Theo quy định, một buổi họp định kỳ có nhiều nội dung như: phổ biến văn bản cấp trên; đánh giá lãnh đạo của chi bộ trong tháng và đề ra nhiệm vụ thời gian tới; ý kiến thảo luận và ra nghị quyết nhiệm vụ. Quy định là vậy nhưng trong thực hiện có bao nhiêu chi bộ ở địa phương thực hiện nghiêm túc quy định?
Phổ biến văn bản cấp trên thường chỉ đọc các văn bản cấp trên trực tiếp, các văn bản ở cấp cao hơn có chăng cũng chỉ nêu số công văn, cấp ký ban hành còn nội dung cụ thể thường bỏ qua. Lý do cũng vì văn bản dài, nhiều tài liệu, cấp ủy phổ biến nhưng không được chú ý v.v... Thảo luận góp ý trong cuộc họp cũng là khâu yếu, đa số không có ý kiến gì hoặc không muốn phát biểu trong cuộc họp. Cũng có người nghĩ rằng nói chắc gì đã có ai nghe, hoặc nói đụng chạm đến người này, người khác sinh ra mâu thuẫn chẳng lợi ích gì. Một dạng suy nghĩ mang tính tự ti cho rằng mình già, nghỉ hưu rồi nói ra có tác dụng gì hoặc lãnh đạo được ai mà góp ý. Số đảng viên trẻ dù có suy nghĩ tốt, ý kiến tích cực nhưng trước người lớn tuổi nên ngại phát biểu. Có những người yếu diễn đạt, không quen nói trước đám đông nên càng không dám có ý kiến. Điều buồn nhất là việc phát hiện tiêu cực, tham nhũng về những cán bộ đảng viên đương chức sinh sống ở địa phương hầu như đang còn rất hạn chế. Hiện tượng bất minh về tài sản, thu nhập của những người cán bộ có điều kiện tham nhũng nhìn bề ngoài dễ nhận ra nhưng không ai dám nói hoặc mạnh dạn tố cáo. Đó cũng là một trong những nguyên nhân vì sao trong sinh hoạt đảng ở chi bộ đường phố ít phát hiện tham nhũng, tiêu cực. Cũng có những chi bộ có nhiều đảng viên tích cực, nghiêm túc, có ý thức phát hiện các hiện tượng không bình thường nhưng cũng chỉ nêu chung chung, không nêu ra được đích danh. Vì có nêu cũng không đưa ra được chứng cứ cụ thể, còn nêu chung chung thì không có tác dụng. Tâm lý phổ biến vẫn là chưa tin tưởng vào sự kiểm tra của cấp có thẩm quyền nên tốt nhất là im lặng, coi như không biết cho yên chuyện. Đây cũng là điểm yếu trong đấu tranh phê bình, tự phê bình, dẫn đến những biểu hiện tiêu cực ít được phát hiện từ trong công tác đảng.
Chất lượng đảng viên của chi bộ đường phố cũng không đồng đều. Hầu hết đảng viên là cán bộ về hưu và một số ít đảng viên đi nghĩa vụ quân sự về. Số đảng viên trẻ được kết nạp từ phong trào cơ sở chiếm tỉ lệ rất hạn chế. Anh bạn tôi cũng là đảng viên mới về sinh hoạt ở địa phương cho biết: Chi bộ tổ dân phố của anh có 15 đảng viên, nhưng có 4 đảng viên xin nghỉ sinh hoạt vì lý do sức khỏe (trên 70 tuổi), có 2 đảng viên trẻ, còn lại là cán bộ nghỉ hưu. Đảng viên về hưu từ nhiều cơ quan. Người làm ở cơ quan nhà nước và người đã từng làm quản lý hoặc tham gia cấp ủy thì còn có hiểu biết trong công tác Đảng. Còn lại phần nhiều đảng viên không nắm chắc nguyên tắc, quy định sinh hoạt Đảng nên thích thì đến dự họp, còn không thích thì tạo lý do xin nghỉ. Một số đảng viên trong sinh hoạt có theo thói quen tùy tiện. Trong cuộc họp khi yêu cầu phát biểu thì nói năng bỗ bã, không có nội dung, phát biểu thoải mái theo suy luận chủ quan của mình. Có người ngồi họp mà nhấp nha nhấp nhổm nhắn tin, lướt web, điện thoại cho người này người nọ, chờ hết giờ. Sau cuộc họp, nội dung nhiệm vụ chính không đọng lại được bao nhiêu ở một số đảng viên.
Vấn đề mang tính quyết định chất lượng sinh hoạt vẫn là điều hành của bí thư và cấp ủy. Nơi nào bí thư và cấp ủy gương mẫu, nghiêm túc trong điều hành sinh hoạt,chỉ đạo sát sao thì sinh hoạt có chất lượng và ngược lại. Tuy nhiên,có nơi bí thư không nhiệt tình hoặc yếu về phát ngôn truyền đạt, điều hành kém cũng ảnh hưởng đến chất lượng của sinh hoạt hàng tháng. Bí thư phải là người sâu sát ở địa phương, gắn kết với thôn, tổ dân phố và cán bộ cốt cán các đoàn thể ở cơ sở mới đề ra được nhiệm vụ sát hợp, bằng không thì rất khó. Thông thường, bí thư tiếp thu những nội dung chỉ đạo của cấp trên về kết hợp với thực tế ở cơ sở để chỉ đạo, nhưng tiếp thu về truyền đạt cũng tùy thuộc vào năng lực của từng người. Có những việc phải tiếp thu đầy đủ, có chiều sâu về vận dụng ở cơ sở, nhưng cũng có nhiệm vụ phải biết chọn lọc nội dung để chỉ đạo cho sát hợp với thực tế.
Vấn đề nữa đó là giữa họp hành và giao lưu gặp gỡ đang còn lẫn lộn. Mặc dù sinh sống gần nhau,gặp nhau hàng ngày,nhưng tập hợp đầy đủ trong chi bộ thì mỗi tháng mới có được một buổi. Đã gặp nhau thì chuyện bốn phương, chuyện nhà cửa riêng tư, chuyện vui buồn,dư luận chính trị xã hội… cứ rôm rả bung ra. Vào cuộc họp rồi nhưng nhiều lúc chuyện ngoài lề vẫn được các đảng viên trao đổi nhỏ to...
Chi bộ ở khu dân cư là nơi tập trung sự lãnh đạo của Đảng đến với người dân. Thông tin chỉ đạo của Đảng có đến được với dân hay không phụ thuộc vào hoạt động của chi bộ ở khu dân cư. Vì vậy, trách nhiệm của các cấp ủy Đảng là phải xây dựng chi bộ ở cơ sở đủ mạnh từ nâng cao chất lượng sinh hoạt Đảng định kỳ. Các cấp ủy Đảng cần tăng cường kiểm tra thường xuyên và đột xuất, tránh thả nổi công tác sinh hoạt ở khu dân cư.
NGUYỄN PHƯỚC KHÁNH