ClockThứ Năm, 04/01/2018 08:38

Tăng sự minh bạch và giám sát của Nhân dân

TTH - Để hạn chế và ngăn chặn sự hoài nghi của xã hội về tính trong sạch của bộ máy công quyền, của những công chức điều khiển bộ máy đó và những quyết định được đưa ra, việc tăng sự minh bạch thông tin và sự giám sát của Nhân dân để có có phản biện xã hội, từ đó đi đến đồng thuận là giải pháp lấy lại và củng cố lòng tin của Nhân dân.

1. Những vụ việc nóng bỏng nhất, đang gây nhiều bức xúc trong xã hội là nạn tham nhũng, tệ quan liêu. Tệ, nạn này gây bất bình và giảm lòng tin trong Nhân dân với các cán bộ, đảng viên có trách nhiệm. Suy thoái đạo đức của đội ngũ cán bộ đã “tự chuyển hóa” đó hiện ra dưới nhiều “bộ mặt”: Tham nhũng, lãng phí, hối lộ và “ăn” hối lộ, nhũng nhiễu Nhân dân... đã và đang là những điều nổi cộm gây bức xúc xã hội, làm nhụt chí các nhà đầu tư bên cạnh tình trạng lạm quyền, gây khó cho dân tại các cơ quan công quyền ở đội ngũ những người thi hành công vụ ở các cấp, ngành, địa phương còn diễn ra.

Nguyên nhân của hiện trạng này một phần nằm ở việc các hoạt động công việc của các cá nhân có trách nhiệm, các cơ quan công quyền thiếu sự minh bạch và sự giám sát; tính đúng đắn của các quyết định còn kém. Các vụ việc chỉ “lộ sáng” khi bị một “kênh” khác soi chiếu, khi hậu quả đã rõ ràng và nặng nề.

Nhìn từ từng con người cán bộ, đảng viên là những người vi phạm, có thể thấy rõ sự tự phấn đấu, rèn luyện đạo đức công vụ còn yếu kém, chưa đủ để chiến thắng cám dỗ khi việc “bôi trơn trong bóng tối” đã trở thành thói quen và sự lạm dụng quyền lực ít bị phát giác. Mặt khác, vấn đề còn ở tổ chức bộ máy chưa chặt chẽ, chính sách, luật pháp về sự minh bạch bắt buộc còn chưa đầy đủ. Sự lỏng lẻo đó đã tạo ra nhiều kẽ hở để các cá nhân lợi dụng chiếm đoạt lợi ích chung cho riêng mình bằng nhiều cách khác nhau. Những cơ quan được giao trọng trách chống lại những hiện tượng tiêu cực nhiều khi cũng không tránh khỏi tiêu cực trong chính nội bộ của mình.

2. Điều quan trọng đầu tiên khi huy động Nhân dân tăng cường giám sát, đấu tranh với những sự không minh bạch trong xã hội là phải thay đổi được thái độ của mỗi người dân trước những biểu hiện xấu, để mọi người có ý thức tham gia tích cực, ủng hộ những cố gắng của Đảng và Chính phủ trong việc xây dựng sự minh bạch và liêm chính, trừ bỏ những “con sâu” để cứu “nồi canh”. Nếu từ những người dân bình thường đến những nhà doanh nghiệp có thói quen coi việc “đi đêm”với các quan chức như những “điều xấu tất yếu” của bộ máy, có thói quen hy vọng đạt được những mục đích trong công việc của mình dựa vào việc hối lộ cho những người có quyền ra quyết định thì mọi cuộc vận động chống suy thoái, biến chất, chống tham nhũng, quan liêu, lãng phí, xây dựng sự liêm chính, chí công vô tư đều sẽ thất bại.

Cần tăng tính công khai, minh bạch trước Nhân dân về những chế độ, chính sách, quy định của Đảng, Nhà nước có liên quan đến trách nhiệm và quyền lợi của các đảng viên, các cơ quan để Nhân dân có cơ sở đối chiếu trong quá trình giám sát, đồng thời tạo những điều kiện cần thiết và thuận lợi để Nhân dân thực hiện quyền giám sát của mình. Điều này sẽ làm các hoạt động của mỗi “công bộc” cũng như cả bộ máy được dân tin tưởng về tính “quang minh chính đại”. Nhân dân có quyền giám sát và phản ảnh trực tiếp cũng như giám sát gián tiếp thông qua các tổ chức đoàn thể và các phương tiện thông tin đại chúng. Các cán bộ, đảng viên phải thực hiện tốt việc tự phê bình trước quần chúng - là đồng nghiệp trong cơ quan và Nhân dân ở nơi cư trú. Quần chúng cũng phải quan tâm góp ý nhận xét khách quan từng cán bộ, đảng viên về phẩm chất, năng lực cũng như mức độ hoàn thành công việc được giao một cách cụ thể và chính xác. Công việc này phải được tiến hành thường xuyên và quan trọng hơn là phải đạt được hiệu quả trong thực tế, tránhqua loa, hình thức.

Một “kênh” khác có thể trợ giúp tốt cho việc tăng sự minh bạch và hiệu quả của giám sát xã hội là sự hỗ trợ của những phương tiện thông tin đại chúng. Những hoạt động có trách nhiệm của các phương tiện thông tin đại chúng có tác dụng giám sát độc lập những hoạt động, những văn bản, quyết định được ban hành của các cơ quan và những người nắm giữ các chức vụ. Đây được coi là một lực cản khá lớn với các “bệnh tật”, sai phạm có thể phát sinh của cả bộ máy và mỗi cá nhân.

3. Nhìn từ hiện trạng và đánh giá vấn đề một cách hệ thống, toàn cục, chúng ta vẫn chưa xây dựng được những chính sách, chế tài cụ thể quy định về tính minh bạch trong các hoạt động của mỗi cá nhân nắm quyền lực và hoạt động của cơ quan công quyền, nhất là những cơ quan có hoạt động liên quan trực tiếp tới các lĩnh vực đời sống kinh tế, xã hội, văn hóa một cách đầy đủ. Đảng,  Nhà nước cần có những chính sách cụ thể và hữu hiệu để mỗi cá nhân, mỗi cơ quan đều phải thực hiện nhiệm vụ giải trình với bất cứ công việc nào của mình trước sự giám sát của các cơ quan có trách nhiệm, trước Nhân dân.

Trong bối cảnh hiện nay, sự minh bạch trước dân càng trở nên cần thiết và quan trọng để khôi phục lòng tin và tạo “lực đẩy” cho việc Nhân dân tham gia cùng với Đảng chống “quốc nạn” tham nhũng và tăng tính hiệu quả trong hoạt động của hệ thống các cơ quan công quyền. Cơ sở để có sự tham gia tích cực của Nhân dân chính là lòng tin dựa trên sự minh bạch.

TS. Ngô Vương Anh

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tự hào về truyền thống hào hùng của quân đội

Chiều 9/12, Tiểu đoàn Huấn luyện Cơ động, Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh phối hợp với Trường tiểu học Thuỷ Xuân (TP. Huế) tổ chức tuyên truyền kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam; 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân và 60 năm Ngày truyền thống BĐBP tỉnh Thừa Thiên Huế với hơn 800 người tham gia.

Tự hào về truyền thống hào hùng của quân đội
Return to top