ClockThứ Ba, 12/05/2020 06:30

Tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc theo tư tưởng Hồ Chí Minh

TTH - Năm 2020, chúng ta tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW(ngày 15/5/2016) của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, trọng tâm là triển khai thực hiện tốt chuyên đề “Tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Đáp ứng yêu cầu giai đoạn cách mạng mới, chiến lược đại đoàn kết Hồ Chí Minh cần được nhận thức và vận dụng sáng tạo.

Vinh dự, tự hào khi được nhận Bằng khen về học BácThêm động lực và niềm tin khi học BácBản kết tinh những giá trị tư tưởng Hồ Chí Minh

Khởi công xây dựng nhà đại đoàn kết do Lực lượng Biên phòng tỉnh hỗ trợ tại thị trấn Lăng Cô (Phú Lộc). Ảnh: Minh Nguyên

1. Trước hết, cần nhận thức rõ, đại đoàn kết là một yêu cầu khách quan, là vấn đề có ý nghĩa quyết định thành bại của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Thực tiễn lịch sử cách mạng Việt Nam đã chứng minh: “Khi chúng ta biết nêu cao ngọn cờ dân tộc, đoàn kết được toàn dân, phát huy được sức mạnh dân tộc thì dù khó khăn mấy cách mạng nước ta cũng vượt qua được. Ngược lại, khi nào yếu tố dân tộc bị xem nhẹ, mắc phải sai lầm trong đoàn kết Nhân dân thì cách mạng gặp không ít khó khăn trở ngại. Đó là bài học lớn của cách mạng nước ta”[i].

Đại đoàn kết là truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam. Trong thế kỷ 20, truyền thống này đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh kế thừa và phát triển lên một tầm cao mới.

Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, khối đại đoàn kết toàn dân tộc được xây dựng trên cơ sở bảo đảm những lợi ích tối cao của dân tộc và những quyền lợi cơ bản của Nhân dân.

Khi xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, Người luôn đặt lợi ích của các cá nhân, của từng bộ phận nằm trong và phục tùng lợi ích tối cao của dân tộc, coi nguyên tắc đó là cơ sở để thực hiện đại đoàn kết đồng thời giải quyết hài hoà mối quan hệ giữa các loại lợi ích của cá nhân và xã hội, bộ phận và toàn thể, giai cấp và dân tộc, quốc gia và quốc tế... Người luôn tìm ra “mẫu số chung” về lý tưởng và quyền lợi để quy tụ các lực lượng, để thực hiện đoàn kết tự giác, chặt chẽ và bền vững. Đây là một nguyên tắc quan trọng trong Chiến lược đại đoàn kết Hồ Chí Minh.

Khi đấu tranh giành chính quyền, Đảng và lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc nêu khẩu hiệu để tập hợp quần chúng là Độc lập dân tộc, người cày có ruộng. Trong thời kỳ cam go đấu tranh xây dựng và bảo vệ chính quyền sau Cách mạng tháng Tám 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu khẩu hiệu: Dân tộc trên hết - Tổ quốc trên hết. Thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Người kêu gọi: Không có gì quý hơn độc lập tự do… Những khẩu hiệu này chứa đựng ý chí và tình cảm của cả dân tộc, phù hợp với xu thế của thời đại, đã trở thành ngọn cờ tập hợp lực lượng, là nguồn động viên thôi thúc, gắn kết mọi người cùng lao động, chiến đấu đến thắng lợi cuối cùng.

Ngày nay, khi chúng ta tiếp tục thực hiện chiến lược đại đoàn kết để tập hợp mọi nguồn lực nhằm phát triển đất nước, những cơ sở kinh tế - chính trị - xã hội để xây dựng khối đoàn kết toàn dân đã có những đổi thay. Trong giai đoạn đấu tranh giành và giữ độc lập dân tộc, khối đại đoàn kết của chúng ta là một liên minh chính trị với lực lượng gồm đa số cư dân cùng số phận mất nước, cùng chung một khát vọng giải phóng, thống nhất và bảo vệ Tổ quốc.

