Bí thư Huyện ủy Nam Đông Lê Thị Thu Hương (ngoài cùng bên phải) trao bằng công nhận nông thôn mới cho lãnh đạo xã Thượng Quảng
Bức tranh ngày một sáng
Năm 1990, Nam Đông bước vào giai đoạn đầu mới tái lập huyện và gặp rất nhiều khó khăn về cơ sở hạ tầng, nền kinh tế chủ yếu tự cung tự cấp, dựa vào nông nghiệp. Dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Đảng bộ, quân và dân toàn huyện đã phát huy truyền thống đoàn kết, bám sát Nghị quyết của Đảng, xây dựng Nam Đông phát triển ổn định, kinh tế tăng trưởng khá qua từng nhiệm kỳ.
Đến nay, toàn huyện đã định hướng phát triển sản xuất tập trung, trang trại; xác định được cây chủ lực như cam, chuối đặc sản, dứa, ổi, cau, cao su, cây keo...Việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đời sống được đẩy mạnh ở khắp các lĩnh vực, đạt được nhiều kết quả khả quan. Dịch vụ, du lịch từng bước phát triển như: thương mại, viễn thông, vận tải, nhà nghỉ; đã hình thành các cụm công nghiệp; ngành may từng bước mở rộng,...
Cơ sở hạ tầng từng bước được đầu tư kiên cố; điện chiếu sáng, nước sạch đã đến hầu hết hộ gia đình; đường giao thông đã rải nhựa và bê tông đến các xã, liên thôn, vào vùng sản xuất; tuyến đường La Sơn - Nam Đông và tuyến trung tâm huyện được nâng cấp khang trang; kè chống sạt lở dọc sông Tả Trạch được đầu tư. Doanh nghiệp tư nhân từ chỗ chưa có, đến nay có hơn 52 doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn, góp phần thúc đẩy kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển.
Nổi bật, trong nhiệm kỳ 2015 - 2020, giá trị sản xuất của huyện tăng 1,7 lần so với năm 2015. Tổng nguồn vốn đầu tư tăng 1,72 lần so với giai đoạn 2010 - 2015. Thu nhập bình quân đầu người tăng 18,61 triệu đồng so với năm 2015, đạt gần 40 triệu đồng/năm. Tổng thu ngân sách 5 năm đạt 152,411 tỷ đồng, tăng bình quân hằng năm 12,9% (kế hoạch từ 12-15%). Toàn huyện có 7/9 xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Chương trình nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo đối chiếu với 25 chỉ tiêu của Nghị quyết về “Nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo cho học sinh dân tộc thiểu số” của Đảng bộ huyện, có 15 chỉ tiêu đạt 100%, có 5 chỉ tiêu đạt trên 90% và 4 chỉ tiêu đạt trên 60%.
Với chương trình cải cách hành chính, huyện đã tập trung huy động nguồn vốn để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất; triển khai thực hiện tốt Đề án xây dựng Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hiện đại cấp xã; thành lập mới Trung tâm Hành chính công huyện, phát huy tốt vai trò, hiệu quả trong công tác cải cách hành chính. Năm 2019, Nam Đông là đơn vị dẫn đầu khối UBND các huyện, thị xã, thành phố của tỉnh trong đánh giá, xếp loại chất lượng hoạt động.
Sức bật từ xây dựng đội ngũ
Để thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra, nhiệm kỳ 2015-2020, Đảng bộ huyện Nam Đông đặc biệt coi trọng công tác xây dựng Đảng, thực hiện có hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; nâng cao năng lực lãnh đạo của tổ chức cơ sở Đảng, vai trò tiền phương, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị. Trong đó, đặc biệt quan tâm đến việc xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên các cấp đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ đề ra.
Đến cuối nhiệm kỳ 2015 - 2020, huyện Nam Đông có 10/12 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch. Hai chỉ tiêu, nhiệm vụ chưa đạt kế hoạch đề ra là: Chưa hoàn thành huyện nông thôn mới; tỷ lệ phát triển dân số tự nhiên bình quân hàng năm 16,5% (KH 13%/năm).
|
Trong nhiệm kỳ, Huyện ủy đã tổ chức đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị, chủ nghĩa Mác - Lênin và học tập các chuyên đề về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước với 128 lớp/8.844 lượt cán bộ, đảng viên tham gia; cấp huyện và cơ sở đã tổ chức 239 hội nghị, có 44.179 lượt tham gia học tập chỉ thị, nghị quyết.
Thực hiện Nghị quyết Trung ương 6, 7 (khóa XII) và Kế hoạch chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, công tác quản lý, nhận xét, đánh giá, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm, luân chuyển, điều động, chính sách cán bộ được Nam Đông thực hiện chặt chẽ, dân chủ, công khai, đúng quy trình. Đồng thời, quan tâm cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số; kịp thời thay thế những cán bộ năng lực yếu và thiếu tiêu chuẩn theo quy định; đã thực hiện trẻ hóa gần 85% các chức danh cán bộ chủ chốt cấp xã; đào tạo và cử đi đào tạo, bồi dưỡng trên 8 nghìn lượt. Đội ngũ cán bộ cấp xã từng bước chuẩn hóa.
Huyện cũng đã quyết liệt triển khai sắp xếp lại các đơn vị sự nghiệp công lập, đơn vị hành chính cấp xã; bố trí kiêm nhiệm một số chức danh lãnh đạo; nhất thể hóa chức danh Bí thư Đảng ủy đồng thời là Chủ tịch UBND xã Hương Phú. Nhờ đó, bộ máy được tinh gọn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động.
Đảng bộ huyện Nam Đông hiện có 34 chi, đảng bộ cơ sở, với 2014 đảng viên. Trong nhiệm kỳ đã kết nạp mới 352 đảng viên (đạt 70% kế hoạch). Qua đánh giá xếp loại hàng năm có trên 85% tổ chức đảng hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên. Đảng bộ được công nhận hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Lê Thị Thu Hương
(Bí thư Huyện ủy Nam Đông)