ClockThứ Ba, 22/01/2019 14:33

Tập trung xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng ‘tham nhũng vặt’

Sáng 22/1, dự Hội nghị tổng kết năm 2018 và bàn phương hướng nhiệm vụ năm 2019 của Ban Nội chính Trung ương, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng yêu cầu, tập trung xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng vòi vĩnh, nhũng nhiễu, gợi ý, lót tay, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp trong giải quyết công việc ("tham nhũng vặt").

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đến dự hội nghị. Ảnh: Trí Dũng/TTXVN.

Dự Hội nghị có các Ủy viên Bộ Chính trị: Trần Quốc Vượng, Thường trực Ban Bí thư; Phạm Minh Chính, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương; Võ Văn Thưởng, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; Trương Hòa Bình, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ; Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh.

Các Bí thư Trung ương Đảng: Trần Thanh Mẫn, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam; Trần Cẩm Tú, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương; Nguyễn Hòa Bình, Chánh án TAND tối cao; Thượng tướng  Lương Cường, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam; Nguyễn Xuân Thắng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và ông Uông Chu Lưu, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội đã tới dự.

Phát biểu tại hội nghị, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cho rằng, thời gian qua, công tác theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về nội chính và phòng, chống tham nhũng được quan tâm, ngày càng nền nếp, hiệu quả.

Tham nhũng được ngăn chặn, từng bước được đẩy lùi

Đánh giá, Ban Nội chính Trung ương đã chủ động tham mưu cho Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng chọn những khâu yếu, những lĩnh vực trọng tâm để kiểm tra, giám sát, đôn đốc; Tổng Bí thư cho rằng, Ban Nội chính đã tham mưu, đề xuất Ban Chỉ đạo thành lập 40 đoàn kiểm tra, giám sát việc thanh tra vụ việc, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế và công tác phòng, chống tham nhũng tại 15 cấp uỷ, bộ, ngành Trung ương và 63 tỉnh uỷ, thành uỷ; kiểm tra, rà soát hoạt động tín dụng tại một số ngân hàng thương mại nhà nước; kiểm tra chuyên đề về phòng, chống tham nhũng trong lĩnh vực thuế, hải quan; rà soát các kết luận thanh tra, kiểm toán; thanh tra, kiểm tra các dự án thất thoát, thua lỗ lớn, dư luận xã hội quan tâm; kiểm tra công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế…

Ngành nội chính đảng đã tích cực, chủ động, tham mưu có hiệu quả cho Đảng trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế, bảo đảm kịp thời, nghiêm minh, đúng pháp luật; góp phần hiện thực hoá và khẳng định quyết tâm chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước "không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai".

“Ở đây đòi hỏi sự phối hợp rất chặt chẽ, nhịp nhàng và thống nhất ý kiến giữa các cơ quan chức năng mới làm được; vì phòng, chống tham nhũng là lĩnh vực khó, phức tạp; nó đụng chạm đến lợi ích, đụng chạm đến con người, và lợi ích ở đây là lợi ích nhóm, nó liên quan chằng chịt với nhau, ở các cấp, các ngành, rất lắt léo, đòi hỏi các cơ quan chức năng phải thực sự có bản lĩnh, có kiến thức, có kinh nghiệm, đặc biệt là phải trong sáng, công tâm, liêm khiết, phối hợp chặt chẽ”, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN nói.

Vừa qua, “tôi thấy rất mừng là Ban Nội chính Trung ương cùng các cơ quan kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, công an, kiểm sát, toà án đã phối hợp rất tốt; nhiều vụ án, vụ việc tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp được điều tra, xử lý kịp thời, nghiêm minh, đúng quy định của pháp luật, góp phần cảnh tỉnh, cảnh báo, răn đe, phòng ngừa tham nhũng, được dư luận, nhân dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao (từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII đến nay, chúng ta đã xử lý kỷ luật 53.107 cán bộ, đảng viên, trong đó có hơn 60 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý; điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm 643 vụ/1.579 bị cáo về tham nhũng, kinh tế)” - Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nói.

