ClockThứ Hai, 29/10/2018 14:32

Nghe theo già làng Lưng

TTH - Với người dân xã Thượng Nhật (huyện Nam Đông), đảng viên, già làng Nguyễn Văn Lưng tuyên truyền, vận động thực hiện chủ trương gì của Đảng, Nhà nước người dân cũng nghe.

Xây dựng nếp sống văn minh đô thị: Cán bộ, đảng viên đi trướcGắn cải cách hành chính với công tác xây dựng, chỉnh đốn ĐảngBồi dưỡng công tác Đảng cho bí thư chi bộ và cấp ủy viên ở cơ sở

Sau nhiều lần lỡ hẹn, cuối cùng chúng tôi cũng gặp và được trò chuyện với già làng Nguyễn Văn Lưng. Dù tuổi đã 70, ở ông vẫn toát lên sự nhanh nhẹn, hoạt bát.

Ông Nguyễn Văn Lưng giúp dân cắt tỉa, chăm sóc bờ rào

Xóa bỏ tập quán du canh, du cư

Vừa nhìn thấy già làng Lưng đến nhà văn hóa thôn tham gia buổi sinh hoạt cộng đồng, dân bản Tà Rinh đã mừng rỡ vây quanh ông.

“Dù đã nghỉ hưu, nhưng lúc nào già Lưng cũng đến bản làng thăm, động viên bà con làm ăn, sinh sống. Một số người trước đây mải mê rượu chè được già khuyên răn, cảm hóa giờ biết tu chí làm ăn. Ai chưa nắm vững quy trình, kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, nhất là trồng lúa thì được già chỉ bảo tận tình, “bắt tay chỉ việc”. Rồi đến chuyện kế hoạch hóa gia đình, theo phong tục của bà con Cơ Tu hồi đó “chuộng đông con hơn của” nên sinh đẻ nhiều. Già Lưng đã phân tích mỗi ngày mình làm ra 100 nghìn đồng nuôi 2 con, thì mỗi đứa được 50 nghìn đồng, thay vì nuôi đến 5 đứa thì mỗi đứa chỉ 20 nghìn đồng thôi. Nghe già Lưng giải thích chí lý, nên bà con ý thức hơn trong việc thực hiện kế hoạch hóa gia đình”, ông Trần Đình Chưm ở bản Tà Rinh kể.

Bà Nguyễn Thị Nhan ở bản Tà Rinh kể: “Trước đây, khi còn du canh, du cư, mỗi lần nhìn thấy già Lưng vào tận rừng sâu gặp thì ai cũng cảm động. Già Lưng cùng cán bộ, đảng viên gùi khoai, sắn, cả lúa gạo, chăn màn, quần áo cấp phát cho dân. Ông ấy đến đúng lúc lắm, thường vào thời điểm thiên tai khắc nghiệt, mưa lũ dầm dề, nhờ đó người dân có cái ăn, cái mặc, đỡ đói rét. Ai cũng bảo già Lưng là “ông bụt”. Già Lưng cũng giải thích, vận động bà con về định canh, định cư tập trung để có cuộc sống ổn định, nuôi con ăn học. Vì tập quán du canh, du cư ăn sâu bao thế hệ nên bà con ban đầu không nghe, về sau tin tưởng vào uy tín của già Lưng nên đã nghe theo”.

Nhớ lại quá khứ, già Lưng bồi hồi: “Đời sống người dân trong xã hồi đó vô cùng khó khăn. Đồng bào dân tộc thiểu số ở Thượng Nhật chủ yếu sống du cư, du canh, cảnh nghèo luôn đeo đẳng. Ăn khoai, sắn thay cơm đối với bà con là chuyện thường ngày. Nhà cửa đều tranh tre, nứa lá. Đường sá chỉ là những lối mòn chằng chịt lau sậy, cỏ mọc um tùm”.

Lúc đó, già Lưng là Chủ tịch UBND, rồi Bí thư Đảng ủy xã nên rất trăn trở trước những khó khăn của địa phương. Sau nhiều đêm thao thức, ông quyết định triệu tập toàn thể Ban Thường vụ Đảng ủy, cán bộ, đảng viên, bàn việc  thay đổi đời sống Nhân dân.

