Truyền thống anh dũng, kiên cường
Thành lập năm 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam do lãnh tụ Hồ Chí Minh sáng lập, rèn luyện chỉ sau 15 năm bước lên vũ đài chính trị, đã lãnh đạo toàn dân dứng lên thực hiện cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945 “long trời, lở đất”, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Tiếp đó, Đảng đã lãnh đạo 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ thắng lợi, hoàn thành công cuộc giải phóng dân tộc, đưa cả nước bước vào thời kỳ chủ nghĩa xã hội.
Đảng bộ Thừa Thiên Huế tự hào đã góp phần xứng đáng vào cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945. Trong 2 cuộc kháng chiến, Đảng bộ, quân và dân Thừa Thiên Huế đã lập nên những chiến công vang dội. Đó là truyền thống “Bình Trị Thiên khói lửa” trong kháng chiến chống thực dân Pháp “Tiến công, nổi dậy, anh dũng, kiên cường” và đặc biệt là chiến công Xuân 1975 giải phóng quê hương trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ.
Bước vào thời kỳ hòa bình xây dựng, Thừa Thiên Huế đã thu được những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử trong sự nghiệp đổi mới, có bước phát triển toàn diện về mọi mặt; trở thành một trong những tỉnh, thành phố là động lực phát triển của miền Trung.
Nhiệm vụ then chốt
Năm 2020, toàn Đảng, toàn dân kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 -3/2/2020). Năm 2020 cũng là năm tiến hành Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII vào năm 2021.
Mỗi kỳ đại hội, tổ chức Đảng đánh giá lại công tác xây dựng Đảng trong nhiệm kỳ qua; đồng thời, đề ra các giải pháp nhằm xây dựng Đảng “thật trong sạch” như Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn. Nếu công tác xây dựng Đảng là “then chốt”, thì công tác tổ chức nhân sự là “then chốt của then chốt” như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu.
Đến nay, Đảng bộ tỉnh đã hoàn thành quy hoạch cấp ủy các cấp nhiệm kỳ 2020-2025. Công tác quy hoạch tiến hành dân chủ, đúng quy trình, chặt chẽ; ngăn ngừa các biểu hiện “lợi ích nhóm”, “tìm người nhà, không tìm người tài” và các tiêu cực khác. Trước đại hội, nhiều cán bộ đã được luân chuyển, điều động, bổ nhiệm; sắp xếp cán bộ gắn với việc thực hiện chủ trương một số chức danh chủ chốt cấp tỉnh, cấp huyện không phải là người địa phương. Lấy hiệu quả công tác làm cơ sở bổ nhiệm. Việc thí điểm thi tuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý đã và đang tiếp tục được triển khai…
Cán bộ, đảng viên trong hệ thống chính trị của tỉnh đã nỗ lực phấn đấu, rèn luyện, giữ vững phẩm chất đạo đức, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Xây dựng đội ngũ cán bộ nói chung cũng như cấp ủy các cấp nói riêng “vừa hồng, vừa chuyên” là nhiệm vụ xuyên suốt vừa cấp bách, vừa lâu dài. Mục tiêu là bảo đảm đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của tình hình, nhiệm vụ mới. Trong đó cấp ủy là tập trung cho trí tuệ, sức chiến đấu và đoàn kết của tổ chức Đảng.
Phát huy truyền thống quý báu 90 năm của Đảng bộ tỉnh, báo cáo chính trị của tổ chức Đảng cũng như đội ngũ cấp ủy nhiệm kỳ mới cần phải bảo đảm tính sáng tạo, trí tuệ, bản lĩnh; đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước, quê hương trong thời kỳ mới.
Táo bạo đổi mới, khát khao hơn nữa
Trong 2 nhiệm kỳ XIV và XV của Đại hội Đảng bộ tỉnh, toàn Đảng, quân và dân trong tỉnh nỗ lực phấn đấu xây dựng, phát triển Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Đó là mục tiêu xuyên suốt để thực hiện Kết luận 48 - KL/TW ngày 25/5/2009 của Bộ Chính trị.
Mục tiêu to lớn ấy vẫn tiếp tục được đặt ra, nhưng với một mô thức mới. Đó là xây dựng Thừa Thiên Huế thành đô thị đặc thù - đô thị di sản, đưa cả tỉnh thành thành phố di sản trực thuộc Trung ương với cơ chế, chính sách đặc thù. Để đi đến mục tiêu ấy, tỉnh đã có Đề án “Xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế đến 2030 và tầm nhìn đến 2045”. Tỉnh cũng đã có chủ trương mở rộng TP. Huế đến năm 2030 có diện tích rộng gấp 5 lần hiện nay.
Tại buổi làm việc của Bộ Chính trị do Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chủ trì tại Hà Nội với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế, Bộ Chính trị tập trung cho ý kiến và thống nhất cần ban hành một nghị quyết mới để xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương với bản sắc văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường; giúp Thừa Thiên Huế phát huy được vai trò, vị thế là trung tâm lớn, đặc sắc của cả nước và khu vực về văn hóa, du lịch, y tế chuyên sâu, khoa học và công nghệ, giáo dục, đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cũng yêu cầu Thừa Thiên Huế cần phải có sự đổi mới táo bạo, khát khao hơn nữa để vươn mình mạnh mẽ, trên cơ sở kế thừa những giá trị truyền thống của tỉnh.
Đó cũng là nhiệm vụ cao cả đối với mỗi người dân của Thừa Thiên Huế trước hết là cấp ủy các cấp nhiệm kỳ 2020 – 2025.
MINH KHIÊM