Công tác phòng, chống tham nhũng từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII đến nay được chỉ đạo ráo riết, quyết liệt, có một bước tiến mạnh, đạt được nhiều kết quả toàn diện, rõ rệt, tạo hiệu ứng tích cực, lan toả mạnh mẽ trong toàn xã hội; tham nhũng được ngăn chặn, đang từng bước được đẩy lùi, góp phần giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước. Trong thành tích chung đó, có phần đóng góp quan trọng của ngành Nội chính nói chung và Ban Nội chính Trung ương nói riêng.

Ba là, công tác theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về nội chính và phòng, chống tham nhũng được quan tâm, ngày càng nền nếp, hiệu quả.

Đạt được những thành công ấy, theo Tổng Bí thư, Chủ tịch nước là nhờ, Ban Nội chính Trung ương đã chủ động tham mưu cho Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng chọn những khâu yếu, những lĩnh vực trọng tâm để kiểm tra, giám sát, đôn đốc.

“Đã tham mưu, đề xuất Ban Chỉ đạo thành lập 40 đoàn kiểm tra, giám sát việc thanh tra vụ việc, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế và công tác phòng, chống tham nhũng tại 15 cấp uỷ, bộ, ngành Trung ương và 63 tỉnh uỷ, thành uỷ; kiểm tra, rà soát hoạt động tín dụng tại một số ngân hàng thương mại nhà nước; kiểm tra chuyên đề về phòng, chống tham nhũng trong lĩnh vực thuế, hải quan; rà soát các kết luận thanh tra, kiểm toán; thanh tra, kiểm tra các dự án thất thoát, thua lỗ lớn, dư luận xã hội quan tâm; kiểm tra công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế...”.

Tuy nhiên, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cũng thẳng thắn nhìn nhận, vẫn còn những tồn tại, hạn chế trong việc nghiên cứu, đề xuất những quan điểm, chủ trương, định hướng lớn của Đảng về công tác xây dựng pháp luật; trong nghiên cứu, đề xuất một số chủ trương, chính sách về an ninh quốc gia, về tổ chức và hoạt động của các cơ quan nội chính. Quan tâm chưa đúng mức trong tham mưu giúp Bộ Chính trị, Ban Bí thư, tỉnh uỷ, thành uỷ kiểm tra, giám sát việc thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước ở các cơ quan nội chính…

Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: Trí Dũng/TTXVN.

Nhiệm vụ trong tâm năm 2019

Cho rằng, năm 2019 là năm có vị trí rất quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi toàn diện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, đồng thời cũng là năm bắt đầu triển khai công việc chuẩn bị cho đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Với vị trí, vai trò là cơ quan tham mưu chiến lược của Đảng về lĩnh vực nội chính, phòng, chống tham nhũng và cải cách tư pháp, là "tai mắt" của Đảng về lĩnh vực này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng, trọng trách của ngành Nội chính đảng là phải phối hợp tham mưu cho Đảng lãnh đạo, chỉ đạo hoàn thiện thể chế, pháp luật, đẩy mạnh hơn nữa công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, không cho phép ai làm trái quan điểm, Cương lĩnh, đường lối của Đảng.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nêu 6 nhiệm vụ của ngành nội chính trong năm 2019. Đó là:

Một là, cần tiếp tục đầu tư nhiều công sức hơn nữa cho việc nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, tích cực tham mưu, đề xuất những quan điểm, chủ trương, định hướng lớn của Đảng về công tác xây dựng và thực thi pháp luật, trọng tâm là những đề án liên quan đến lĩnh vực nội chính, phòng, chống tham nhũng và cải cách tư pháp.