Xã hội bị chi phối và phân hoá rất nhanh chóng do tác động của kinh tế thị trường, gia tăng sự phân cách về đời sống kinh tế giữa các khu vực địa lý và cư dân. Khối đại đoàn kết vì thế cũng có nhiều thay đổi. Nhưng bất luận trong điều kiện nào, mục tiêu xây dựng Đất nước phát triển, dân chủ,công bằng, văn minh được coi là điểm tương đồng lớn nhất để xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, là đích phấn đấu, là tiêu chí để đánh giá tác dụng và hiệu quả của mỗi công việc.

2. Thực tiễn cho thấy, khi có sự tranh chấp về mặt lợi ích, tất sẽ dẫn đến mất đoàn kết. Do đó, khi thực hiện xây dựng khối đại đoàn kết cần phải đặc biệt chú ý tới vấn đề cân bằng mối quan hệ lợi ích giữa các cá nhân, giữa cá nhân và cộng đồng, chấp nhận những điểm khác nhau nhưng không trái với lợi ích chung để cùng nhau hướng tới tương lai. Tăng trưởng kinh tế đẩy nhanh hơn quá trình phân hoá xã hội. Cùng với sự phát triển, xã hội luôn đòi hỏi sự công bằng.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu phương châm: “Không sợ thiếu, chỉ sợ không công bằng. Không sợ nghèo, chỉ sợ lòng dân không yên”. Mâu thuẫn giữa sự phát triển và công bằng phải được điều tiết bằng những chính sách của Nhà nước ở tầm vĩ mô và cả trong những công việc cụ thể ở địa phương, cơ sở. Đây cũng là yếu tố quan trọng tạo nên lòng tin tưởng của Nhân dân, gây sự phấn khởi và tinh thần tự giác thực hiện những nghĩa vụ công dân của mỗi người. Đó cũng là chất gắn kết mọi người với cộng đồng trong công cuộc xây dựng đất nước, là cơ sở để đoàn kết Nhân dân.

Nhiều chủ trương của Đảng, nhiều chính sách của Nhà nước đang đi vào cuộc sống theo hướng đó: Xoá đói giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa, xoá nạn mù chữ - phổ cập giáo dục, toàn dân đoàn kết xây dựng cuộc sống mới ở khu dân cư... Gần đây nhất và đang diễn ra là nỗ lực của cả hệ thống chính trị, hệ thống chuyên môn cùng toàn dân để đẩy lùi dịch COVID-19 và không ai bị bỏ lại phía sau.

Sự nghiệp xây dựng một nước Việt Nam phồn vinh thịnh vượng, có vị trí xứng đáng trong khu vực và trên thế giới đang đòi hỏi chúng ta tiếp tục phát huy, củng cố khối đại đoàn kết rộng lớn và vững chắc, tập hợp và phát huy mọi nguồn lực, tranh thủ những thời cơ. Chiến lược đại đoàn kết Hồ Chí Minh gồm cả nội dung đại đoàn kết, những nguyên tắc đại đoàn kết, phương pháp đại đoàn kết... cần được chúng ta vận dụng trong bối cảnh mới.

TS.Ngô Vương Anh


[i] Ban Dân vận Trung ương "Về đại đoàn kết dân tộc và tăng cường Mặt trận Dân tộc thống nhất". Nxb CTQG, Hà Nội, 1994, tr. 19

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tăng cường tiếng Việt cho trẻ là người dân tộc thiểu số

Tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non người dân tộc thiểu số là một nhiệm vụ quan trọng đối với các cơ sở giáo dục mầm non ở vùng khó, nhằm chuẩn bị sẵn sàng về ngôn ngữ, kỹ năng giao tiếp tiếng Việt để trẻ vào lớp 1.

Tăng cường tiếng Việt cho trẻ là người dân tộc thiểu số
Return to top