Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy - Đoàn Thị Thanh Huyền trao hoa chúc mừng các đảng viên lão thành vinh dự được nhận Huy hiệu Đảng. Ảnh: Anh Phong
Đảng ra đời trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội và lãnh đạo Nhân dân đấu tranh vì những quyền lợi của Nhân dân. Từ buổi đầu thành lập, Đảng đã đại diện cho lợi ích của dân tộc, của đông đảo quần chúng lao động. Khi đã trở thành Đảng cầm quyền, đối tượng lãnh đạo của Đảng không thay đổi nhưng điều kiện hoạt động của Đảng đã thay đổi về cơ bản. Điều này đặt ra vấn đề trong công tác xây dựng Đảng để Đảng không bị tha hoá bởi quyền lực, cán bộ đảng viên không bị biến chất khi đã nắm giữ những cương vị có nhiều quyền lực. Cuộc đấu tranh với những căn bệnh, những kẻ thù vô hình đó không đơn giản. Đây là cuộc chiến đấu không phân chia giới tuyến, không nhìn rõ kẻ địch ở trước mũi súng. Những kẻ thù đó nhiều khi ở trong chính bản thân mình. Để cuộc đấu tranh này có thể thắng lợi, trước hết mỗi đảng viên cần nêu cao và thực hiện đầy đủ trách nhiệm của mình.
1. Trách nhiệm của người đảng viên đối với Đảng trước hết và trên hết là sự kiên định với lý tưởng cách mạng của Đảng, là ý chí quên mình đấu tranh cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng, của dân tộc. Để nâng cao trách nhiệm với Đảng, đảng viên phải không ngừng rèn luyện đạo đức cách mạng, phải thực hiện tốt những phẩm chất “nhân, nghĩa, trí, dũng, liêm”, tuyệt đối chấp hành nghị quyết và kỷ luật Đảng, luôn đặt lợi ích của Đảng lên trên, lên trước lợi ích của cá nhân. Mọi đảng viên không chỉ cần nhận thức đầy đủ, sâu sắc trách nhiệm của mình đối với Đảng, mà quan trọng hơn là những trách nhiệm ấy phải được thực hiện nghiêm túc, hiệu quả, thường xuyên, liên tục. Trách nhiệm của đảng viên là phải nêu gương trước quần chúng về mọi mặt. Sự gương mẫu của đội ngũ đảng viên có vai trò rất to lớn để đưa đường lối, chủ trương của Đảng vào cuộc sống. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: "Người đảng viên - dù công tác to hay nhỏ, địa vị cao hay thấp - ở đâu cũng phải làm gương mẫu cho quần chúng… Đảng viên nào không được dân tin, dân phục, dân yêu thì chưa xứng đáng là một người đảng viên của Đảng Lao động Việt Nam”. Theo Hồ Chí Minh, mỗi đảng viên phải xứng đáng để được Nhân dân thừa nhận vai trò lãnh đạo của mình. Đảng “phải tỏ ra là một bộ phận trung thành nhất, hoạt động nhất và chân thực nhất. Chỉ trong đấu tranh và trong công tác hàng ngày, khi quần chúng rộng rãi thừa nhận chính sách đúng đắn và sáng tạo của Đảng, thì Đảng mới giành được địa vị lãnh đạo”- đó cũng là trách nhiệm phải hoàn thành trước Đảng của mỗi đảng viên.
2. Đảng không xác định cho mình một khu vực lợi quyền riêng mà mọi hành động của Đảng đều tuân theo và nhằm thực hiện những ý nguyện của toàn dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết rất giản dị: “Đảng không phải là một tổ chức để làm quan phát tài. Nó phải làm tròn nhiệm vụ giải phóng dân tộc, làm cho Tổ quốc giàu mạnh, đồng bào sung sướng”.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng song Người không nói đến uy quyền của Đảng trong xã hội mà Người luôn nhấn mạnh đến trách nhiệm phục vụ Nhân dân, vai trò là đầy tớ của Nhân dân của mỗi cán bộ, đảng viên. Người kiên quyết và triệt để đấu tranh chống bệnh quan liêu, xa dân, bệnh công thần địa vị coi thường kỷ luật, coi thường Nhân dân của một số cán bộ, đảng viên. Người nhiều lần căn dặn (đại ý): Đảng cầm quyền có hai cách lãnh đạo: lãnh đạo “theo cách quan liêu” thì Đảng sẽ thất bại, lãnh đạo “theo cách quần chúng” thì nhất định Đảng sẽ thành công. Do vậy, phải chống bệnh quan liêu, chống cách lãnh đạo chung chung, “Đảng phải đi sát quần chúng, khéo tổ chức và lãnh đạo quần chúng thì cách mạng mới thành công”.
Đảng lãnh đạo nhưng dân là chủ. Đảng cầm quyền nhưng mọi quyền lực đều thuộc về Nhân dân. Hồ Chí Minh diễn đạt điều này một cách khác: “Đảng là người lãnh đạo nhưng đồng thời cũng là người đày tớ thật trung thành của Nhân dân”. Trong Di chúc, trước lúc đi xa Người còn nhấn mạnh: “Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, phải thật sự cần, kiệm, liêm, chính chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đày tớ thật trung thành của Nhân dân”.
Nhắc lại những lời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng căn dặn chúng ta về trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viênkhông phải là một điều sáo mòn. Hôm nay, một bộ phận cán bộ đảng viên đã buông lỏng, thậm chí đánh mất trách nhiệm của mình, mắc phải những biểu hiện suy thoái. Những tội “thiếu trách nhiệm” đã gây ra những hậu quả nghiêm trọng, làm rối loạn kỷ cương phép nước, gây thiệt hại về kinh tế, làm mất lòng tin của Nhân dân... Chúng ta càng thấy rằng, những lời căn dặn của Người còn mang nhiều giá trị để học tập và thực hiện. Nếu mỗi cán bộ, đảng viên đều nêu cao tinh thần trách nhiệm, chúng ta sẽ giảm bớt được nhiều phiên tòa xét xử tội “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.
TS. Ngô Vương Anh