Cần tập trung nghiên cứu, tham mưu cho Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, tỉnh uỷ, thành uỷ lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng, hoàn thiện các quy định của Đảng, thể chế, chính sách, pháp luật của Nhà nước, bịt kín những "khoảng trống", "kẽ hở" để "không thể tham nhũng, không dám tham nhũng và không muốn tham nhũng". Chủ trì và phối hợp nghiên cứu, đề xuất đưa ra được những quan điểm, định hướng lớn về lĩnh vực công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng và cải cách tư pháp để phục vụ việc chuẩn bị dự thảo Văn kiện Đại hội XIII của Đảng và đại hội đảng bộ các cấp. Tham mưu, đề xuất các quy định của Đảng, Nhà nước về phòng, chống tham nhũng và kiểm soát quyền lực để phòng, chống tham nhũng theo Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4, Trung ương 6, Trung ương 7 khoá XII. Tham mưu tổng kết Nghị quyết số 48 của Bộ Chính trị về chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam, Nghị quyết số 49 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020; tham mưu lãnh đạo, chỉ đạo định hướng lớn để sửa đổi các luật có liên quan. Nâng cao chất lượng thẩm định các đề án, văn bản về lĩnh vực nội chính, phòng, chống tham nhũng và cải cách tư pháp trước khi trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư, cấp uỷ cấp tỉnh,... bảo đảm cho luật pháp phù hợp với Cương lĩnh, quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng.

Hai là, chú trọng tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về lĩnh vực nội chính, phòng, chống tham nhũng và cải cách tư pháp.

Trước hết là kiểm tra, giám sát việc chấp hành. Ngành Nội chính đảng phải chủ trì, phối hợp tham mưu giúp Bộ Chính trị, Ban Bí thư, cấp uỷ cấp tỉnh và trực tiếp thực hiện kiểm tra, giám sát việc thực hiện đường lối, chủ trương, quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước ở các cơ quan nội chính; nhất là kiểm tra, giám sát hoạt động thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án. Tham mưu kiểm tra, giám sát việc xây dựng, ban hành, thực thi pháp luật có đúng đường lối, quan điểm của Đảng không? Có bị tác động, hướng lái chính sách theo giá trị "tự do, dân chủ" của các thế lực thù địch, chống đối không?…

“Các đồng chí phải "gác gôn" cho Đảng trên lĩnh vực này, không cho phép ai làm trái Cương lĩnh, quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng. Đồng thời, phải chủ động tăng cường hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, giám sát các cấp uỷ, tổ chức đảng trong việc thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về lĩnh vực nội chính, phòng, chống tham nhũng và cải cách tư pháp, nhất là nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát”.

Mặt khác, tập trung tham mưu cho Bộ Chính trị, Ban Bí thư, tỉnh uỷ, thành uỷ lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán để phát hiện, xử lý tham nhũng, nhất là các lĩnh vực nhạy cảm, có nhiều dư luận về tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, các vụ việc nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm (quản lý, sử dụng đất đai, khai thác tài nguyên, khoáng sản; việc mua bán, chuyển nhượng tài sản công; việc cổ phần hoá, thoái vốn trong tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước; quản lý vốn, tài sản nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp; hoạt động xây dựng và quản lý, sử dụng vốn đầu tư; các dự án đầu tư theo hình thức BOT, BT; quản lý, sử dụng quỹ bảo hiểm y tế, mua sắm trang thiết bị y tế và vật tư tiêu hao, đấu thầu thuốc chữa bệnh…).

Ba là, Ban Nội chính Trung ương tiếp tục thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ là Cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương; tập trung tham mưu, đề xuất chỉ đạo đẩy nhanh hơn nữa tiến độ điều tra, xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm; nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng.

Thực tế hoạt động của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng vừa qua cho thấy, cơ chế chỉ đạo xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng, kinh tế là rất hiệu quả, các đồng chí cần tổng kết, rút kinh nghiệm để làm tốt hơn, thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa công tác phòng, chống tham nhũng; phối hợp tốt hơn nữa với các cơ quan chức năng để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh hơn nữa tiến độ điều tra, xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng, kinh tế.

