Toàn cảnh Hội nghị Trung ương 8
Những năm qua, số đảng viên vi phạm kỷ luật bị xử lý ở mức độ cao. Các đảng viên vi phạm cả về chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống và thực hiện nhiệm vụ chính trị. Cùng với đó, tình trạng tham nhũng đang là vấn nạn nhức nhối làm giảm uy tín của Đảng, mất lòng tin của quần chúng nhân dân. Trong số đó có “một bộ phận không nhỏ” cán bộ lãnh đạo các cấp, nhất là cán bộ cấp cao. Từ năm 2014 đến nay, cả nước có 58.120 đảng viên bị kỷ luật, trong đó 2.720 người do tham nhũng, cố ý làm trái (56 cán bộ diện Trung ương quản lý, 11 cán bộ là Ủy viên Trung ương Đảng đương chức và nghỉ hưu), nhiều trường hợp bị khởi tố hình sự. Đó là những con số quá lớn so với 30 năm trước. Đã có nhiều cán bộ các cấp sai phạm rất nghiêm trọng, trong đó có lãnh đạo chủ chốt ở các ngành quan trọng và ở các địa phương. Riêng một vụ Vũ "nhôm" ở Đà Nẵng đã có 14 lãnh đạo, trong đó có cả lãnh đạo cấp cao, 6 tướng công an bị “dính” vào việc làm ăn khuất tất với đối tượng này. Vụ đánh bạc công nghệ cao mà Công an Phú Thọ đang thụ lý đã khởi tố bắt 2 tướng công an bảo kê cho hoạt động phạm pháp. Và nhiều vụ án khác có hàng trăm đối tượng là cán bộ lãnh đạo phải ra tòa trong một lần xét xử…
Đó chỉ mới điểm mặt số vụ đã rõ, đã bị xử lý, còn bao nhiêu đối tượng “chưa bị lộ” cần tiếp tục được vạch trần. Nêu lên để thấy tính chất sai phạm nghiêm trọng của đạo đức cán bộ, nhưng đồng thời xác định những “gương xấu” như vậy ảnh hưởng quá lớn đến xã hội cần sớm được chấn chỉnh. “Thượng bất chính, hạ tắc loạn” là hệ quả tất yếu của hư hỏng, biến chất trong cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ cấp cao đối với toàn xã hội. Nguy hiểm hơn nữa khi nó thành phản ứng phẫn nộ trong quần chúng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của Đảng. Đó là lý do tại Hội nghị Trung ương 8 khóa XII mới đây, Đảng ta đã ban hành quy định và hoàn thiện hơn nữa trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên ban Bí thư, Ủy viên BCH Trung ương Đảng.
Năm 2012, Đảng ta đã ban hành Quy định 101-QĐ/TW “Về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ chốt các cấp”. Cùng với Quy định 47-QĐ “Về những điều đảng viên không được làm” đã khắc phục một phần thiếu trách nhiệm và sai phạm của đảng viên. Các chỉ thị trước do Bộ Chính trị ban hành, lần này quy định được đưa ra thảo luận, trở thành nghị quyết lớn của BCH Trung ương Đảng. Quy định chỉ rõ đối tượng phải chấp hành là cán bộ lãnh đạo nói chung và cấp từ Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy viên BCH Trung ương Đảng. Nếu đội ngũ này nêu gương tốt sẽ khắc phục được những yếu kém, khuyết điểm, vi phạm pháp luật trong đội ngũ lãnh đạo. Quy định đã xác định 2 trụ cột chính là "xây" và "chống", đó cũng chính là quan điểm xuyên suốt của Đảng. Cốt lõi vấn đề là đảng viên ở vị trí lãnh đạo phải tự nghiêm khắc với bản thân mình, phải tự từ bỏ mọi cám dỗ vật chất...
Trong những năm gần đây, Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị 03 và 05 về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Đây là thực tiễn sinh động về đạo đức, phong cách, suốt đời vì nước, vì dân của Bác, làm cơ sở cho đảng viên học tập, noi theo. Thế nhưng trên thực tế, việc học tập và làm theo Bác trong cán bộ, đảng viên còn hình thức, chưa có chuyển biến mạnh mẽ, quyết liệt.
Đề cao trách nhiệm nêu gương của cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược sẽ tạo nền tảng xây dựng cái gốc đạo đức của Đảng. Đó chính là nền móng cho công tác xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, đủ sức lan tỏa, tác động, thẩm thấu, chi phối đến toàn xã hội. Từ xưa, người Việt chúng ta rất coi trọng, đề cao vai trò của những nhà cầm quyền. Các bậc vua tôi luôn được chỉ giáo: “Lo trước cái lo của thiên hạ, vui sau cái vui của thiên hạ”, “Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”. Đó như là phương ngôn về đạo đức, trung quân, vì nước, vì dân của quan chức thời xưa. Muốn trị vì được thiên hạ thì bản thân người cầm quyền và gia đình họ trước hết phải đúng đắn, mực thước, trong sạch, liêm khiết.
Trong thời đại thông tin hiện nay, với trình độ dân trí ngày càng cao thì gương sáng của cán bộ, đảng viên, nhất là lãnh đạo cấp cao sẽ được lan tỏa nhanh chóng. Nó sẽ là cầu nối thu hẹp bất đồng, quy tụ được lòng dân, phát huy sức mạnh nhằm xây dựng đất nước phát triển. Đó là tất yếu trong nêu gương của đội ngũ cán bộ, đảng viên nói chung và lãnh đạo cấp cao nói riêng.
NGUYỄN PHƯỚC KHÁNH