1. Càng đến gần Đại hội Đảng lần thứ XIII, tần suất tuyên truyền của các thế lực thù địch ngày càng tăng, phương thức ngày càng thâm độc.
Đáng tiếc, một số cán bộ, đảng viên lại phát ngôn, phụ họa cho những luận điệu đó. Trước đây chủ yếu truyền miệng, rỉ tai, “bình luận vỉa hè”, thì hiện nay không ít người lại đưa công khai trên các mạng xã hội. Những bài viết trên các đài, trang mạng của các tổ chức phản động nước ngoài, của đối tượng chống đối trong nước được chia sẻ tràn lan trên youtube, facebook, zalo…
Khi xuất hiện bài viết có tính đối nghịch, đã có không ít người phụ họa chia sẻ, bình luận, thậm chí cường điệu lên, trở thành đề tài nóng. Nhiều người chưa biết rõ nguồn gốc, không phân biệt đúng sai đã nhanh tay bấm like và chia sẻ trên mạng.
Đáng phê phán nhất là không ít người biết rõ như thế là sai trái, không đúng thực tế, nhưng vẫn bình luận ủng hộ, thậm chí còn ca ngợi như đó là luồng tư tưởng “cấp tiến”, “hợp lòng dân”. Nhiều cán bộ thiếu ý thức, không có lập trường a dua theo tâm lý đám đông cũng “nhảy” vào ủng hộ, xem như đó là “yêu cầu cấp thiết” theo xu thế mới…
Trong những cuộc “trà dư tửu hậu”, một số người hùng hồn khoe về sự hiểu biết “nội tình” trong cơ quan công quyền ở địa phương và Trung ương. Những câu chuyện được đưa nhiều nhất là nói về lãnh đạo các cấp với giọng điệu mỉa mai, chê trách, những nhận định, bình luận chủ yếu là nêu về mặt trái. Khi nói đến ông A, ông B nào đó hiếm khi nói khách quan mặt tốt mà chủ yếu khoét sâu nhược điểm, những câu nói chưa chính xác. Lạ kỳ là dù không biết gì lãnh đạo cấp cao về công việc và đời tư, nhưng lớn tiếng phán xét như là người biết rõ, người trong cuộc. Có khi viện dẫn người có chức sắc cao “cung cấp” để tỏ ra có căn cứ, là sự thật. Nguy hiểm hơn cả là một số kẻ biến chất về chính trị hoặc bị kỷ luật lại đưa ra những phát ngôn, bình luận về đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước mà họ cho đó là sai lầm, yếu kém, kìm hãm. Hồ đồ hơn cả khi nêu ra những vấn đề xã hội đang quan tâm về chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, không ít người lại đánh đồng tất cả, cho lãnh đạo đều là “tầng lớp” tham nhũng, đục khoét. Từ cách nhìn phiến diện về một vài hiện tượng tiêu cực, rồi khẳng định đó là tình trạng phổ biến, tràn lan. Họ không ngại lớn tiếng mỉa mai cán bộ phấn đấu chức này, chức nọ chỉ để làm giàu, tham nhũng, không phải vì dân, vì nước. Dù đó chỉ là một bộ phận đã bị thoái hóa, biến chất mà kỷ luật của Đảng, pháp luật Nhà nước đã xử lý rất nghiêm.
2. Phát ngôn của cán bộ, đảng viên dù đang công tác hay đã nghỉ hưu đều có những tác hại không nhỏ, ảnh hưởng đến lòng tin của quần chúng Nhân dân đối với Đảng. Với luận điệu của bọn phản động, người dân có thể cho đó là chống đối chế độ, nhưng khi người cán bộ, đảng viên nói ra, người dân dễ tin là sự thật. Những người từng giữ chức vụ cao, có ảnh hưởng lớn sẽ tạo hiệu ứng dư luận và ảnh hưởng lớn trong cộng đồng. Đáng trách hơn không ít người nói rất hăng bên ngoài, nhưng khi họp góp ý lại “ngậm miệng ăn tiền”, không bao giờ có ý kiến xây dựng, kể cả góp ý lĩnh vực chuyên môn của họ.
Quy định 47- QĐ/TW ngày 1/1/2011 của Bộ Chính trị “Quy định những điều đảng viên không được làm” đã nêu những hành vi bị cấm. Theo đó, cán bộ, đảng viên “nói, làm trái”, “viết bài, cho đăng tải tin, bài sai sự thật, vu cáo, bịa đặt…” là vi phạm. Trong quy định đã nêu nội dung bị cấm, đó là: “Xuyên tạc lịch sử, phản ánh không đúng sự thật về Đảng, Nhà nước, dân tộc Việt Nam, các tổ chức, cá nhân”. Quy định 102-QĐ/TW của Ban Chấp hành Trung ương ngày 1/1/2017 “Về xử lý đảng viên vi phạm” cũng quy định kỷ luật đối với đảng viên “có hành vi nói, viết, lưu trữ, tán phát, xuất bản, cung cấp thông tin, tài liệu, hiện vật có nội dung trái với đường lối, quan điểm của Đảng, pháp luật của Nhà nước”. Tuy nhiên, trên thực tế công tác kiểm tra, xử lý đang rất hạn chế, kỷ luật chưa nghiêm, nhất là đối với đảng viên đã nghỉ hưu.
Để đảm bảo kỷ luật của Đảng, các cấp ủy Đảng cần tăng cường kiểm tra, chấn chỉnh và xử lý nghiêm túc những phát ngôn thiếu chuẩn mực của cán bộ, đảng viên. Nhưng trước hết mỗi người trong mọi hoàn cảnh cần nói, viết và phát ngôn đúng sự thật, đúng quy định, bảo vệ lẽ phải.
Có câu “Uốn lưỡi 7 lần trước khi nói”. Đó vừa là chuẩn mực đạo đức, vừa là lời khuyên. Là cán bộ, đảng viên lại càng đòi hỏi chuẩn mực hơn, không thể hồ đồ phát ngôn, bình luận, phụ họa với luận điệu chống phá của các thế lực thù địch và đối tượng xấu. Quan trọng hơn là phát ngôn đúng lương tâm, có trách nhiệm, đề cao tính đúng đắn trong mọi hoàn cảnh.
NGUYỄN PHƯỚC KHÁNH