Luôn đặt lên hàng đầu
Mở đầu câu chuyện, ông Hồ Văn Diện, Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Dệt may Huế đúc rút: Với một doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp cổ phần thì QCDC luôn phải đặt lên hàng đầu. Bởi, thực hiện tốt QCDC sẽ “hút” cán bộ, công nhân - lao động đến với công ty. Đây cũng là điều kiện để hài hòa lợi ích giữa công ty với người lao động.
|
QCDC luôn được phát huy, việc làm, thu nhập ổn định đã thu hút nhiều công nhân lao động đến làm việc tại Công ty CP Dệt may Huế
|
Quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động được quan tâm, chính là tiền đề để doanh thu của doanh nghiệp không ngừng tăng lên. Người lao động cũng vì thế mà gắn bó lâu dài, tâm huyết hơn với doanh nghiệp.
Dưới sự lãnh, chỉ đạo của Ban Thường vụ Đảng ủy, Công ty CP Dệt may Huế thường xuyên tổ chức cho cán bộ, đảng viên và người lao động bàn bạc xây dựng QCDC. Việc xây dựng nội quy, quy chế của công ty đều tổ chức lấy ý kiến rộng rãi từ dưới lên. Nghĩa là, bắt đầu từ người lao động, đến các tổ chức, đoàn thể công đoàn, đoàn thanh niên, hội cựu chiến binh và được công khai dân chủ để cán bộ, đảng viên, người lao động biết. Nội dung QCDC gắn với quy chế làm việc của công ty và các tổ chức đoàn thể. Điều đáng ghi nhận, công ty đã xây dựng 7 nội dung người quản lý doanh nghiệp phải công khai cho người lao động biết. Đó là, kế hoạch sản xuất kinh doanh; nội quy, quy chế, quy định của công ty; tình hình thực hiện chế độ chính sách Nhà nước; thỏa ước lao động tập thể; trích lập, sử dụng các quỹ; công khai tài chính hằng năm; điều lệ hoạt động của công ty. Có 4 nội dung người lao động được tham gia ý kiến, đó là, xây dựng, sửa chữa bổ sung quy chế, quy định của công ty; giải pháp tiết kiệm, nâng cao năng suất an toàn, môi trường, PCCC; xây dựng thỏa ước lao động tập thể; nghị quyết, hội nghị người lao động; quy trình thủ tục giải quyết tranh cấp lao động. Từ đó, có 4 nội dung người lao động được quyết định đó là, giao kết hợp đồng lao động; nội dung thương lượng thỏa ước lao động; thông qua nghị quyết hội nghị người lao động; gia nhập hoặc không gia nhập tổ chức công đoàn. Ngoài ra, còn có 7 nội dung người lao động được kiểm tra, giám sát theo quy định là, thực hiện kế hoạch sản xuất kinh doanh; thực hiện hợp đồng lao động và các chế độ chính sách người lao động; thực hiện nội quy, quy định, quy chế; thỏa ước lao động tập thể; nghị quyết người lao động; trích lập, khen thưởng quỹ phúc lợi và các quỹ khác do người lao động đóng góp; trích lập nộp phí công đoàn, đóng các loại bảo hiểm xã hội; tình hình thi đua khen thưởng, kỷ luật; thực hiện điều lệ công ty và QCDC. Trên cơ sở đó, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc công ty có trách nhiệm thường xuyên tiếp nhận thông tin từ các tổ chức đoàn thể và trực tiếp từ người lao động về công tác quản lý điều hành. Qua đó, thực hiện nghiêm túc các chế độ chính sách và kịp thời giải quyết những bức xúc, nguyện vọng chính đáng của người lao động.
Để thực hiện tốt những nội dung nội quy, quy chế ký kết giữa công ty và người lao động, công ty thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện QCDC gồm 6 đồng chí và phân công trách nhiệm cụ thể cho từng thành viên, nhằm chỉ đạo, theo dõi, đôn đốc, thực hiện QCDC một cách hiệu quả. Trong quá trình thực hiện, hàng năm công ty tiến hành đánh giá, kịp thời điều chỉnh những tồn tại, hạn chế để QCDC đạt kết quả cao hơn.
