ClockThứ Năm, 23/07/2020 06:30
CHÀO MỪNG ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU ĐẢNG BỘ HUYỆN PHONG ĐIỀN LẦN THỨ XIV, NHIỆM KỲ 2020-2025

Phong Điền với mục tiêu trở thành thị xã

TTH - Xây dựng huyện Phong Điền trở thành thị xã trước năm 2025 là nhiệm vụ trọng tâm, là mục tiêu hướng đến của Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân Phong Điền trong nhiệm kỳ 2020-2025.

Phong Điền cần xác định công nghiệp và dịch vụ để phát triển

Hợp tác, giao lưu giữa huyện Phong Điền và huyện Uljin (Hàn Quốc)

Dấu ấn

Ông Nguyễn Đăng Đoàn, nguyên Ủy viên Thường vụ Huyện ủy, nguyên Phó Chủ tịch UBND huyện Phong Điền (giai đoạn 2000-2010), người gắn bó với Phong Điền từ nhỏ nhớ lại: Những năm chiến tranh, Phong Điền là vùng đất bị tàn phá ác liệt. Sau ngày giải phóng, huyện từng bước khôi phục, cải tạo lại và có sự đổi thay căn bản trên tất cả các mặt, lĩnh vực. Bộ mặt nông thôn, đô thị ngày càng khởi sắc, đời sống người dân được nâng lên...

UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu (ngoài cùng bên phải) kiểm tra tình hình sản xuất nông nghiệp tại huyện Phong Điền

Đến nay, trên địa bàn huyện đã hình thành gần 20 khu đô thị, khu dân cư mới và các khu vực phát triển thương mại, dịch vụ như: cửa hàng xăng dầu 16, ngã tư Hòa Mỹ, ngã tư An Lỗ, ngã tư chợ Điền Lộc… Xã Phong An được công nhận đạt các tiêu chí đô thị loại V; thị trấn Phong Điền đạt chuẩn đô thị văn minh; đô thị Điền Lộc tiếp tục phát triển theo hướng đô thị loại V.

Từ năm 2015 đến nay, nhiều công trình có tác động tích cực đến đời sống, sản xuất được đầu tư như: Hệ thống giao thông liên vùng, liên xã; hệ thống đê bao, kênh mương nội đồng; hạ tầng vùng nuôi thủy sản; các trạm bơm điện, hệ thống điện… Hệ thống trường lớp cơ bản đáp ứng nhu cầu dạy và học; các thiết chế văn hóa được đầu tư với 103 dự án trường học, 21 công trình văn hóa, nước sạch về đến các điểm dân cư nông thôn, 98% hộ dân sử dụng nước hợp vệ sinh… Chỉ tính riêng giai đoạn 2015-2020, tổng vốn đầu tư trên địa bàn huyện đạt trên 890 tỷ đồng. Kết cấu hạ tầng nông thôn được đầu tư, tạo điều kiện khai thác tiềm năng, phát triển kinh tế-xã hội.

Ông Võ Văn Vui, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Phong Điền trao quà cho các đại biểu người có uy tín tiêu biểu huyện Phong Điền

Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Phong Điền lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2015 - 2020 đề ra 17 chỉ tiêu chủ yếu, 3 chương trình trọng điểm, đến nay đều thực hiện đạt và vượt. Trong đó, giá trị sản xuất tăng bình quân 15,7%/năm; thu nhập bình quân đầu người đạt 53 triệu đồng (gấp 1,8 lần so với năm 2015). Thu ngân sách trên địa bàn tăng bình quân 12%/năm; tổng vốn đầu tư xã hội đạt 13.800 tỷ đồng; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 3,84%; đến cuối năm 2020 có 11/15 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp, giảm dần tỷ trọng nông nghiệp; cơ cấu lao động dần phù hợp với chuyển dịch cơ cấu kinh tế. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo. Bộ mặt nông thôn ngày càng được khởi sắc. Đảng bộ và hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở vững mạnh toàn diện.