Theo già làng Lưng, ngày đó không còn cách nào khác là phải tìm cách bố trí định cư, định canh ổn định lâu dài, bền vững cho dân để thuận lợi trong việc canh tác sản xuất, ổn định đời sống, đồng thời quan tâm xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn. Do khó khăn về kinh phí nên việc bố trí định cư phải triển khai từng đợt, từng năm. Mỗi năm bố trí một thôn, sau hơn 5 năm toàn bộ người dân đã được bố trí sinh sống tập trung tại 6 thôn với gần 400 hộ, khoảng 2.000 nhân khẩu.

Cùng với việc bố trí dân cư tập trung, xã đã quy hoạch vùng sản xuất, chọn vùng đất, các loại cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện canh tác của người dân. Đích thân ông đến mời các chuyên gia tại Trường đại học Nông Lâm Huế, Trung tâm Khuyến nông tỉnh… về khảo sát đất đai, sản xuất thí điểm các loại cây trồng vật nuôi. Qua khảo sát, nghiên cứu, các chuyên gia kết luận, các loại cây như cao su, quế, keo lai, dứa, chuối… phù hợp với vùng đất Thượng Nhật, mở ra triển vọng phát triển kinh tế, ổn định đời sống cho Nhân dân.

Là lực lượng nòng cốt, ông Lưng cùng một số cán bộ, đảng viên tiên phong trong phong trào sản xuất. Nhiều mô hình kinh tế trang trại, gia trại, cao su, rừng trồng của các đảng viên cho thu nhập từ 100 triệu đồng trở lên nên được người dân địa phương học tập làm theo. Toàn xã đến nay có khoảng 400 ha cao su, trong đó hơn một nửa đã cho khai thác mủ, bình quân mỗi năm thu nhập 15-20 tỷ đồng; gần 600 ha rừng keo mang lại nguồn thu đáng kể cho người dân, mỗi năm bình quân cho khai thác 100-200 ha, thu nhập từ 10-20 tỷ đồng… Tỷ lệ hộ nghèo toàn xã Thượng Nhật còn khoảng 5%, thu nhập bình quân đầu người khoảng 25 triệu đồng/năm.

Diện mạo Thượng Nhật ngày càng khang trang

Góp sức xây dựng hạ tầng

Nghỉ hưu cách đây 8 năm, nhưng cho đến nay già Lưng vẫn chưa một ngày ngơi nghỉ. Với các hội, đoàn thể, ông đều “góp mặt”, tham gia đầy đủ các cuộc họp, sinh hoạt. Là đảng viên hưu trí, nhưng bất kể việc gì khó khăn mà địa phương không làm được, ông đều góp sức.

Mới đây, một số hộ không đồng ý giải phóng mặt bằng, gây trở ngại cho Nhà máy thủy điện Thượng Nhật thi công xây dựng. Các hộ yêu cầu nhà máy thủy điện không bồi thường bằng tiền vì “tiêu rồi cũng hết” mà phải đổi bằng đất để canh tác lâu dài, nhưng quỹ đất tại địa phương thì không còn. Sau nhiều lần chính quyền địa phương vận động không thành, già Lưng đến từng nhà giải thích, phân tích “thiệt hơn” khi xây dựng công trình thì bà con mới đồng ý bàn giao mặt bằng.

Ông Trần Văn Nhờn ở thôn 3 cho hay: “Cán bộ địa phương đến vận động, không phân tích rõ ràng, cụ thể nên tui không yên tâm khi giao đất sản xuất cho công trình thủy điện. Già làng Lưng là đảng viên có uy tín ai cũng biết nên nói gì thì tui và bà con cũng nghe. Già Lưng cho hay sau khi thủy điện hoàn thành, tích nước, bà con có thể nuôi cá lồng, đánh bắt thủy sản trên hồ, kết hợp du lịch sinh thái. Bà con có thể tổ chức các dịch vụ hàng quán giải khát, quán ăn…”.

Cách đây hơn 1 năm, khi thi công đường vào khu sản xuất thôn La Vân, thôn 6, dài gần 1 km, có hai hộ không chịu di dời để giải phóng mặt bằng, xe đến ủi đất có người nằm lăn giữa đường phản đối dù chính quyền địa phương nhiều lần vận động. “Đích thân già Lưng đến từng nhà giải thích cái lợi của việc làm đường chính là để hạn chế tai nạn, phục vụ sản xuất, dân sinh thì bà con mới chịu cho làm”, ông Hồ Văn Ngân ở thôn 6 kể.