Ban Nội chính Trung ương, ban nội chính tỉnh uỷ, thành uỷ phải thực sự là trung tâm khâu nối, phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong tham mưu lãnh đạo, chỉ đạo xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng, kinh tế, bảo đảm việc xử lý phải nghiêm minh, đúng quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước, không có vùng cấm, không có đặc quyền, không có ngoại lệ, không chịu sức ép của bất cứ tổ chức, cá nhân nào.

Cần tham mưu chỉ đạo để nâng cao hơn nữa hiệu quả thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế; tích cực xác minh, kịp thời áp dụng các biện pháp thu giữ, kê biên, phong toả, thu hồi triệt để tài sản tham nhũng trong quá trình thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án.

Chú trọng tham mưu, đề xuất với các cấp uỷ địa phương lãnh đạo, chỉ đạo tạo sự chuyển biến rõ rệt hơn nữa trong công tác phát hiện, xử lý tham nhũng ở địa phương, cơ sở, khắc phục tình trạng "trên nóng, dưới lạnh" trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng; tập trung xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng vòi vĩnh, nhũng nhiễu, gợi ý, lót tay, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp trong giải quyết công việc ("tham nhũng vặt").

Xác định đúng vai trò, vị trí, để từ đó nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng và Cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo về công tác phòng, chống tham nhũng nói chung và đặc biệt là công tác thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, xử lý các vụ việc về tham nhũng, kinh tế nói riêng; phải phát hiện và xử lý tham nhũng, tiêu cực ngay trong các cơ quan làm công tác chống tham nhũng.

Bốn là, chủ động phối hợp, tham mưu lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt và thực hiện nghiêm túc các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội đã đề ra trong các nghị quyết, chỉ thị, quy định của Trung ương.

Nắm chắc tình hình, phối hợp tham mưu lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết kịp thời các vấn đề nổi lên về an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, nhất là về an ninh biên giới, an ninh trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, an ninh tôn giáo, an ninh nông thôn; hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động; hoạt động của các loại tội phạm nguy hiểm; những bức xúc, khiếu kiện đông người kéo dài, phức tạp.... không để phát sinh "điểm nóng", bị động, bất ngờ.

Năm là, nâng cao hiệu quả công tác nghiên cứu, đề xuất các chủ trương, chính sách về tổ chức và hoạt động của các cơ quan nội chính; tham gia có hiệu quả với các cơ quan có thẩm quyền về công tác cán bộ.

Các đồng chí cần chủ động phối hợp, nghiên cứu, đề xuất các chủ trương, chính sách để hoàn thiện tổ chức, bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan nội chính. Chủ động tham gia về công tác cán bộ trong các cơ quan nội chính, nhất là tham gia ý kiến trong việc quy hoạch, bổ nhiệm, khen thưởng, kỷ luật đối với các chức danh cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư, tỉnh uỷ, thành uỷ quản lý trong các cơ quan nội chính,…

Ngành Nội chính đảng phải chủ động phối hợp, tham mưu cho Đảng kiên quyết loại bỏ những cán bộ tham nhũng, hư hỏng, thoái hoá, biến chất; không để lọt vào quy hoạch nhân sự đại hội đảng các cấp những người không đủ tiêu chuẩn, nhất là những người có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hoá", có quan điểm lệch lạc, sai trái, mất đoàn kết, tham nhũng, tiêu cực.

Sáu là, tiếp tục kiện toàn tổ chức, bộ máy; chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ Ngành Nội chính đảng thật sự liêm chính, trong sạch.