Chìa khóa của thành công
Ông Nguyễn Văn Phong, Trưởng phòng Nhân sự Công ty CP Dệt may Huế khẳng định: “QCDC chính là điều kiện để công ty và người lao động gặp nhau hơn, kịp thời tháo gỡ những khó khăn vướng mắc. Người lao động phấn khởi, tích cực làm việc vì công ty và công ty quan tâm, kịp thời chăm lo quyền, lợi ích hợp pháp đối với người lao động. Đó chính là chìa khóa để thành công”.
Đảng bộ Công ty CP Dệt may Huế trực thuộc Đảng bộ Khối Doanh nghiệp tỉnh, với 304 đảng viên, sinh hoạt ở 13 chi, đảng bộ trực thuộc. Đảng bộ công ty lãnh đạo hơn 6.500 cán bộ, công nhân viên - lao động, với 3 công ty thành viên. Công ty chuyên sản xuất hàng may mặc xuất khẩu khép kín từ sợi - dệt nhuộm - may, doanh thu hàng năm đạt hơn 1.500 tỷ đồng, xuất khẩu đạt trên 70 triệu USD, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.
|
“Theo quy chế, 14 giờ ngày thứ 7 của tuần thứ tư, tháng cuối quý, việc đối thoại tại nơi làm việc giữa lãnh đạo công ty với người lao động được tiến hành. Sau đối thoại, Tổng Giám đốc có trách nhiệm niêm yết công khai biên bản cuộc đối thoại định kỳ tại nơi làm việc của công ty, phòng, ban, trạm, nhà máy, xí nghiệp, ca, tổ, đội sản xuất và trên hệ thống truyền thanh nội bộ”, bà Trần Thị Kim Oanh, Chủ tịch Công đoàn Công ty CP Dệt may Huế nói.
Chị Nguyễn Thị Thu Hiền, công nhân Tổ may 48, Nhà máy may – Công ty CP Dệt may Huế cho biết: “Thông qua tổ trưởng, công nhân ở đây có sự trao đổi thông tin hai chiều những vấn đề mình quan tâm. Ngoài ra, tại các nhà máy, xí nghiệp, phòng, ban, trạm đều có hòm thư góp ý, giúp người lao động có điều kiện để đề đạt nguyện vọng hoặc trao đổi ý kiến với lãnh đạo công ty, trưởng các phòng, ban, tổ”.
Không nợ các loại bảo hiểm; các chế độ chính sách, quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của người lao động luôn được đảm bảo, không chỉ là điều kiện để công ty “giữ chân” người lao động, mà còn khẳng định uy tín đối với các đối tác làm ăn với mình. “Việc làm ổn định, lương và các khoản thu nhập khác của công nhân trung bình 4,6 triệu đồng/tháng, không phải doanh nghiệp nào cũng giữ được. Điều mà người lao động ở đây phấn khởi nhất là có quyền được nói, được ý kiến khi thấy một vấn đề nào đó chưa hiểu, chưa rõ”, chị Đỗ Thị Mai Thi, Tổ trưởng Tổ may 33, Nhà máy may - Công ty CP Dệt may Huế tâm sự.
Qua trò chuyện với một số công nhân ở Công ty CP Dệt may Huế chúng tôi được biết, vấn đề mà người lao động ở đây quan tâm nhiều nhất chính là tình hình thực hiện kế hoạch sản xuất, kinh doanh và những vấn đề liên quan đến việc làm của người lao động. Theo lý giải của không ít người, trong thời điểm hiện tại, để có một việc làm ổn định, thu nhập ổn định, lại luôn được doanh nghiệp quan tâm không phải dễ. Nếu doanh nghiệp gặp khó khăn, thì người lao động cũng sẽ bị ảnh hưởng không nhỏ đến việc làm và đời sống.