Quá trình triển khai xây dựng các công trình nông thôn mới (NTM), ông Lưng đều tham gia cùng với các chi bộ thôn, đoàn thể, chính trị- xã hội tổ chức tuyên truyền, vận động các tầng lớp Nhân dân hưởng ứng tích cực, vận động đảng viên, đoàn viên, thanh niên gương mẫu, đi đầu trong các phong trào xây dựng NTM. Trước khi quy hoạch, làm đường giao thông và các công trình, ông Lưng đều có ý kiến, yêu cầu chính quyền địa phương tổ chức họp dân để bàn bạc, lắng nghe ý kiến đóng góp của dân về việc hiến đất, cây trồng, quy mô và chất lượng công trình... Từ đó, tạo sự đồng thuận trong Nhân dân, thuận lợi trong xây dựng NTM của xã. Thượng Nhật đang phấn đấu đến năm 2019 đạt chuẩn NTM.

Ông Lê Minh Hòa, Trưởng ban Dân tộc huyện Nam Đông đánh giá, ông Nguyễn Văn Lưng là đảng viên, già làng uy tín, mẫu mực trong các phong trào, hoạt động tại địa phương nói riêng và huyện Nam Đông nói chung. Những việc làm hữu ích của ông Lưng đã được UBND tỉnh, huyện, các ban ngành tặng bằng khen, giấy khen trong nhiều năm. Mới đây, ông được Ủy ban Dân tộc tặng bằng khen có thành tích xuất sắc trong cuộc vận động xây dựng NTM; được dự lễ tuyên dương có thành tích xuất sắc trong cuộc vận động phong trào xây dựng NTM do Ban Dân vận Tỉnh ủy tổ chức.

Bài, ảnh: HOÀNG TRIỀU

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

​Tầm soát miễn phí bệnh đái tháo đường cho người dân

Hưởng ứng ngày Đái tháo đường thế giới 14/11, Đoàn Thanh niên Bệnh viện Trung ương (BVTW) Huế phối hợp cùng Hội Thầy thuốc trẻ tỉnh tổ chức chương trình “Tầm soát miễn phí đái tháo đường cho người dân toàn tỉnh”.

​Tầm soát miễn phí bệnh đái tháo đường cho người dân
“Kho báu” của người Pa Cô

“Mình luôn sợ thời gian đi nhanh quá mà mình thì chậm, chỉ lo lắng làm không kịp nhiều thứ cho con cháu mai sau” - Già Hạnh hướng mắt về dãy Trường Sơn trùng điệp phía xa xa, bày tỏ tiếng lòng. Bao đời nay người Pa Cô của già đều nương náu dưới chân dãy núi này. Nhìn văn hóa truyền thống của cha ông mai một dần theo năm tháng khiến lòng già đau đáu, phải bằng mọi cách gìn giữ, bảo tồn được những nét đẹp của dân tộc mình.

“Kho báu” của người Pa Cô
Già làng, người có uy tín - Cầu nối cho hành trình giảm nghèo

Huyện miền núi A Lưới đã vinh dự khi được công nhận thoát khỏi danh sách 74 huyện nghèo của cả nước. Đây là kết quả của sự nỗ lực bền bỉ từ chính quyền và cộng đồng, đặc biệt có vai trò của các già làng, người có uy tín (NCUT). Với tâm huyết và sự hiểu biết sâu sắc về phong tục, tập quán, họ đã trở thành cầu nối, giúp bà con dân tộc thiểu số (DTTS) vượt qua khó khăn và phát triển kinh tế bền vững.

Già làng, người có uy tín - Cầu nối cho hành trình giảm nghèo
Động lực để người dân vươn lên thoát nghèo

Với cách làm linh hoạt, hiệu quả, sát với tình hình thực tế, huyện Phú Lộc đang đưa các chính sách, mô hình thiết thực đến với hộ nghèo để giúp họ vươn lên trong cuộc sống.

Động lực để người dân vươn lên thoát nghèo
Return to top