Huy động mọi nguồn lực xây dựng thị xã

 Trên cơ sở Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị và Chương trình hành động số 69 của Tỉnh ủy, Huyện ủy Phong Điền đã quán triệt và ban hành các kế hoạch để cụ thể hóa và triển khai thực hiện. Trong đó, huyện đã tập trung xây dựng các quy hoạch, chương trình, đề án để phát triển thành thị xã gồm: Quy hoạch chung huyện Phong Điền; Chương trình phát triển đô thị; Đề án phân loại Phong Điền theo tiêu chí đô thị loại IV; Đề án thành lập thị xã Phong Điền theo hướng gắn với Đề án xây dựng tỉnh Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Diện mạo đô thị Phong Điền ngày càng khởi sắc

Huyện ủy đã định hướng sáp nhập, phân định lại để giảm từ 16 thành 12 đơn vị hành chính cấp xã. Trên cơ sở đó tập trung xây dựng 7 đô thị (phường) gồm đô thị trung tâm huyện và các đô thị vệ tinh như: Phong An, Điền Lộc - Điền Hòa, Phong Hiền, Phong Mỹ, Phong Hòa, Điền Hải-Phong Hải. Mỗi đô thị đều có chức năng, vai trò riêng phù hợp với điều kiện, đặc điểm thực tế của từng địa phương để phát huy chức năng khu trung tâm, tạo động lực phát triển tại các tiểu vùng.

Mục tiêu của Đảng bộ Phong Điền đề ra trong nhiệm kỳ 2020-2025 là giá trị sản xuất tăng bình quân hàng năm 15-17%; thu ngân sách nhà nước tăng bình quân 12-13%/năm; thu nhập bình quân đầu người đến năm 2025 đạt 75-80 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 2,5%; 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới trước năm 2023, 50% phường đạt văn minh đô thị...

Ông Trịnh Đức Hùng, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Phong Điền cho biết: huyện định hướng phát triển thành 3 vùng cụ thể. Trong đó, phát triển vùng gò đồi - miền núi theo hướng phát triển nông, lâm nghiệp gắn với phát triển du lịch dịch vụ; hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp sạch, ứng dụng công nghệ cao gắn với phát triển công nghiệp chế biến. Phát triển vùng đồng bằng - cát nội đồng thành vùng công nghiệp trọng điểm của tỉnh, trọng tâm là Khu công nghiệp (KCN) Phong Điền; trung tâm thương mại, du lịch, dịch vụ của huyện; phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Phát triển vùng ven biển - đầm phá thành vùng kinh tế năng động trên cơ sở khai thác các thế mạnh về nuôi trồng, đánh bắt thủy sản, du lịch dịch vụ biển và đầm phá, năng lượng tái tạo; ưu tiên phát triển các khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp ven biển và đầm phá.

“Để hoàn thành các định hướng trên, huyện sẽ tăng cường huy động nguồn lực để nâng cấp, xây dựng hạ tầng đô thị, nông thôn, tập trung vào các đô thị trung tâm như thị trấn Phong Điền, khu vực ngã tư An Lỗ, khu vực trung tâm xã Điền Lộc và trung tâm các phường để tạo diện mạo đô thị. Trước mắt, tập trung quy hoạch và phải xây dựng Phong Điền trở thành đô thị loại IV, làm cơ sở, động lực để phát triển lên thị xã. Bên cạnh đó, phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; tăng cường thu hút các nhà đầu tư...”, ông Võ Văn Vui, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Phong Điền khẳng định.

Đảng bộ Phong Điền hiện có 3.576 đảng viên sinh hoạt tại 47 đảng bộ, chi bộ cơ sở, 259 chi bộ trực thuộc. 5 năm qua, Đảng bộ Phong Điền được Tỉnh ủy đánh giá hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên. Đây là Đảng bộ cấp trên cơ sở được Tỉnh ủy chọn thí điểm bầu trực tiếp Bí thư tại đại hội.

Bài, ảnh: Thanh Hải

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hành trình trở thành thành phố trực thuộc Trung ương

Với sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân, Huế đã trở thành thành phố trực thuộc Trung ương sau hành trình gần 30 năm; trong đó 5 năm quyết liệt triển khai Nghị quyết (NQ) số 54 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường và thông minh.

Hành trình trở thành thành phố trực thuộc Trung ương

TIN MỚI

Return to top