiều hệ lụy, hàng đầu là lạm quyền và đùn đổ trách nhiệm cho tập thể hoặc cho người khác. Khi quyền lợi luôn gắn liền với nhau mà trách nhiệm không rõ thì tất yếu xảy ra tiêu cực trong thực thi công vụ. Tiêu cực xảy ra ở chính người đứng đầu sẽ sinh sôi, nảy nở nhanh hơn trong đời sống xã hội”, ông Phan Văn Tường nói.

Và có lẽ, vấn đề trách nhiệm người đứng đầu còn mờ nhạt cũng là cơ sở lý giải tham nhũng, lãng phí - một trong 4 nguy cơ lớn đối với đất nước được xác định hàng chục năm qua, đến nay vẫn là nguy cơ diễn biến phức tạp.

Quyền hạn lớn song trách nhiệm cá nhân “trốn” trong tập thể - làm “người đứng đầu” có đặc quyền vậy sao?.

Theo VOV

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Return to top