Cán bộ, công chức ngành Nội chính đảng phải có bản lĩnh, có dũng khí bảo vệ cái đúng, kiên quyết đấu tranh với cái sai; có trình độ, có hiểu biết tương đối toàn diện, nắm vững các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, các chính sách, pháp luật của Nhà nước; có kiến thức, kinh nghiệm sâu sắc về lĩnh vực nội chính, phòng, chống tham nhũng và cải cách tư pháp; đặc biệt phải liêm, phải sạch; phải có đạo đức trong sáng, công tâm; có phương pháp làm việc khoa học, cương, nhu đúng lúc; kỷ cương, kỷ luật chặt chẽ, đoàn kết, thống nhất cao, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, xứng đáng với niềm tin yêu của cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Trong 5 năm qua, từ khi tái lập đến nay, Ban Nội chính Trung ương đã tham mưu với Ban Chỉ đạo đưa 301 vụ án, 361 vụ việc về tham nhũng, kinh tế vào diện theo dõi, chỉ đạo ở 3 cấp độ. Riêng 87 vụ án, 78 vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo đã được các cơ quan chức năng phối hợp chặt chẽ, khẩn trương, quyết liệt trong điều tra, truy tố, đưa ra xét xử sơ thẩm 47 vụ/634 bị cáo, tuyên phạt 10 bị cáo với 11 mức án tử hình; 20 bị cáo với 21 án tù chung thân; 8 bị cáo tù 30 năm; 18 bị cáo tù từ 20 đến 30 năm; 535 bị cáo tù từ 12 tháng đến dưới 20 năm. Riêng trong năm 2018, đã kết thúc điều tra 23 vụ/222 bị can (tăng 43,75% số vụ so với năm 2017), đã truy tố 20 vụ/251 bị can (tăng 66,7% số vụ so với năm 2017); đã xét xử sơ thẩm 23 vụ/304 bị cáo (gấp gần 5 lần so với năm 2017), nhất là đã đưa ra xét xử 10 vụ án đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm, như: Vụ án về Trịnh Xuân Thanh; vụ án Đinh La Thăng; vụ án Phạm Công Danh (giai đoạn II); vụ án Hà Văn Thắm; vụ án Trần Phương Bình; vụ án Huỳnh Thị Huyền Như; vụ án Phan Văn Anh Vũ; vụ án Đinh Ngọc Hệ; vụ án Nguyễn Văn Dương và Phan Sào Nam; vụ án Hứa Thị Phấn, thể hiện quyết tâm rất cao của Đảng, Nhà nước trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng.

Theo Đại đoàn kết

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Ngăn chặn nạn “chặt chém” khách: Cùng vào cuộc

Mặc dù môi trường du lịch Huế ngày càng được cải thiện nhưng thi thoảng những vụ việc “chặt chém” khách về giá lại làm cho du lịch Huế “mang tiếng xấu”. Tuyên truyền và có chế tài xử phạt là điều cần làm, nhưng để hiệu quả, cần sự phối hợp vào cuộc của các cấp, ngành, chính quyền địa phương và mỗi một người dân, du khách.

Ngăn chặn nạn “chặt chém” khách Cùng vào cuộc
Triển khai giải pháp để thực hiện hiệu quả Đề án 07

Chiều 17/10, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tổ chức sơ kết 3 năm thực hiện Đề án 07-ĐA/TU, ngày 1/9/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về nâng cao chất lượng công tác kiểm tra, giám sát (KTGS), thi hành kỷ luật Đảng trong Đảng bộ tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021 – 2026 (Đề án 07).

Triển khai giải pháp để thực hiện hiệu quả Đề án 07
Ứng dụng công nghệ, hiệu quả nhân đôi

Công nghệ hiện đại đã trở thành yếu tố cốt lõi giúp nhiều doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng năng suất, giảm chi phí nhân công và đảm bảo chất lượng sản phẩm.

Ứng dụng công nghệ, hiệu quả nhân đôi
Hiệu quả từ vốn vay cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài

Thông qua nguồn vốn vay từ chương trình tín dụng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng của Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) TP. Huế, nhiều gia đình đã có điều kiện đầu tư cho con em tham gia đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (NNTHĐ) tại các thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan…

Hiệu quả từ vốn vay cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài
Return to top