ClockThứ Tư, 11/11/2020 08:38

Tự phê bình và phê bình sao cho hiệu quả?

TTH - Vào dịp cuối năm, các chi, đảng bộ họp kiểm điểm, đánh giá, xếp loại đảng viên và tổ chức Đảng. Đây là dịp để từng đảng viên và từng chi, đảng bộ nhìn lại một năm phấn đấu, rèn luyện, rút ra mặt mạnh để phát huy và điểm yếu để khắc phục. Vậy làm thế nào để công tác phê bình và tự phê bình đạt hiệu quả cao?

Hương Thủy: Trao Huy hiệu Đảng cho 10 đảng viênVừa hỗ trợ người dân, vừa chuẩn bị phòng chống bão số 9Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020-2025 tổ chức phiên trù bị

Trước hết, phải xác định tự phê bình và phê bình trong Đảng là để tăng thêm tình đồng chí, đồng đội; duy trì và tăng cường khối đoàn kết; phát huy và tăng thêm ưu điểm, bỏ bớt, đi đến bỏ hẳn khuyết điểm, làm cho mọi người cùng tiến bộ, được quần chúng yêu mến, quý trọng, tin tưởng…, qua đó, góp phần thiết thực xây dựng Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh.

Để đạt được mục đích đó, cần phải có phương châm, nguyên tắc và phương pháp thực hiện đúng đắn. Đó là:

Tự phê trước, phê sau. Bác Hồ từng dạy “Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội phải có con người xã hội chủ nghĩa”. Do đó, để phê bình người khác, trước hết mình phải tự kiểm điểm, phê bình mình.

Trong phê bình, không chỉ nêu khuyết điểm mà phải nêu cả ưu điểm. Nếu chỉ nêu khuyết điểm mà không nêu ưu điểm thì chỉ làm cho người được phê bình bi quan, chán nản, cảm thấy bị bỏ rơi, vô dụng… dễ sinh ra những suy nghĩ và hành động tiêu cực… Ngược lại, nhấn mạnh vào ưu điểm sẽ làm cho người ta phấn khởi, lạc quan, thấy mình còn có giá trị… từ đó sẽ tích cực, vui vẻ phấn đấu nhiều hơn, nhằm phát huy ưu điểm, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Một số người khi phê bình người khác thường hay quy chụp, nâng quan điểm. Điều này thường xảy ra ở những người thiếu chân tình, trung thực, kiến thức có hạn nhưng lại kém khiêm tốn, tự cho mình là giỏi, “có quyền” phán xét người khác. Cách phê bình như vậy chẳng những không làm cho đồng chí mình nhận ra khuyết điểm mà ngược lại, làm cho họ lo sợ (với những người “yếu bóng vía”) hoặc đố kỵ, tìm cách “trả đũa”. Cả hai đều không mang lại hiệu quả. 

Cách phê bình có tác dụng nhất là phê bình có lý, có tình, thực sự tôn trọng, thương yêu lẫn nhau. Với cách này, người được phê bình thấy rõ nguyên nhân dẫn đến sai sót của mình, từ đó rút ra bài học để không tái phạm những khuyết điểm tương tự. Đồng thời, không bi quan, chán nản, thấy được sự tôn trọng và tình cảm chân thành của những người xung quanh mình, cùng sinh hoạt với mình, làm cho mình thêm tin yêu, gắn bó, đồng lòng xây dựng tổ chức, đoàn thể ngày càng vững mạnh.

Ngoài ra, trong phê bình chú ý không để “chuyện bé xé ra to”. Đây là một trong những biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân, lợi dụng phê bình để bôi nhọ, hạ uy tín người khác. Tác hại là làm cho người được phê bình không tiếp thu, ngược lại sinh ra ấm ức, oán hận, gây mất đoàn kết nội bộ…Tuy nhiên, cần thẳng thắn vạch mặt và loại ngay ra khỏi tổ chức những kẻ cơ hội.

 Khi phê bình, nên đặt mình vào vị trí của đối tượng được phê bình. Đây là một trong những cách đưa đến sự phê bình nhẹ nhàng, trung thực, khách quan…, không gây cho đối tượng cảm giác đối đầu, đối kháng. 

Người được góp ý phải bình tĩnh lắng nghe mới hiểu được “bụng dạ” của người nói.

Với cấp trên, thường chúng ta ngại phê bình. Và có “phê” đi nữa thì chủ yếu là nói ưu điểm, ngại đụng đến khuyết điểm. Thậm chí không ít kẻ cơ hội, xu nịnh còn tâng bốc, ngợi ca… một cách lố bịch. Thực chất đó là làm hại cấp trên. Người bình thường sai thì phạm vi và mức độ ảnh hưởng ít. Nhưng cán bộ lãnh đạo sai thì tác hại lớn hơn nhiều, cả về không gian lẫn thời gian và dễ bị kẻ xấu lợi dụng, xuyên tạc, bóp méo, thêm thắt… dẫn đến những hậu quả khó lường. Do đó, phải góp ý, phê bình cho cả cán bộ lãnh đạo để các đồng chí đó không phạm sai lầm, nhất là những sai lầm liên quan đến chức vụ, quyền hạn cán bộ đó đang nắm giữ.

Nguyễn Vĩnh Lộc

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Return to top